Đài truyền hình CCTV phát sóng trực tiếp vụ phóng tên lửa Trường Chinh-2F Y12 của Trung Quốc vào ngày 17/6/2021. Ảnh: AP
Theo báo Mỹ Washington Post, dự án do nhà nước hỗ trợ được ngành công nghiệp vệ tinh của Trung Quốc gọi là "GW" hoặc "Guowang", tạm dịch là "Mạng lưới Nhà nước", nổi lên từ năm 2021 và là đối thủ của mạng vệ tinh Internet Mỹ.
Năm 2020, Trung Quốc đã đệ trình hồ sơ lên Liên minh Viễn thông Quốc tế - một cơ quan của Liên hợp quốc chịu trách nhiệm thiết lập các tiêu chuẩn trong viễn thông - phác thảo ý định phóng 12.992 vệ tinh ban đầu trên các tần số nhất định trong một khung thời gian không xác định.
Rất khó để xác định chính xác hiện có bao nhiêu vệ tinh liên kết với dự án quốc gia đang ở trên quỹ đạo vì các nhà phân tích cho rằng trong các chương trình dân sự trước đây, Trung Quốc đã phóng một số lượng vệ tinh tương đối khiêm tốn - trong phạm vi cho phép.
Trong những tháng gần đây, các nhà nghiên cứu Trung Quốc chia sẻ những lo ngại với các quan chức quân sự rằng dự án này đang bị tụt hậu quá xa so với Starlink và cần được đẩy nhanh tiến độ sau khi công nghệ liên lạc của SpaceX thể hiện ở Ukraine đã vượt qua các thử nghiệm thực tế.
"Mạng lưới Starlink đã thể hiện sức mạnh quân sự trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trọng tâm bây giờ là đẩy nhanh phát triển chùm vệ tinh Trung Quốc và tìm hiểu các biện pháp phòng thủ trước các vệ tinh nước ngoài như Starlink", một học giả Bắc Kinh biết rõ về dự án Trung Quốc giấu tên tiết lộ.
Những lo ngại về an ninh quốc gia của Trung Quốc đối với Starlink xuất hiện trong bối cảnh cuộc chạy đua vào không gian ngày càng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Cả hai nước đều đầu tư mạnh vào công nghệ phòng thủ tiên tiến và các sứ mệnh thăm dò, bao gồm cả những nỗ lực cạnh tranh để đưa con người đầu tiên lên Sao Hỏa.
Các chùm vệ tinh Internet tầm thấp như Starlink và dự án đối thủ từ Amazon, Boeing, với quỹ đạo cách bề mặt Trái đất từ 400 đến 1.900 km là những dự án thương mại được thiết kế để cung cấp Internet băng thông rộng cho các khu vực có kết nối kém.
Tập đoàn SpaceX của tỷ phú Elon Musk hiện sở hữu hơn 3.000 vệ tinh đang hoạt động và lên kế hoạch triển khai khoảng 42.000 chiếc cho đến khi hoàn tất mạng lưới. Tập đoàn đã gửi hàng nghìn thiết bị Starlink tới Ukraine kể từ khi xung đột bùng nổ và dịch vụ này đã trở thành một công cụ quan trọng cho liên lạc quân sự.
Cũng trong 10 năm qua, Lầu Năm Góc ngày càng phụ thuộc vào lĩnh vực vũ trụ thương mại, sử dụng các phương tiện phóng của SpaceX để triển khai các vệ tinh phòng thủ tối mật. Tháng 12/2022, SpaceX đã tiết lộ một dự án có tên Starshield — tách biệt với Starlink — hướng tới các mục đích an ninh quốc gia của chính phủ. Thông báo này gây lo ngại ở Bắc Kinh, khi các nhà nghiên cứu cho rằng Starshield có thể làm suy yếu khả năng bảo mật của các chương trình quân sự Trung Quốc.
"Sau khi Starshield hoàn thành, nó sẽ tương đương với việc lắp đặt các camera giám sát kết nối trên toàn thế giới. Đến lúc đó, các hoạt động quân sự bao gồm phóng tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu vượt âm và máy bay chiến đấu sẽ khó thoát khỏi sự giám sát của Mỹ", các nhà nghiên cứu từ Đại học Kỹ thuật Vũ trụ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết trong một bài báo đăng trên trang quân sự chính thức của Trung Quốc hồi tháng 12/2022.
Về phần mình, SpaceX chưa công bố bất kỳ thông tin nào cho thấy dự án sẽ bao gồm những khả năng này. Trang web chính thức của công ty cho biết dự án sẽ cung cấp khả năng quan sát Trái Đất, thông tin liên lạc và thiết bị để lưu trữ các thông tin thu được từ các vệ tinh.
Tập đoàn SpaceX và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không trả lời trước yêu cầu bình luận.
Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy các mạng Internet phục vụ thương mại như Starlink được sử dụng cho các mục đích giám sát như các học giả Trung Quốc tuyên bố, song chúng đã chứng tỏ tiềm năng của mình trên chiến trường.
Quân đội ở Ukraine cho biết Starlink giúp cải thiện độ chính xác của hỏa lực pháo binh, tiết kiệm đạn dược, cho phép các binh sĩ giữ liên lạc với bạn bè và gia đình.
Trong một dòng tweet tháng 10/2022, Mykhailo Podolyak - cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - nêu rõ: "Dù muốn hay không, tỷ phú Musk đã giúp chúng tôi sống sót qua những thời khắc quan trọng nhất của chiến tranh".
Trong khi đó, tham vọng kiểm soát không gian của Trung Quốc bị cản trở bởi các rào cản công nghệ và năng lực phóng. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu ở Tây An, miền Trung nước này đã tiến hành thử nghiệm thành công động cơ tên lửa tái sử dụng, nhưng công nghệ này tụt hậu so với SpaceX.
Một quan chức Trung Quốc nói với truyền thông nhà nước rằng nước này hy vọng sẽ sớm phát triển được phương tiện phóng tái sử dụng đầu tiên có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng tương tự như tên lửa của SpaceX vào năm 2025.