Năm 2013, Hội nghị Trung ương 8, khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 28 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nghị quyết ra đời đã cho thấy bước phát triển mới trong tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết, chúng ta đã triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp để xây dựng và bảo vệ đất nước. Chính vì vậy, trong khi thế giới liên tục xảy ra những bất ổn, xung đột, căng thẳng leo thang nhưng Việt Nam vẫn giữ được hòa bình, ổn định và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
Nhìn lại những dấu ấn nổi bật qua hơn 10 năm chúng ta thực hiện Chiến lược đặc biệt quan trọng này, phóng viên VOV có loạt bài “Bảo vệ Tổ quốc, giữ nước từ sớm, từ xa”. VOV.VN giới thiệu bài viết thứ nhất “Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy là tư tưởng mang tính chiến lược”.
Bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn đất nước đã trở thành ý thức thường trực
Theo thống kê của các nhà sử học, từ khi dựng nước đến nay, dân tộc Việt Nam đã trải qua 1300 năm chiến tranh, đương đầu với các thế lực ngoại bang xâm lược đến từ khắp các châu lục. Tính riêng 100 năm trong thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam đã mất tới ¾ thế kỷ để tiến hành các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Nếu tính chi ly, cặn kẽ, chúng ta mới chính thức có hòa bình được hơn 30 năm.
Có lẽ cũng vì vậy, mà bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn đất nước đã trở thành ý thức thường trực, trở thành huyết thống chảy trong mỗi người dân nước Việt. Không phải đến bây giờ, khi Nghị quyết số 28 được ban hành, chúng ta mới xác định cần phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, cần phải lo giữ nước từ khi nước chưa nguy, mà điều này đã được cha ông ta thực hiện trong suốt quá trình đấu tranh giữ nước. Do vậy, tư tưởng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, tư tưởng về đề phòng, chuẩn bị đất nước từ trước lúc nước chưa nguy được xác định trong Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI, chính là sự vận dụng sáng tạo kinh nghiệm và bài học giữ nước của cha ông ta trong lịch sử.
Trung tướng Nguyễn Đức Hải
Trung tướng Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng phân tích “Tướng Trần Quang Khải khi chỉ đạo chuẩn bị kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, ông có nói “Thái Bình nên gắng sức, non nước vững nghìn thu”. Vua Lê Thái Tổ cuối đời cũng có lời căn dặn con cháu, lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy. Rõ ràng lịch sử dân tộc cho thấy, lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy là tư tưởng chiến lược mang tính chủ động rất cao, đã trở thành một quy luật trong sự nghiệp giữ nước của dân tộc ta để tạo nên sức mạnh cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc”.
Không để nhen nhóm lực lượng đối lập
Đất nước mới chỉ hòa bình mấy chục năm, những tưởng chúng ta sẽ được thừa hưởng trọn vẹn những thành quả, sau bao hy sinh, mất mát do chiến tranh tàn phá. Nhưng không, chúng ta lại tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới với bao thách thức, gian nguy chưa thể định hình. Đất nước hòa bình, nhưng thế giới còn bất ổn, cuộc xung đột, đối đầu về ý thức hệ vẫn còn tiềm ẩn trong suy nghĩ của những đội quân thất trận. Họ vẫn nuôi dưỡng ý đồ đánh thắng Việt Nam bằng những chiêu trò, thủ đoạn khác, mới hơn, tinh vi, nham hiểm và khó lường hơn. Đó chính là chiến lược “diễn biến hòa bình”.
Vậy chúng ta có cần kế sách, chiến lược để bảo vệ đất nước hay không? Chúng ta có cần chuẩn bị, đề phòng chiến tranh hay không? Đáp án chỉ có thể là một. Đó là có. Đây cũng là khẳng định của Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng: “Không thể để chờ đến khi Tổ quốc lâm nguy mới bảo vệ Tổ quốc. Lúc đó không kịp. Bởi vì cuộc chiến tranh là vô cùng khốc liệt và tình huống rất phức tạp. Chúng ta phải chuẩn bị đất nước từ thời bình, thì chúng ta mới bảo vệ Tổ quốc được. Cho nên phải chuẩn bị, không để cho các thế lực thù địch nhen nhóm, gây nên lực lượng đối lập. Bởi vì, khi có lực lượng đối lập trong nước rồi, thì lúc đấy chúng ta trở tay không kịp. Và kẻ thù lợi dụng lực lượng đối lập bên trong, lực lượng từ ngoài vào, thì chúng ta không thể bảo vệ vững chắc Tổ quốc được.
Luôn đề cao cảnh giác, có kế sách ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh
Trên thực tế cho thấy, sau khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới đã diễn ra hàng trăm cuộc chiến tranh, xung đột, biểu tình, bạo loạn. Điển hình như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra hơn 1 năm nay, vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Khi xảy ra chiến tranh, nhiều quốc gia đang yên bình, giàu có, thịnh vượng bỗng chốc trở nên suy tàn, cạn kiệt. Đất nước rơi vào cảnh chia ly, phân tán. Tính mạng người dân bị đe dọa. Những quyền căn bản nhất của con người cũng không được bảo đảm. Người dân ở một số quốc gia đã buộc phải rời bỏ đất nước của mình, để nương nhờ ở một quốc gia khác. Liên Hợp Quốc cũng đã phải đưa ra cảnh báo, những dòng người di cư trên toàn thế giới sẽ dẫn đến những thảm họa về nhân quyền. Trong bối cảnh như thế, chúng ta không thể không đề phòng, không thể không có sự chuẩn bị.
Chính vì vậy mà tư tưởng xuyên suốt của Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đó là phải luôn luôn đề cao cảnh giác, có kế sách ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh xung đột, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng nhận định: Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Đặc biệt là những cuộc cạnh tranh này nó liên quan đến địa bàn của chúng ta, của đất nước chúng ta. Cho nên, cần làm tốt công tác nghiên cứu dự báo chiến lược, phát hiện sớm và đề xuất đối sách, biện pháp giải quyết tối ưu các nhân tố bất lợi bên ngoài, nhằm giữ vững môi trường hòa bình.
Còn đây là quan điểm của Thượng tá Nguyễn Văn Trường, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng): “Chúng ta muốn có hòa bình, thì chúng ta phải có sức mạnh để bảo vệ nền hòa bình. Vậy thì chúng ta phải chuẩn bị tiềm lực của chúng ta trên tất cả mọi lĩnh vực, sẵn sàng xử trí các tình huống xảy ra”.
Hiện nay, để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, các quốc gia trên thế giới liên tục đầu tư, mua sắm nhiều loại vũ khí thông minh, hiện đại. Cũng vì thế, hình thái của cuộc chiến tranh đã có rất nhiều thay đổi so với chiến tranh truyền thống. Chiến tranh công nghệ cao đã trở nên phổ biến. Cùng với đó là những thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên, chưa từng có trong tiền lệ. Đại dịch Covid-19 là một ví dụ.
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phân tích, thực tế trên tất yếu sẽ có những tác động đến chủ quyền, lãnh thổ và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Do đó chúng ta cần thấy trước nguy cơ, chuẩn bị trước để đối phó với những nguy cơ, ngăn ngừa, chặn đứng chiến tranh từ sớm, từ trước khi nguy cơ chiến tranh nhen nhóm hình thành.
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hiền
“Thời đánh Pháp, gậy tầm vông có thể đánh được. Thời đánh Mỹ đã bắt đầu khác rồi. Đến thời nay, để bảo vệ Tổ quốc ở vùng biển, vùng trời thì không thể mang những thiết bị thông thường ra để đánh nhau ở trên trời, trên biển được. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay còn cả không gian mạng, bảo vệ Tổ quốc phải từ sớm, từ xa. Có nghĩa là từ khi mà nó chưa xuất hiện, hoặc nó có khả năng xuất hiện, thì mình có thể là nắm chắc được và dập tắt nó’- GS Vũ Văn Hiền nhận định.
Lịch sử cho chúng ta bài học đắt giá. Triều đình nhà Nguyễn không chăm lo, phòng bị đất nước nên khi bị thực dân Pháp tấn công xâm lược đã nhanh chóng thất thủ. Liên Xô từ một quốc gia hùng mạnh, do lơ là chủ quan, không lường hết được những chiêu trò, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đã dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa và tự sụp đổ sau hơn 70 năm tồn tại. Ngược lại, khi chúng ta có tinh thần phòng bị, chuẩn bị trước cho chiến tranh, chúng ta có thể đánh thắng mọi đội quân xâm lược thiện chiến, hùng mạnh. Nhà Trần 3 lần đánh thắng quân xâm lượng nguyên Mông. Lý Thường Kiệt dựng hào, đắp lũy đẩy lui 20 vạn quân Tống. Hoàng đề Quang Trung, tập hợp lực lượng, sắm sửa vũ khí, hành quân thần tốc đánh bại 29 vạn quân Thanh.
Như vậy, thấy trước, chuẩn bị trước đó là tinh thần, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong lịch sử giữ nước của cha ông ta. Đến thời đại Hồ Chí Minh, tinh thần đó được hệ thống thành các chủ trương, quan điểm mang định hướng chiến lược. Vậy, để có thể bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Chúng ta cần có những giải pháp chiến lược như thế nào? Nội dung này, VOV.VN sẽ phân tích, luận giải rõ hơn trong các bài còn lại của loạt bài “ Bảo vệ Tổ quốc, giữ nước từ sớm, từ xa”./.