Trong phần thứ hai của cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình của đài Fox News - Tucker Carlson vào tối thứ Ba vừa qua, tỷ phú công nghệ Elon Musk khẳng định các cơ quan quản lý nên đóng cửa các trung tâm cung cấp năng lượng cho dịch vụ AI.
Đây được coi là 'kế hoạch dự phòng' mà Elon Musk đề xuất để ngăn chặn mối nguy hại AI có thể gây ra với thế giới, đặc biệt là trong trường hợp nếu các công ty công nghệ 'mất quyền kiểm soát một số siêu AI'. Elon Musk cũng khẳng định AI có thể dẫn đến “sự hủy diệt nền văn minh”
"Bạn không cần phải cho nổ tung chúng, chỉ cần cắt điện," Musk nói. "Nếu có điều gì đó (của AI) khiến chúng ta lo ngại nhưng không thể dừng nó bằng các lệnh phần mềm, thì có lẽ chúng ta sẽ cần có một số loại công tắc ngắt điện phần cứng".
Elon Musk cho rằng chính phủ các quốc gia cần chuẩn bị các biện pháp can thiệp nếu trí tuệ nhân tạo vượt khỏi tầm kiểm soát. Ảnh: Fox News
'Ông chủ' của Twitter cũng là một trong số các lãnh đạo trong mảng công nghệ lên tiếng kêu gọi về việc áp đặt các quy định kiểm soát AI. Tháng trước, Musk cùng với một số chuyên gia AI khác, bao gồm cả Steve Wozniak - đồng sáng lập Apple, đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi tạm dừng phát triển AI, đồng thời cảnh báo về một cuộc chạy đua "mất kiểm soát" của các công ty công nghệ trong lĩnh vực AI.
Sundar Pichai – CEO của Alphabet và CEO của OpenAI Sam Altman cũng đã kêu gọi nhà quản lý cần có các quy định kiểm soát AI và bày tỏ lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn của công nghệ.
Trước đó, bản thân Elon Musk từng cảnh báo về sự nguy hiểm của AI trong suốt nhiều năm. Khi hỗ trợ thành lập OpenAI vào năm 2015, Musk nói rằng AI là "mối đe dọa hiện hữu lớn nhất" đối với nhân loại.
Tuy nhiên, Elon Musk đã từ chức khỏi ban giám đốc của OpenAI sau 3 năm, đồng thời liên tục chỉ trích công ty này kể từ đó đến nay. Người từng giữ ngôi vị tỷ phú giàu nhất thế giới cho biết, ông đã tham gia thành lập công ty do bất đồng quan điểm với Larry Page, nhà đồng sáng lập Google.
Elon Musk gần đây đã công bố kế hoạch thành lập nền tảng AI của riêng mình. Theo Musk, ông có kế hoạch tạo ra một "AI tìm kiếm tối đa sự thật để cố gắng hiểu bản chất của vũ trụ." Ông dự định gọi nó là "TruthGPT" — ám chỉ đến việc dịch vụ này có đường hướng phát triển trái ngược với ChatGPT.
Trước đó, Twitter được cho là đã đặt mua khoảng 10.000 card đồ họa (GPU) và tuyển dụng nhân tài AI từ DeepMind cho dự án liên quan đến mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), theo Business Insider. Ngoài việc mua phần cứng GPU cho dự án AI tổng quát của mình, Twitter đang chiêu mộ nhân tài cho dự án mới. Đầu năm nay, công ty đã tuyển dụng Igor Babuschkin và Manuel Kroiss, các kỹ sư từ công ty nghiên cứu AI DeepMind, một công ty con của Alphabet. Musk cũng đã tích cực tìm kiếm tài năng trong ngành AI để cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI kể từ ít nhất là vào tháng Hai.
Động thái chi tiền để mua sắm thiết bị nghiên cứu AI cho thấy mức độ quan tâm lớn của tỷ phú công nghệ này với việc thúc đẩy dự án. Mặc dù mục đích phát triển dự án này vẫn chưa được tiết lộ, nhiều chuyên gia đã dự đoán Twitter sẽ dùng AI để cải thiện chức năng tìm kiếm hoặc tạo nội dung quảng cáo có khả năng tiếp cận chính xác tới người dùng có nhu cầu.
Tham khảo Bloomberg/BusinessInsider