Điều gì sẽ xảy ra nếu thông tin cá nhân của bạn, từ họ tên, ngày sinh, địa chỉ, sở thích..., bị kẻ lạ thu thập dễ dàng chỉ nhờ vào một bức ảnh chụp bạn vừa đăng tải lên Facebook?
Công nghệ tưởng chừng chỉ xuất hiện trong các bộ phim Hollywood đã xuất hiện ngoài đời thực khi công ty khởi nghiệp Clearview AI (trụ sở tại New York, Mỹ) đã phát hiện một ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo, vốn có khả năng tra cứu ra tên, địa chỉ và các thông tin khác của cá nhân chỉ dựa vào một bức ảnh duy nhất.
Bộ công cụ này hoạt động hiệu quả đến mức, nó hiện đang được hơn 600 sở cảnh sát ở các bang như Florida, Georgia, New Jersey bắt đầu sử dụng trong năm qua. Trong khi đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đang lên kế hoạch thử nghiệm ứng dụng này trong thời gian tới.
Lật tung Internet để tìm thông tin cá nhân
Theo New York Times, Clearview AI hoạt động bằng cách ‘đào sâu’ vào các dữ liệu được chia sẻ trên Internet để có được thông tin liên quan đến một đối tượng cần tìm kiếm.
Ban đầu, ứng dụng này sẽ đối chiếu hình ảnh chụp của đối tượng cần tìm kiếm danh tính với kho dữ liệu khổng lồ gồm 3 tỷ bức ảnh, vốn được Clearview AI thu thập từ một loạt các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter..v.v. Tiếp đó, thuật toán của Clearview AI sẽ tiến hành lọc các bức ảnh có đặc điểm trùng khớp với nhân dạng của đối tượng cần tìm, song song với việc tiếp tục khai thác thêm thông tin liên quan đến đối tượng trên các mạng xã hội và trang web có liên quan.
Cuối cùng, Clearview AI sẽ tổng hợp tất cả các thông tin tìm kiếm được, phác họa nên ‘chân dung’ chi tiết nhất về đối tượng cần tìm, bao gồm tên tuổi, hình ảnh, địa chỉ nơi ở, nghề nghiệp, bạn bè người thân cùng một loạt thông tin cá nhân khác được "khai quật".
Đáng chú ý, cơ sở dữ liệu về hình ảnh của Clearview AI cũng được các chuyên gia đánh giá là đầy đủ và chi tiết nhất thế giới hiện nay. Thậm chí, nó còn vượt trội về mặt quy mô so với cơ sở dữ liệu của các cơ quan chức năng thuộc chính phủ Mỹ. Đơn cử, cơ sở dữ liệu của FBI, vốn được coi là một trong số những cơ sở dữ liệu lớn nhất hiện nay khi lưu trữ 641 triệu hình ảnh của công dân Hoa Kỳ, vẫn thua kém đáng kể về mặt số lượng hình ảnh thu thập được so với ClearView AI.
Hiện tại, ứng dụng Clearview AI chỉ được sử dụng bởi các cơ quan thực thi pháp luật tại Mỹ nhằm xác định danh tính thủ phạm và nạn nhân, qia đó hỗ trợ phá án từ trộm cắp, tấn công tình dục trẻ em đến giết người. Nhờ Clearview AI, cảnh sát bang Indiana chỉ mất 20 phút để xử lý một một vụ nổ súng. Nghi phạm không có bằng lái xe nên không có thông tin trong cơ sở dữ liệu của chính phủ, song lại tình cờ xuất hiện trong một video đăng tải trên mạng xã hội.
Theo The New York Times, ứng dụng này sẽ sớm được thương mại hóa rộng rãi trong tương lai, khi người dùng có thể bỏ ra một khoản phí để khai thác cơ sở dữ liệu của Clearview.
Mặc dù vậy, đã có rất nhiều lo ngại về việc công cụ của Clearview AI có thể bị lợi dụng để theo dõi người khác hoặc dùng để giám sát hàng loạt - vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của người khác. Đáng nói, quy định về công nghệ nhận dạng khuôn mặt hiện đang chưa đồng nhất ở Mỹ. Một số thành phố như San Francisco đã cấm sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt vì lo ngại quyền riêng tư bị xâm phạm. Tuy nhiên, đây chỉ là những luật được áp tụng tại từng bang hoặc thành phố nhất định, trong khi vẫn chưa có luật liên bang về vấn đề bảo mật quyền riêng tư được đưa ra.
Bên cạnh đó, những người ủng hộ quyền riêng tư cũng đưa ra cảnh báo trường hợp nhận diện sai người dẫn đến ‘án oan’, khi các thuật toán nhận dạng khuôn mặt hoạt động kém chính xác.
Tham khảo New York Times