Tại Genghis, lò đào tạo vệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc, các học viên được dạy rằng mối đe dọa với người giàu mới nổi tại quốc gia này trong thời đại công nghệ hiện đại như ngày nay đến từ hacker nhiều hơn những tay súng.
Mỗi ngày, các học viên trong trang phục vest màu đen được huấn luyện từ sáng sớm đến tận nửa đêm tại học việc ở phía đông thành phố Thiên Tân. Nơi đây chú trọng đến nội dung phòng thủ kỹ thuật số tương đương với đào tạo truyền thống về chiến đấu, vũ khí và lái xe tốc độ cao.
Vệ sĩ cho nhà giàu là một nghề "hot" ở Trung Quốc.
Mỗi năm, có khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp. Ai cũng hy vọng có được công việc làm vệ sĩ cho hàng loạt người giàu và người nổi tiếng đang tăng nhanh ở Trung Quốc. Vị trí này có thể đem lại thu nhập 70.000 USD/năm, gấp vài lần mức lương văn phòng.
Tuy nhiên, con số 1.000 học viên vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao ở Trung Quốc, quốc gia đang có khoảng 4,4 triệu triệu phú USD, nhiều hơn cả Mỹ, theo báo cáo của Credit Suisse năm 2019.
Học phí của một khóa đào tạo ở mức tương đối cao, 3.000 USD/người. Thời gian vừa qua, dù Genghis phải tạm dừng việc huấn luyện vì đại dịch Covid-19, nhu cầu cho dịch vụ vệ sĩ vẫn không hề sụt giảm.
Người sáng lập Chen Yongqing cho biết chỉ những người giỏi nhất mới được tốt nghiệp và tiêu chuẩn kỷ luật của ông thậm chí còn khắt khe hơn cả quân đội. Cựu quân như đến từ vùng Nội Mông chia sẻ: "Tôi là người nóng tính và yêu cầu rất cao. Chỉ bằng sự nghiêm khắc chúng ta mới có thể rèn một thanh kiếm tốt. Nếu không nó sẽ tự gãy".
Chen Yongqing, nhà sáng lập của học viện.
Chen nói rằng khoảng một nửa học viên là cựu quân nhân. Hàng ngày, họ luyện tập trong một nhà thi đấu lớn với khẩu súng nhựa màu xanh với nhiệm vụ giải vây cho thân chủ và đưa vào xe tẩu thoát an toàn. Một số buổi tập khác diễn ra trong phòng học hoặc phòng tập thể lực.
Học viên không được dùng điện thoại di động. Các bữa ăn thường diễn ra trong im lặng, nơi mọi người cùng dùng bữa trong một nhà ăn lớn có treo ảnh của những sinh viên tốt nghiệp trước đó. Nổi tiếng nhất có lẽ là vệ sĩ của Jack Ma, tỷ phú giàu thứ hai ở Trung Quốc hay những người từng bảo vệ các Tổng thống Pháp khi tới thăm Trung Quốc.
Huấn luyện viên Ji Pengfei tự hào nói: "Chúng tôi đã đặt ra tiêu chuẩn cho vệ sĩ Trung Quốc". Trong một lớp học, các học viên đứng theo cặp và đối mặt với tình huống bảo vệ khách hàng khỏi kẻ xâm nhập.
Khi Ji hét lên "Nguy hiểm", vệ sĩ phải nhanh chóng che chắn ông chủ đồng thời rút súng ra. Ai không thực hiện được trong vòng 2 giây sẽ bị phạt 50 lần hít đất.
Các học viên luyện tập với súng giả.
Do luật cấm vũ khí, tất cả súng ở học viện đều là giả. Đối với khóa huấn luyện bắn súng thật, học viên được đưa đến Lào để thực hành.
Ngoài ra, ở một quốc gia có tỷ lệ tội phạm đường phố thấp và công nghệ phát triển như Trung Quốc, các vệ sĩ cũng cần nâng cao khả năng bảo vệ khách hàng khỏi hệ thống giám sát của chính quyền và hacker chuyên nghiệp.
Chen nói với học viên: "Người giàu Trung Quốc không cần các bạn phải đánh nhau nữa". Theo ông, phần lớn khách hàng của học viện là các công ty bất động sản và công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Chống lại các vụ hack trên điện thoại, bảo mật mạng, phát hiện kẻ nghe trộm và xóa dữ liệu là những kỹ năng mà vệ sĩ ngày nay cần trang bị.
Mặc dù vậy, các mối đe dọa kiểu cũ vẫn tồn tại. Đầu năm nay, tỷ phú He Xiangjian từng bị bắt cóc tại nhà riêng. Theo một số nguồn tin, con trai của ông đã trốn thoát và báo cảnh sát để giải cứu cha thành công.
Không chỉ bảo vệ giới siêu giàu, học viên của Genghis còn cung cấp các dịch vụ khiêm tốn hơn như hộ tống con cái của người giàu có, người nổi tiếng đến trường với mức khi 26.000 USD/năm. Mức lương này vẫn khá nhiều so với mức lương cơ bản mỗi năm ở nhiều công ty tư nhân.
Huấn luyện viên Ji cho biết khách hàng đôi khi còn đưa ra những yêu cầu kỳ quặc. Vài người chỉ chọn vệ sĩ hợp tuổi, trong khi có khách hàng thuộc danh sách Fortune 500 chỉ chấp nhận vệ sĩ cùng quê quán. Một người khác phỏng vấn ứng viên về những cuốn sách mà ông thích đọc.
Ngoài đào tạo vệ sĩ cho nhu cầu trong nước, Genghis còn làm việc với khách hàng nước ngoài. Một học viên cho biết anh muốn làm việc ở Philippines hoặc Myanmar. Khi đó, anh có thể mang theo súng thật và có thu nhập cao hơn dù công việc thách thức hơn.