Lỗ hổng trên thân tàu USS Cole hay trên chính hệ thống an ninh Mỹ?

Hoàng Tiến |

Ngày 12-10-2000, những kẻ khủng bố đã lao một chiếc thuyền nhỏ vào thân tàu USS Cole, khu trục tên lửa của Hải quân Mỹ đang tiếp nhiên liệu tại cảng Aden của Yemen, kích hoạt lượng lớn thuốc nổ mang theo. Những kẻ đánh bom đã chết trong vụ nổ nhưng chúng cũng kịp để lại trên thân tàu Cole một lỗ thủng lớn và một lời cảnh báo tới nước Mỹ. Chưa đầy một năm sau, ngày 11-9-2001, tòa tháp đôi tại Trung tâm thương mại thế giới WTC đã sụp đổ hoàn toàn sau vụ tấn công hết sức quy mô của al-Qaeda. Phải chăng có một lỗ thủng khác trong hệ thống an ninh Mỹ?

Lúc 9h30, ngày 12-10-2000, khu trục USS Cole do hạm trưởng Kirk Lippold chỉ huy tiến vào cảng Aden của Yemen để tiếp nhiên liệu. Quá trình tiếp nhiên liệu dự kiến hoàn thành vào 10h30.

Lời cảnh báo của al-Qaeda

Các thủy thủ tranh thủ thư giãn sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, họ không thể ngờ rằng một bi kịch sắp ập đến. Một chiếc thuyền lạ dài khoảng 11m lân la đến mạn tàu khu trục USS Cole. Các thủy thủ thậm chí đã mỉm cười đáp lại khi hai người lạ mặt trên con thuyền nhỏ tươi cười vẫy chào.

Con thuyền nhỏ làm các thủy thủ tàu USS Cole lầm tưởng là tàu vớt rác thực ra lại chở 300kg thuốc nổ RDX và TNT.

Hai kẻ lạ mặt bất ngờ điều khiển chiếc thuyền nhỏ lao trực diện vào mạn trái của tàu khu trục và kích nổ. Khối thuốc nổ hỗn hợp có sức công phá vô cùng lớn. Nhiều nhân chứng kể lại tác động từ vụ nổ lớn đến nỗi các tòa nhà gần cảng Aden cũng bị rung chuyển. USS Cole ngay lập tức lĩnh hậu quả với một lỗ hổng rộng 12m tại vị trí thuyền của hai kẻ đánh bom tự sát đâm vào.

Vụ nổ phá hỏng buồng máy, thổi bung khu vực nhà bếp, đang rất đông thủy thủ xếp hàng nhận phần ăn.

Vụ tấn công khiến 17 thủy thủ thiệt mạng và 39 thủy thủ khác bị thương. Khu vực phòng máy ngập chìm trong nước. Thủy thủ đoàn phải vật lộn để kiểm soát thiệt hại 3 ngày sau đó. Đây là thiệt hại nặng nề nhất của Hải quân Mỹ kể từ sau vụ bắn nhầm vào tàu khu trục USS Stark vào năm 1987.

Đến tận bây giờ, al-Qaeda vẫn tự hào rằng, vụ tấn công vào tàu USS Cole là một trong những chiến thắng lớn nhất của mạng lưới khủng bố này. Còn Hải quân Mỹ sau này cho biết tàu USS Cole hoàn toàn có thể bị chìm sau vụ tấn công nhưng các thủy thủ đã dũng cảm đối đầu với hiểm nguy và cố gắng vượt qua chấn động tâm lý để bơm nước và nhiên liệu ra khỏi tàu khu trục. Ngày 30-10-2000, một tàu vận tải Na Uy trợ lực đưa USS Cole trở về Mỹ. Hải quân Mỹ sau đó đã phải chi tới 250 triệu USD để sửa chữa USS Cole.

Lỗ hổng trên thân tàu USS Cole hay trên chính hệ thống an ninh Mỹ? - Ảnh 1.

Abd al Rahim al-Nashiri kẻ chủ mưu vụ tấn công

Cuộc điều tra cam go

FBI nhanh chóng gửi đến Yemen hơn 100 đặc vụ từ nhiều ban, phòng của mình: chống khủng bố, thí nghiệm… phối hợp với lực lượng của Cục Điều tra tội phạm Hải quân (NCIS) điều tra vụ đánh bom.

Tại đất nước Yemen, các đặc vụ FBI phải hoạt động trong một môi trường cực kỳ thù địch. Khi đón họ tại sân bay, mỗi thành viên của lực lượng đặc biệt Yemen đều được trang bị một khẩu AK-47. Không khí căng thẳng tràn ngập như điềm báo cho chuyến công tác đầy bạo lực.

Đúng thời điểm này, các nhà lập pháp trong quốc hội Yemen kêu gọi chiến tranh chống Mỹ. Những lời phát biểu của họ được phát sóng trên truyền hình địa phương mỗi đêm, nó tạo ra tư tưởng thù địch ở người dân Yemen với lính Mỹ. Hoạt động điều tra của nhóm đặc vụ trở nên nguy hiểm khi tính mạng bị đe dọa bất cứ lúc nào.

Sau vài lần trì hoãn, chính phủ Yemen đã sản xuất một video được lấy từ camera an ninh tại tòa nhà cao tầng nhìn ra khu vực cảng. Bản video này được phát sóng công khai và cung cấp cho các nhà điều tra Mỹ.

Thế nhưng, trong video này, khoảnh khắc quan trọng nhất của vụ nổ đã bị xoá. Nó không giúp ích được gì nhiều cho cuộc điều tra. Một đặc vụ kể lại: “Có rất nhiều mối đe dọa hiện hữu buộc các nhân viên phải mặc nguyên quần áo đi làm để lên giường ngủ. Vũ khí luôn sẵn sàng hai bên”.

Một vài lần, khách sạn nơi các đặc vụ lưu trú, bị bao vây bởi một nhóm người mặc trang phục truyền thống. Vài người đi quanh khách sạn, vài người ngồi trên xe jeep, tất cả đều mang súng. Cuối cùng, các đặc vụ phải bỏ khách sạn để đến ở trên một tàu Hải quân của Mỹ đậu tại Vịnh Aden, nhưng họ vẫn không cảm thấy an toàn.

Giám đốc FBI Louis Freeh ngay sau đó đã đến thực địa để đánh giá tình hình và gặp Tổng thống Yemen. Vào ngày 29-11, một tài liệu hướng dẫn đã được ký kết giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và chính phủ Yemen thiết lập các giao thức, cho phép FBI thẩm vấn các nhân chứng và nghi phạm.

Đến lúc này, các đặc vụ mới được phép quay trở lại bờ. Một đặc vụ cho biết, máy bay trực thăng chở họ bay theo các tuyến đường được chỉ định do trung tâm điều khiển. FBI lo ngại về tên lửa phòng không vác vai của các lực lượng thù địch tại Yemen xuất hiện bất cứ lúc nào.

Các nhà điều tra FBI và Yemen đã tiến hành phỏng vấn, thu một lượng lớn bằng chứng vật lý chuyển về Phòng thí nghiệm FBI để kiểm tra. Các đặc vụ đã chụp rất nhiều ảnh về hiện trường vụ án, hỗ trợ xác định nạn nhân và cung cấp thông tin chi tiết về ảnh hưởng của vụ nổ.

Sau đó, các đặc vụ FBI từ phòng thí nghiệm, cũng như các kỹ thuật viên và chuyên gia bom mìn từ New York đến Ingalls Shipbuilding, Pascagoula, Mississippi, nơi Cole được đưa đến, để kiểm tra con tàu tìm thêm bằng chứng.

Cuộc điều tra của FBI với quy mô chưa từng có cuối cùng xác định rằng các thành viên của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã lên kế hoạch và thực hiện vụ đánh bom.

Lỗ hổng trên thân tàu USS Cole hay trên chính hệ thống an ninh Mỹ? - Ảnh 3.

17 thuyền viên USS Cole thiệt mạng

Chưa thể bóc gỡ hết mạng lưới

Tháng 12-2000, các nhà điều tra Mỹ và Yemen công bố kẻ chủ mưu trong vụ đánh bom là Abd al Rahim al-Nashiri - nhân vật thuộc tổ chức khủng bố al-Qaeda hoạt động tại Bán đảo Arab. Cũng trong khoảng thời gian này, lực lượng an ninh Yemen đã bắt hai nghi phạm khác liên quan tới vụ tấn công là Fahd al-Quso và Jamal al-Badawi.

Tháng 11-2002 Abd al Rahim al-Nashiri Nashiri bị bắt tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và được trao cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Năm 2006, hắn bị chuyển đến nhà tù Guantanamo.

Ngày 15-3-2003, Bộ Tư pháp Mỹ công bố bản cáo trạng dành cho Jamal al-Badawi và Fahd al-Quso vì vai trò của chúng trong vụ tấn công tàu USS Cole. Ba kẻ đồng lõa khác được nêu tên bao gồm Walid bin Attash, Abd al Rahim al-Nashiri và Osama bin Laden.

Ngày 11-4-2003, Fahd al-Quso và Jamal al-Badawi trốn thoát khỏi nhà tù ở Yemen. Sau gần một năm lẩn trốn, vào ngày 19-3-2004, lực lượng an ninh Yenmen đã truy lùng và bắt giữ lại được hai tên này.

Tháng 7-2004, Yemen buộc tội 6 bị cáo trong vụ án liên quan đến USS Cole. 5 đối tượng bị truy tố trước tòa là Jamal al-Badawi, Maamoun Msouh, Fahd al-Quso, Ali Mohamed Saleh và Murad al-Sirouri. Riêng chủ mưu Abd al Rahim al-Nashiri bị xử vắng mặt do đang bị Mỹ giam giữ.

Ngày 19-9-2004, tòa án tại Yemen tuyên án tử hình đối với Jamal al-Badawi và Abd al Rahim al-Nashiri. Fahd al-Quso nhận án 10 năm tù, Maamoun Msouh 8 năm tù, cả Ali Mohamed Saleh và Murad al-Sirouri đều nhận mức án 5 năm trong tù.

Ngày 26-2-2005, một phiên tòa phúc thẩm tại Yemen đã hạ án tử hình của Jamal al-Badawi xuống 15 năm trong tù nhưng vẫn giữ nguyên bản án với Abd al Rahim al-Nashiri. Nhưng vào ngày 3-2-2006, Interpol thông báo Jamal al-Badawi đã vượt ngục. Mạng lưới của al-Qaeda trong vụ tấn công khu trục USS Cole đã được FBI bóc gỡ gần hết.

Tuy nhiên, một thủ lĩnh quan trọng của tổ chức Hồi giáo cực đoan này, Osama bin Laden chưa sa lưới. Tên này đã chỉ huy vụ tấn công hèn hạ vào ngày 11-9-2001 làm sụp đổ hoàn toàn tháp đôi WTC, biểu tượng của nước Mỹ.

Link gốc bài viết tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại