Thường sau những đợt mưa bão, biển động dữ dội, bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều đoạn bị sạt lở. Biển xâm thực làm lộ ra đống rác khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường.
Tại thôn An Dương, xã Phú Thuận, sóng biển đã "khai quật" bãi rác được chôn cách đây hơn 10 năm, lộ ra những loại rác sinh hoạt khó tiêu hủy. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho biết bãi rác này hình thành từ năm 2008. Thời điểm đó, xã Phú Thuận chưa xây dựng và triển khai đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nên vị trí này trở thành chỗ tập kết, chôn lấp hoặc đốt rác thải của người dân. Khu vực này lúc trước nằm cách mép biển khoảng 300 m nhưng do sạt lở hằng năm nên biển ăn sâu.
Bãi rác chôn lấp ở xã Phú Thuận lộ ra sau khi biển xâm thực
Đến năm 2010, chính quyền địa phương đã xây dựng đề án thu gom, xử lý rác thải. Sau đó, tất cả rác thải sinh hoạt của người dân được Công ty TNHH Hằng Trung vận chuyển đi xử lý nên bãi rác cũ đóng cửa.
Theo ông Tùy, ước tính lượng rác thải tại bãi rác cũ này khoảng 140 m3. Chính quyền xã đang xây dựng đề án thu gom, vận chuyển đến nhà máy xử lý rác thải với kinh phí khoảng 300 triệu đồng. "Vấn đề này huyện cũng rất quan tâm và sẽ bố trí kinh phí hỗ trợ xã xử lý. Đề án dự kiến khoảng 10-15 ngày để hoàn thành, trước Tết Nguyên đán năm nay" - ông Tùy cho hay.
Phương án mà xã Phú Thuận tính tới trong việc thu gom bãi rác thải này là dùng phương tiện cơ giới đào rác lên rồi đưa đi xử lý. Đối với vị trí nằm sâu, lẫn đất cát thì dùng lưới sàng qua để gom rác.
Không những ở Phú Thuận mà một số bãi biển ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng tràn ngập rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa sau mùa biển động. Nhiều khu vực ở bãi biển phường Thuận An, TP Huế - nằm sát với xã Phú Thuận - cũng ngập rác. Men theo bờ biển từ tổ dân phố Hải Tiến đến tổ dân phố Minh Hải, chúng tôi ghi nhận nhiều khu vực có khá nhiều rác, chủ yếu là bao ni-lông, đồ nhựa, phao xốp do hoạt động đánh cá thải ra.
Rác thải ở bãi biển phường Thuận An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An, thời gian qua, rác thải dọc bờ biển này vẫn còn nhiều. Phường đã huy động các ban ngành, đoàn thể phối hợp các tổ dân phố Hải Tiến, Hải Bình, An Hải đồng loạt làm vệ sinh, thu gom rác thải. Trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục ra quân dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác trên biển nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường để phục vụ khách du lịch.
Ông Nguyễn Trung, Giám đốc Công ty TNHH Hằng Trung - đơn vị thu gom, xử lý rác thải tại các xã vùng biển ở huyện Phú Vang và TP Huế, cho biết việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các địa phương này đến nhà máy xử lý chỉ mới thực hiện khoảng 10 năm nay. Trước đó, rác thải do người dân tự xử lý, họ có thể đốt hoặc đưa ra bãi biển vứt, chôn lấp. Vì vậy, ông Trung lo ngại sẽ có nhiều bãi rác chôn lấp giống như ở xã Phú Thuận phát lộ nếu biển tiếp tục sạt lở, ăn sâu vào đất liền.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả thống kê tại 28 tỉnh, thành phố có biển cho thấy lượng chất thải rắn được thu gom trong năm 2019 chỉ 74%. Như vậy, còn khoảng 26% chất thải rắn phát sinh chưa được thu gom. Đây là số liệu đáng lo ngại.