Lỗ hổng của Mỹ trong tác chiến từ sau vụ tập kích ở Jordan

Bảo Hà |

Lý do Mỹ không đánh chặn được chiếc máy bay không người lái (UAV) đột kích vào căn cứ quân sự tại Jordan khiến 3 binh sĩ nước này thiệt mạng được cho là do nhầm với với một chiếc UAV của chính mình.

Lỗ hổng của Mỹ trong tác chiến từ sau vụ tập kích ở Jordan- Ảnh 1.

Binh sĩ Mỹ đi tuần tra tại biên giới Syria - Jordan. Ảnh: AFP

Phát biểu với Tạp chí Phố Wall (WSJ) ngày 29/1, một quan chức cấp cao của Mỹ tuyên bố việc nhầm lẫn xảy ra là do máy bay không người lái của kẻ địch tiếp cận mục tiêu cùng thời điểm một máy bay không người lái của Mỹ đang quay trở lại căn cứ.

Theo chuyên gia Nikolay Kostikin làm việc tại Cục Phân tích Quân sự-Chính trị Nga, việc nhầm lẫn có thể xảy ra. “Chúng ta cần hiểu rằng những gì người chỉ huy nhìn thấy trên màn hình không phải là hình ảnh từ máy quay video, mà chỉ là các mục tiêu có kích thước tương đương. Họ có thể nghĩ đó là máy bay không người lái của mình. Tất nhiên, chúng tôi giả định có trường hợp đó xảy ra. Để ngăn ngừa tình trạng nhầm lẫn, mỗi loại UAV cần được đưa vào hệ thống nhận dạng bạn hoặc thù (IFF). Tuy nhiên, khi xảy ra vụ tấn công, hệ thống IFF không hoạt động là một điểm nghi vấn”, chuyên gia Nikolay giải thích.

IFF là một hệ thống nhận dạng máy bay có người lái và không người lái thân thiện hay không. Tuy nhiên, ông Nikolay lưu ý các phương pháp truyền thống để nhận biết máy bay bạn hay thù và xác định mục tiêu không phải lúc nào cũng hiệu quả. Ông nói: “Chính vì vậy, kinh nghiệm chiến đấu của những người phụ trách quan sát mang vai trò quyết định”.

Minh họa cho quan điểm của mình, chuyên gia này đã đề cập đến kinh nghiệm chiến đấu của Nga có được trong cuộc xung đột Ukraine kéo dài gần hai năm. "Mặc dù các máy bay không người lái của Ukraine liên tục tấn công Nga nhưng chúng hiếm khi có thể tiếp cận các cơ sở quân sự. Cho đến nay, người Ukraine và các đồng minh chỉ có thể tự hào khi thành công trong việc tiếp cận những địa điểm công cộng”, vị chuyên gia chỉ ra.

Theo ông Nikolay, các lực lượng có thể sử dụng chiến lược làm quá tải hệ thống nhận diện với một số lượng lớn các mục tiêu “mồi nhử”. Ví dụ, tên lửa Kh-101 hiện đại của Nga có khả năng phóng mồi nhử để đánh lừa hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

“Máy bay không người lái tấn công thường hoạt động theo bầy. Nhiệm vụ của chúng chủ yếu là làm quá tải hệ thống nhận diện, thu hút sự chú ý của người quan sát và làm cạn kiệt khả năng phóng hỏa lực của đối phương”, ông Nikolay giải thích.

Trở lại vụ đột kích vào căn cứ Jordan, chuyên gia Nikolay chỉ ra hậu quả căn cứ bị tấn công khiến 3 binh sĩ thiệt mạng và nhiều binh sĩ khác bị thương có thể do quân đội Mỹ thiếu kinh nghiệm. Các binh sĩ Mỹ và Anh hoạt động trong vùng chiến sự giữa Nga và Ukraine có thể đang nỗ lực học hỏi để lấy kinh nghiệm.

Ngày 28/1, căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Jordan, giáp biên giới Syria, bị tấn công khiến 3 quân nhân thiệt mạng và hơn 30 người khác bị thương. Theo truyền thông Mỹ, đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ chịu tổn thất về người kể từ khi xung đột Hamas-Israel nổ ra tháng 10/2023.

Sau khi xảy ra cuộc tấn công, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra tuyên bố nêu rõ nước này sẽ tìm ra thủ phạm đứng sau vụ tấn công "ở thời điểm và theo cách thức mà Mỹ muốn". Trong một tuyên bố mới nhất vào ngày 31/1, Tổng thống Biden khẳng định đã lựa chọn được phương án đáp trả song không công bố thêm chi tiết.

Phía Mỹ cho rằng các nhóm vũ trang hoạt động ở Syria và Iraq đã thực hiện vụ việc, cũng như Tehran có liên quan tới hoạt động của các nhóm vũ trang đó. Các quan chức Iran đã bác bỏ những cáo buộc "vô căn cứ" này. Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ các nhóm vũ trang trong khu vực quyết định và làm việc theo những nguyên tắc, ưu tiên và vì lợi ích riêng, không phải theo chỉ đạo của Tehran. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cảnh báo những cáo buộc và động thái thiếu thân thiện của một số quan chức phương Tây có thể đe dọa hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại