Lo sợ khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra trong tương lai gần, các gia tộc giàu có nhất thế giới vội vã tích trữ tiền mặt

Hương Giang |

Theo Bloomberg, 42% các quỹ quản lý tài sản gia đình tham gia khảo sát cho biết họ đang tăng cường tích trữ tiền mặt.

Rick Stone, một đối tác cũ của Cadwalader, Wickersham & Taft, nhận thấy thời điểm đầy rủi ro trong tương lai khi các quỹ quản lý tài sản gia đình đang cố gắng tích trữ tiền mặt. Người đứng đầu Stone Family Office cho biết ông nghi ngại rằng thị trường trái phiếu có thể mang về lợi nhuận thực sự trong thập kỷ tới, rằng thị trường chứng khoán sẽ sụt giảm đáng kể sau đó đi ngang. Hơn nữa, lượng vốn mạo hiểm quá lớn và quỹ đầu tư cổ phần cũng không mang đến nhiều cơ hội.

Stone, 60 tuổi, nói: "Đó sẽ là khoảng thời gian khó khăn để các quỹ quản lý tài sản gia đình phân bổ tiền." Stone có cái nhìn rõ ràng về điều này, bởi ông điều hành các cuộc họp diễn ra 2 tháng 1 lần của Palm Beach Investment Research Group - một mạng lưới gồm 35 quỹ quản lý tài sản gia đình ở Palm Beach, bang Florida. Ông nhận định: "Các khu vực đầu tư tiềm năng ngày càng ít hơn và có rất nhiều dòng tiền đang tìm kiếm những nơi như vậy."

Quan điểm tiêu cực về thị trường cũng được chia sẻ bởi nhiều trong số 360 "single family office" và "multi family office" trên toàn cầu, được khảo sát để phục vụ báo cáo 2019 UBS Global Family Office Report, thực hiện cùng Campden Research và phát hành hôm thứ Hai. Đa số đều dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng vào năm 2020, với tỷ lệ đồng tình cao nhất là các công ty ở các thị trường mới nổi. Khoảng 42% các quỹ quản lý tài sản gia đình trên thế giới đang dự trữ tiền mặt ngày càng nhiều.

Single family office: Công ty quản lý tài sản cho 1 gia đình giàu có.

Multi family office: Công ty phục vụ từ 2 đến 500 cá nhân và gia đình giàu có.

Timothy O’Hara, chủ tịch quỹ Rockefeller Global Family Office, cho hay: "Những nhà đầu tư nắm giữ khối tài sản ròng cực kỳ lớn đang thận trọng và lo ngại hơn đối với thị trường chứng khoán. Ngày càng có nhiều người để ý đến những khoản đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư thay thế hoặc tiền mặt."

Jeffrey Gundlach, CIO của DoubleLine Capital, cho biết hồi tháng này rằng ông nghĩ có 75% khả năng nước Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trước tháng cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020. Trong khi đó, các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát hồi tháng 8 dự đoán 35% khả năng suy thoái sẽ diễn ra vào 12 tháng tới, tăng 4% so với 1 tháng trước đó. Hơn nữa, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hạ triển vọng toàn cầu năm 2019 xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính ở 1 thập kỷ trước.

Các quỹ quản lý tài sản gia đình trở thành một nhóm phát triển mạnh hơn trong thị trường tài chính toàn cầu. Campden ước tính rằng những công ty này đang quản lý khoảng 5,9 nghìn tỷ USD tài sản. Các nhà quản lý tài sản gia đình tham gia khảo sát của UBS nắm giữ trung bình khối tài sản trị giá 917 triệu USD.

Kết quả đầu tư đến từ nhiều công ty tham gia khảo sát, thực hiện vào tháng 2 và tháng 3 năm nay. Theo UBS, lợi nhuận trung bình của các quỹ quản lý tài sản gia đình trong 12 tháng trước khi thực hiện khảo sát là 5,4%. Cổ phần đến từ các thị trường phát triển có lợi nhuận đáng thất vọng nhất, trung bình chỉ là 2,1%. Ngoài ra, 6,2% là mức tăng trung bình cao nhất đối với các quỹ quản lý tài sản gia đình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và những thị trường mới nổi, Bắc Mỹ là 5,9% và châu Âu là 4,3%.

Cổ phần tư nhân thuộc nhóm tài sản "ngôi sao", với lợi nhuận trung bình cho các thương vụ đầu tư trực tiếp là 16% và 11% đối với thương vụ đầu tư dựa vào các quỹ. Bất động sản cũng là lĩnh vực thu lời tốt, lợi nhuận trung bình là 9,4% và chiếm 17% danh mục đầu tư của các quỹ quản lý tài sản gia đình, tăng 2,1% so với năm ngoái.

Các quỹ quản lý tài sản gia đình ngày càng tập trung vào sự biến chuyển tiềm năng khác là kế hoạch kế nhiệm (succesion planning). Năm nay, 54% những người tham gia khảo sát cho biết họ có kế hoạch kế nhiệm, tăng từ mức 43% của năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ 1/3 các quỹ quản lý tài sản gia đình trên toàn cầu cho biết họ có kế hoạch đã được hoàn thành trên văn bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại