Tờ “Thời báo Tài chính người Australia” (AFR) cho biết, Bộ Quốc phòng nước này đã ban hành quy định cấm nhân viên cơ quan đầu não quốc phòng cũng như mọi quân nhân tại ngũ không được sử dụng ứng dụng mạng xã hội và nhắn tin WeChat của Trung Quốc, dù vẫn cho phép sử dụng hạn chế mạng xã hội Facebook.
Quy định này được đưa ra trong bối giới chức của Australia ngày càng lo ngại về hoạt động tình báo của Trung Quốc tại đất nước của những chú Kangaroo.
Một người phát ngôn yêu cầu không nêu tên của Bộ Quốc phòng Autralia cho biết, hiện việc đánh giá an ninh với ứng dụng mạng xã hội WeChat tại Australia đang được tiến hành, song từ chối nói cụ thể hơn về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia bảo mật mạng có quan hệ với chính phủ, sở dĩ Australia có những lo ngại liên quan tới WeChat không chỉ vì ứng dụng này có quan hệ gần gũi với chính quyền Trung Quốc, mà còn vì dữ liệu người dùng WeChat còn tiềm ẩn nguy cơ dễ bị khai thác, lợi dụng.
Lo ngại việc sử dụng ứng dụng WeChat trở thành “mồi ngon” cho gián điệp Trung Quốc xuất phát từ chính xác nhận trước đó của WeChat rằng mọi dữ liệu người dùng của ứng dụng này đều được chuyển sang cho Chính phủ Trung Quốc.
Theo đó, những thông tin cá nhân người dùng như tên tuổi, địa chỉ liên hệ, địa chỉ email, hoặc địa điểm… đều có thể bị tiết lộ cho các cơ quan chức năng tại Trung Quốc.
Dù có thể xâm phạm các quyền riêng tư, song người dùng WeChat tại Trung Quốc hầu như không có lựa chọn nào khác bởi chính phủ nước này “cấm tiệt” các mạng xã hội phổ biến trên thế giới như Facebook, Instagram, Twitter… Thế nên, WeChat mặc nhiên trở thành dịch vụ tin nhắn phổ biến nhất ở Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới này với khoảng 902 triệu người dùng.
Các cơ quan chức năng thuộc Chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát được người dùng cũng như các nội dung mà người dùng trao đổi qua ứng dụng WeChat, kể cả ứng dụng này được sử dụng ở nước ngoài hay người nước ngoài sử dụng. Trong khi đó, Trung Quốc đang là quốc gia “hoạt động gián điệp tích cực nhất” tại Australia - điều được chính cựu Bộ trưởng Quốc phòng Australia, ông Dennis Richardson thừa nhận. Cơ quan tình báo của Australia cũng cảm thấy “quá tải” trước các hoạt động do thám nước ngoài mà ráo riết nhất là Trung Quốc.
Nhiều chương trình quốc phòng tuyệt mật của Australia từng bị gián điệp Trung Quốc tấn công, bao gồm cả máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại nhất F-35 mua của đồng minh thân thiết Mỹ, máy bay tác chiến điện tử chống ngầm P-8 Poseidon và các bộ dẫn đường đạn đạo tinh vi... Các gián điệp mạng Trung Quốc cũng đã xâm nhập vào các cơ quan của chính quyền liên bang với mục đích thu thập dữ liệu và tìm hiểu về hệ thống điều hành của Australia.
Gián điệp Trung Quốc đang ráo riết hoạt động tại Australia dưới nhiều phương thức tinh vi, như cài cắm gián điệp, mua chuộc nội bộ để thu thập thông tin… và gần đây là gián điệp mạng. Bởi thế, lệnh cấm toàn thể nhân viên, quân quân Bộ Quốc phòng Australia dùng ứng dụng WeChat của Trung Quốc chính là nhằm phòng ngừa, bịt trước lỗ hổng an ninh mạng có thể bị gián điệp Trung Quốc khai thác, lợi dụng.
Điều này cũng tương tự như biện pháp mà nhiều nước đã áp dụng như cấm dùng điện thoại thông minh (smartphone) do Trung Quốc sản xuất do lo ngại bị cài các phần mềm gián điệp.