Lo ngại nước thải hạt nhân

Trọng Dương |

Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị ảnh hưởng.

Ba lõi lò phản ứng tan chảy, giải phóng lượng lớn phóng xạ vào môi trường xung quanh. TEPCO - đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý hàng trăm bể chứa hơn 1 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng trong tai nạn.

Năm 2021, giới chức Nhật Bản dự đoán không còn sức chứa và quyết định lên kế hoạch xả dần nước thải đã qua xử lý xuống biển. Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản dự kiến phê duyệt tiến hành dự án trong năm nay.

Nước thải phóng xạ sẽ trải qua hệ thống lọc để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium - một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro. Dù tritium độc hại, nó vẫn tồn tại trong tự nhiên. Các chuyên gia cho biết, lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.

Việc xả nước thải đã qua xử lý từ các bể chứa khổng lồ ở Fukushima ra Thái Bình Dương dự kiến sớm diễn ra, dù ngày cụ thể chưa được ấn định. Nhật Bản nhiều lần khẳng định, nước thải này an toàn bởi đã được lọc để loại bỏ hầu hết các đồng vị. Tuy nhiên, trong nước vẫn còn dấu vết của tritium - đồng vị của hydro khó tách khỏi nước.

Trước bối cảnh này, ngư dân và người tiêu dùng ở Nhật Bản cũng như các quốc gia lân cận đã bày tỏ lo ngại. Đặc biệt, nhiều người dân Hàn Quốc quyết định đi mua muối về tích trữ, với mong muốn bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Việc người dân đổ xô tích trữ khiến giá muối ở Hàn Quốc tăng gần 27% trong tháng 6 so với 2 tháng trước. Trong khi đó, theo các quan chức thời tiết, một nguyên nhân khác khiến giá muối tăng là sản lượng muối thấp.

Chính phủ Hàn Quốc đang xuất kho khoảng 50 tấn muối mỗi ngày, với mức giảm giá 20% so với giá thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan thủy sản Hàn Quốc khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ trang trại muối để phát hiện tăng phóng xạ. Hàn Quốc đã cấm hải sản từ vùng biển gần Fukushima, trên bờ biển phía Đông của Nhật Bản. Trung Quốc cũng phản đối kế hoạch xả nước của Nhật Bản.

Nhật Bản cho biết đã giải thích chi tiết và có cơ sở khoa học về kế hoạch xả thải cho các nước láng giềng. Vừa qua, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, nước này nhận thấy kế hoạch đang ngày càng được thấu hiểu.

Theo TEPCO, hoạt động đánh bắt cá ít khi diễn ra trong vòng 3 km tính từ nơi đường ống sẽ xả nước. Song, TEPCO lo ngại tritium có thể tích tụ trong chuỗi thức ăn khi các sinh vật lớn hơn ăn những sinh vật nhỏ hơn bị phơi nhiễm.

Người phát ngôn của TEPCO cho biết công ty đã tiến hành các thử nghiệm. Trong đó, các sinh vật biển được nuôi trong nước biển có chứa nước đã qua xử lý ALPS. Người phát ngôn của TEPCO khẳng định: “Chúng tôi khẳng định nồng độ tritium trong cơ thể các sinh vật biển đạt trạng thái cân bằng sau một thời gian nhất định và không vượt quá nồng độ trong môi trường sống”.

Công ty cũng cho biết sẽ tiếp tục so sánh sức khỏe của các sinh vật được nuôi trong nước đã xử lý và pha loãng với những sinh vật được nuôi trong nước biển thông thường.

Một nghiên cứu công bố hồi đầu năm nay lập mô hình nước phóng xạ hòa lẫn như thế nào vào các đại dương trên khắp thế giới. Kết quả cho thấy, các chất gây ô nhiễm sẽ bao phủ gần như toàn bộ khu vực Bắc Thái Bình Dương sau khoảng 1.200 ngày, lan xa tới bờ biển Bắc Mỹ ở phía Đông và Australia ở phía Nam.

Vào ngày thứ 3.600, chất gây ô nhiễm sẽ bao phủ hầu hết Thái Bình Dương. Các nhà nghiên cứu cho rằng, vẫn có thể tìm thấy dấu vết của tritium trong đại dương sau 40 năm, nhưng nồng độ sẽ cực kỳ nhỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại