Lỗ hổng an ninh chết người giúp Taliban đánh bom đẫm máu căn cứ NATO

Trung Hiếu |

Giới chức an ninh và quân sự Mỹ tin tưởng “cựu binh Taliban” đến mức phớt lờ cả cảnh báo của tình báo Afghanistan, và phải hứng chịu hậu quả đẫm máu.

Ngày 12/11 vừa rồi, công dân Afghanistan tên là Qari Naib đã kích bom nổ tan xác bên trong một căn cứ NATO gần Kabul khiến 4 người Mỹ thiệt mạng.

Tình báo Afghanistan đã cảnh báo cho quân đội Mỹ ít nhất hai lần rằng một công nhân Afghanistan có thể đang lên kế hoạch thực hiện tấn công vào căn cứ NATO.

Lỗ hổng an ninh chết người giúp Taliban đánh bom đẫm máu căn cứ NATO - Ảnh 1.

Căn cứ không quân Bagram của NATO ở Afghanistan. Ảnh: Khaama Press.

Quan chức Afghanistan cũng cho biết họ thường xuyên yêu cầu các lực lượng phương Tây chia sẻ thông tin về nhân viên địa phương làm việc tại căn cứ không quân Bagram rộng lớn nhằm kiểm tra “những người khả nghi trong số đó” nhưng họ đã bị khước từ.

Khi được hỏi về câu chuyện chia sẻ thông tin này, phát ngôn viên NATO Đại úy William Salvin cho biết các lực lượng NATO “đều đặn hợp tác với ANDSF (các Lực lượng Quốc phòng và An ninh Afghanistan) về tất cả các khía cạnh an ninh, bao gồm cả chia sẻ thông tin”.

Ông này cho biết thêm: “Chúng tôi duy trì quan hệ làm việc hàng ngày với các đối tác Afghanistan nhưng do yêu cầu an ninh trong công việc nên chúng tôi không đi vào cụ thể về những gì được chia sẻ”.

Mất bò mới lo làm chuồng

Theo giới chức Afghanistan, quân đội Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với họ vào lúc này.

Wahid Sediqqi, phát ngôn viên cho thống đốc tỉnh Parwan (Afghanistan), nói: “Sau vụ tấn công, các lực lượng Mỹ đã nhất trí chia sẻ thông tin về các nhân viên người Afghanistan với chúng tôi”.

Giới chức sau đó phát hiện ra rằng Naib, một chiến binh Taliban, trước khi tham gia chương trình của chính phủ dành cho những tay súng từ bỏ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, đã sử dụng một cái tên giả là Qari Enayat ở nơi làm việc.

Nhiều đầu mối tình báo hóa ra là sai và hiện không rõ trong trường hợp có sự phối hợp tốt hơn giữa 2 bên thì liệu người ta có phát hiện được kịp thời ý đồ thật của Naib để có thể ngăn y giết hại 2 lính Mỹ và 2 nhân viên hợp đồng, đồng thời làm bị thương ít nhất 15 người khác.

Vụ tấn công này là một trong các vụ tấn công tồi tệ nhất nhằm vào lực lượng Mỹ trong các năm qua.

Cuộc tấn công đầu tiên bên trong một trong các căn cứ được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt nhất của NATO đã đặt ra các câu hỏi về quá trình rà soát an ninh của phương Tây đối với các công nhân bản địa và về chương trình tái hòa nhập các phiến quân từ bỏ hoạt động nổi loạn.

Cuộc tấn công do chính người bên trong thực hiện này đã làm phức tạp hóa thêm các chiến dịch quân sự ở Afghanistan, nơi lực lượng Taliban, al-Qaeda và gần đây là chi nhánh địa phương của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, đang gây ra nhiều thương vong nặng nề và khiến cho vùng đất này thêm mất an toàn.

Kể từ sau cuộc tấn công căn cứ Bagram, chỉ còn rất ít công nhân Afghanistan được phép vào trong căn cứ này.

Cảnh sát Bagram cho biết, chỉ có 200 trong ước chứng 3.000 nhân viên Afghanistan là được phép quay trở lại làm việc ở căn cứ nói trên.

Câu chuyện giải giáp “thành công”

Trước ngày 12/11, Naib được coi là một câu chuyện thành công đối với Afghanistan. Chính phủ nước này đã nỗ lực thu hút các chiến binh rời bỏ phong trào nổi dậy.

Phát ngôn viên Sediqqi nói: “Anh ta là cựu binh Taliban, làm việc trong căn cứ này một thời gian dài, được người ta tin tưởng. Lợi dụng niềm tin đó, anh ta đã tiến hành cuộc tấn công này”.

Đầu năm 2012, sau khi đăng ký theo chương trình tái hòa nhập, Naib đăng ký một khóa học 9 tháng tại Trung tâm Đào tạo Nghề Hàn Quốc bên trong căn cứ Bagram, học tiếng Anh, vi tính và cách sửa ô tô.

Giống hầu hết các học viên khác tại trung tâm, Naib ngay lập tức có công ăn việc làm.

Sau khi trải qua các khâu kiểm tra an ninh, bao gồm kiểm tra dấu vân tay và sinh trắc để đảm bảo y không dính vào các hoạt động tội phạm, Naib bắt đầu làm việc cho công ty Fluor (có trụ sở ở Texas) với tư cách là một thợ cơ khí ô tô trong căn cứ.

Thông tin này do người trong gia đình y nói với hãng tin Reuters trong một lần viếng thăm nhà y chỉ cách căn cứ một quãng ngắn.

Hãng Fluor cho biết một trong các nhà thầu phụ của hãng đã thuê y.

Công ty này nói: “Fluor không trực tiếp tuyển dụng người Afghanistan ở Bagram. Hơn nữa, quá trình sàng lọc an ninh đối với các nhân lực tuân theo một quy trình của chính phủ Mỹ. Chúng tôi áp dụng quy trình này và yêu cầu các nhà thầu phụ làm tương tự”.

Naib, tầm 25 tuổi, làm ca đêm từ 17h chiều đến 2h sáng hôm sau. Ban đầu y nhận mức lương khoảng 20.000 afghanis (tương đương 300 USD) một tháng. Mẹ y, bà Gulalai cho biết, hồi tháng 3/2016, y được tăng lương, lên mức 30.000 afghanis một tháng.

Theo gia đình Naib, cấp trên của y tại công ty “rất hài lòng” với Naib và tin tưởng vào y, cho y mang thức ăn và đồ uống về nhà cho mẹ và 4 người em mà mình y nuôi dưỡng.

Đòn tấn công choáng váng

Vào ngày 11/11, đêm trước cuộc tấn công, Naib ra khỏi nhà để đi làm vào lúc 17h như thường lệ. Thế rồi sáng sớm hôm sau, một tiếng nổ lớn vang lên – bà Gulalai nhớ lại.

Thông tin được bà này đưa ra khi đang ở trong phòng đứa con trai đã chết. Bà cũng xin giới chức trả xác con bà để bà có thể chôn cất.

Các quan chức Mỹ và NATO đang điều tra xem làm thế nào mà Naib lại có thể vượt qua các vòng an ninh của căn cứ, trong đó có vô số chốt kiểm tra và máy quét cơ thể.

Cảnh sát Afghanistan đã bắt giữ cha của Naib và một người họ hàng trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ tấn công tự sát này.

Lực lượng Taliban ở Afghanistan nhận trách nhiệm ngay sau vụ đánh bom. Họ nói rằng vụ tấn công này thuộc về một trong các chiến binh của họ và rằng họ đã lên kế hoạch tấn công này trong 4 tháng. Một phát ngôn viên của tổ chức này từ chối thảo luận chi tiết về vụ Naib.

Không rõ vì sao và khi nào mà người thợ cơ khí ăn nói nhỏ nhẹ này gia nhập trở lại lực lượng Taliban, hoặc liệu y trước đó có thực sự rời khỏi tổ chức này hay không.

Căn cứ Bagram được bảo vệ bằng các rào chắn bê tông và dây thép gai. Đây là nơi ở của khoảng 14.000 lính liên quân và nhân viên hợp đồng. Căn cứ từng bị tấn công trước đó, nhưng chủ yếu là bằng các trái rocket do các chiến binh phóng từ bên ngoài vào, chứ chưa bị tấn công từ bên trong.

Các quan chức an ninh Afghanistan cho biết, 5 năm trước, Naib từng là nghi phạm trong một vụ tấn công như thế, buộc y phải lẩn trốn để khỏi bị bắt.

Nhưng giới chức Afghanistan chưa bao giờ tìm thấy bằng chứng y tham gia tấn công bằng rocket, và mẹ y nói rằng y vô tội.

Bà Gulalai khi đó nói: “Con trai tôi là một thiên thần. Nó chẳng có tội gì cả”.

Để làm trong sạch tên của y và tránh bị cảnh sát làm phiền, các bô lão trong làng nơi y sống khuyến cáo Naib tham gia chương trình tái hòa nhập với triển vọng học nghề và được đi làm.

Khoảng 11.000 chiến binh đã tham gia các chương trình như thế, nhưng không rõ có bao nhiêu người là vẫn “yên bình” (không quay trở lại con đường bạo lực).

Một tổ chức theo dõi của chính phủ Mỹ mới đây cho biết chương trình này không làm giảm đáng kể năng lực quân sự của lực lượng vũ trang đối lập.

Theo chính phủ Afghanistan có 154 chiến binh tham gia vào chương trình tái hòa nhập cuối cùng đã quay trở lại con đường cũ. Các quan chức rỉ tai rằng con số thực sự còn cao hơn nhiều.

Một số người Afghanistan tỏ ra cảnh giác với sự có mặt của người Mỹ ở đất nước này. Mặc dù phản đối bạo lực do các chiến binh gây ra, họ xem binh sĩ nước ngoài là một nguyên nhân chứ không phải là giải pháp cho vấn đề này.

Một người họ hàng giấu tên của Naib nói: “Ừ thì nó đánh bom tự sát đấy, nhưng mà nó chỉ giết và làm bị thương người Mỹ chứ chẳng làm hại người Afghanistan nào cả”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại