Lo ngại chủ ngân hàng “buông rèm nhiếp chính”

Đức Anh |

Quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 15/1/2018, một ông chủ không ngồi hai ghế nóng...

Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, một ông chủ không ngồi hai “ghế nóng” tại ngân hàng và DN. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại khó có thể kiểm soát được những trường hợp chủ ngân hàng “buông rèm nhiếp chính”.

Bước rẽ ngang vào ngân hàng

Ông Võ Quốc Thắng, còn được gọi với cái tên Bầu Thắng gắn với Gạch Đồng Tâm chưa từng kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng. Chính vì thế, nhiều người đã rất bất ngờ khi ông Thắng xuất hiện tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của Ngân hàng Kiên Long (KienLong Bank) năm 2013 và được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng này.

Đây được coi là bước đi “lát gạch mở đường” cho con trai là Võ Quốc Lợi (hiện đang nắm giữ hơn 11 triệu cổ phần KienLongBank và là cổ đông cá nhân lớn của ngân hàng) với hàng loạt động thái chấn chỉnh lại nhân sự cũng như hoạt động của ngân hàng này.

Tại kỳ ĐHCĐ thường niên 2018 vừa qua, ông Thắng lại gây bất ngờ khi đột ngột rút khỏi HĐQT KienLongBank. Thay vào đó, ông Lê Khắc Gia Bảo đã được bầu vào ghế nóng Chủ tịch HĐQT KienLongBank.

Trong danh sách 8 thành viên HĐQT dịp này cũng không có tên Võ Quốc Lợi. Trong một trao đổi ngay sau ĐHCĐ của KienLongBank, ông Thắng tiết lộ, hiện Võ Quốc Lợi đang theo học một khóa học tài chính tại Anh, sau khi hoàn thành khóa học này sẽ tiếp tục quay lại KienLongBank.

Sau ông Thắng, ông Vũ Văn Tiền cũng được biết đến là người thứ hai rời ngân hàng trong kỳ đại hội này sau 10 năm tham gia vào lĩnh vực ngân hàng cũng là khoảng thời gian ngồi “ghế nóng” tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank).

Trước đó, ông Tiền được biết đến cùng thương hiệu Geleximco hoạt động trong nhiều lĩnh vực như hạ tầng - bất động sản; tài chính - ngân hàng; giáo dục - đào tạo, công nghệ thông tin với hàng loạt công ty con và công ty liên kết. Tuy không còn là ông chủ “ghế nóng” nhưng ông Tiền vẫn ngồi vị trí thứ hai Phó chủ tịch HĐQT của ABBank.

Lo ngại chủ ngân hàng “buông rèm nhiếp chính” - Ảnh 1.

Không ít trường hợp từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cả ngân hàng và doanh nghiệp (Trong ảnh từ trái qua phải: Ông Võ Quốc Thắng, ông Phương Hữu Việt, ông Đỗ Minh Phú và ông Vũ Văn Tiền)

“Hai chân hai thuyền” có phạm luật?

ĐHCĐ 2018 của TPBank đã bầu ra danh sách 8 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới. trong đó, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ trước đã được bầu với số phiếu cao nhất.

Được biết đến là người xây dựng thành công thương hiệu Vàng bạc đá quý DOJI, ông Phú có cơ hội rẽ ngang sang lĩnh vực ngân hàng khi TPBank đang cần lượng vốn lớn để tái cơ cấu.

Cuối năm 2017, đứng trước áp lực của quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, ông Đỗ Minh Phú đã công bố quyết định thôi làm Chủ tịch Doji để tiếp tục làm chủ tịch HĐQT TPBank.

Tuy nhiên, sau ĐHCĐ ngày 20/4 đến nay, TPBank vẫn chưa công bố kết quả bầu chủ tịch HĐQT và Trưởng Ban kiểm soát.

Trong khi đó, theo thông tin ít ỏi trên website của Doji chỉ giới thiệu hai thành viên của HĐQT tập đoàn là ông Đỗ Minh Đức (đang kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc tập đoàn) và bà Đỗ Vũ Phương Anh (cũng đang kiêm chức phó tổng giám đốc tập đoàn).

Theo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng ban hành ngày 17/10/2014, phạt tiền từ 40-80 triệu đồng đối với hành vi bầu, bổ nhiệm những người không được cùng đảm nhiệm chức vụ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.

Trong thời hạn tối đa 3 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực, tổ chức tín dụng, chi nhánh, ngân hàng nước ngoài phải tìm người thay thế các đối tượng được bầu, bổ nhiệm vi phạm quy định.

Trường hợp không tìm người thay thế đối tượng đã được bầu sai quy định thì cấp có thẩm quyền ra quyết định miễn nhiệm các đối tượng được bầu, bổ nhiệm vi phạm quy định nói trên.

Một trường hợp khác tuơng tự là ông Phương Hữu Việt. Năm 2011, Ngân hàng Việt Á (VietABank) đứng trước áp lực buộc phải tăng vốn điều lệ lên trên 3.000 tỷ đồng theo lộ trình đã được NHNN quy định, ông Việt (cùng với Tập đoàn Đầu tư Việt Phương do ông làm chủ) chính thức bước chân vào ngành ngân hàng với việc rót 510 tỷ đồng và sau đó mấy tháng đã trở thành chủ tịch của ngân hàng này.

Khi đó, vị doanh nhân SN 1964 cùng tập đoàn của mình sở hữu 51 triệu cổ phiếu, tương ứng 17,36% vốn điều lệ của Việt Á.

Nghị quyết ĐHCĐ diễn ra cuối tháng 4 vừa qua của VietABank đã bầu ra danh sách 6 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023, trong đó có ông Phương Hữu Việt với tỷ lệ trúng cử cao nhất.

Tuy nhiên, tới nay ngân hàng vẫn chưa công bố kết quả bầu Chủ tịch HĐQT và Trưởng Ban kiểm soát.

Thời gian qua, hai trường hợp chọn ngân hàng thay vì doanh nghiệp do chính tay gây dựng là ông Dương Công Minh rời Him Lam để làm Chủ tịch HĐQT SacomBank, ông Đỗ Quang Hiển rời T&T làm Chủ tịch HĐQT SHB...

Đến nay, vẫn còn trường hợp cùng lúc làm lãnh đạo cả ngân hàng và doanh nghiệp như bà Lê Thị Băng Tâm hiện là Chủ tịch HĐQT HDBank và Chủ tịch HĐQT Vinamilk…

Theo Điều 3, Điều 4 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Quy định rõ ràng là thế, tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng, khó có thể kiểm soát được những trường hợp “buông rèm nhiếp chính”, không ngồi ở ghế chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc nhưng thực chất vẫn có tiếng nói quyết định bởi tỷ lệ sở hữu hay công ty là sở hữu tư nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại