Cụ thể, ông Trần Ngọc Bê, anh rể của ông Ngô Chí Dũng sở hữu tới hơn 19,1 triệu cổ phiếu VPB, tương đương với 0,756% vốn cổ phần ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 6.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Diera Corp, một doanh nghiệp mới lộ diện đang nắm giữ tới hơn 113,6 triệu cp VPB, tương đương với 4,492% vốn cổ phần ngân hàng. Công ty này do bà Ngô Minh Phương - con ruột ông Ngô Chí Dũng sở hữu trên 10% vốn điều lệ.
Hiện ông Ngô Chí Dũng nắm giữ hơn 121,6 triệu cp ngân hàng, tương đương tỷ lệ 4,81%. Bà Vũ Thị Quyên mẹ ông Dũng sở hữu hơn 120,7 triệu đơn vị, bà Hoàng Anh Minh vợ ông Dũng có hơn 121 triệu cp, lần lượt tương đương tỷ lệ 4,77% và 4,78%.
Ông Ngô Chí Dũng có 3 người con là Ngô Minh Phương, Ngô Phương Anh, Ngô Chí Trung Johnny và tại thời điểm cuối tháng 6 chỉ mỗi bà Phương có sở hữu cổ phiếu VPB (4 triệu cp).
Ngoài ra, ông Phạm Công Việt và bà Đặng Thị Lâm, bố mẹ vợ ông Dũng sở hữu lần lượt hơn 33,3 nghìn cổ phiếu VPB và hơn 145,6 nghìn cổ phiếu VPB.
Như vậy, ông Ngô Chí Dũng và các công ty, cá nhân liên quan đang nắm giữ tới hơn 500 triệu cp VPB, tương đương khoảng 19,8% vốn cổ phần ngân hàng.
Đóng cửa phiên giao dịch 29/7, giá cổ phiếu VPB đứng ở mức 57.700 đồng/cp. Tương tự các cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu VPB giảm mạnh khoảng 20% trong tháng 7.
Với vùng giá hiện nay, khối tài sản hơn 500 triệu cp mà Chủ tịch VPBank và người liên quan sở hữu có giá trị hơn 28.800 tỷ đồng. Trước đó, khi cổ phiếu VPB đạt đỉnh 72.800 đồng/cp hôm 2/7, khối tài sản này có giá trị lên tới hơn 36.300 tỷ đồng.
Riêng cổ phiếu VPB mà ông Dũng cùng mẹ, vợ và con cái sở hữu đang có giá trị hơn 21.000 tỷ đồng.
Gia đình 2 Phó Chủ tịch của VPBank cũng đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu VPB.
Ông Bùi Hải Quân (Phó Chủ tịch HĐQT) và vợ là bà Kim Ngọc Cẩm Ly đều giữ nguyên sở hữu hơn 57 triệu cp và hơn 106 triệu cp, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 6,48%.
Ông Lô bằng Giang (Phó Chủ tịch HĐQT) và mẹ ruột là bà Lý Thị Thu Hà và vợ Nguyễn Thu Thủy cũng tiếp tục nắm giữ tổng cộng hơn 182 triệu cp, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 3,1%.
Về cổ phiếu VPB, dù giá giảm mạnh trong tháng 7 nhưng so với đầu năm cũng đã tăng gần 80%. Một trong những thông tin tích cực hỗ trợ cho giá cp VPB nửa đầu năm là thương vụ bán 49% vốn FE Credit (công ty con của VPBank) cho nhà đầu tư Nhật Bản SMBC.
Thương vụ này đem về cho VPBank khoảng 1,4 tỷ USD, đồng thời mở ra cho FE Credit một tương lai mới khi có sự tham gia của SMBC - Tập đoàn tài chính hàng đầu của Nhật Bản.
Mới đây, VPBank đã lấy ý kiến cổ đông và chính thức thông qua kế hoạch phát hành tối đa hơn 1,97 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỷ lệ 80%. Trong đó, 62,15% là trả cổ tức bằng cổ phiếu và 17,85% là phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Hiện vốn điều lệ của ngân hàng ở mức gần 25.300 tỷ đồng. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng lên hơn 45.057 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện dự kiến vào quý 3 và/hoặc quý 4 năm 2021.
Nhà băng này cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021, ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngân hàng riêng lẻ đóng góp 88% vào lợi nhuận hợp nhất.
Với kết quả này, sau nhiều quý liên tục cải thiện, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của VPBank lần đầu tiên đạt tới 3,3%, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25,7%, là những chỉ số hiệu quả hàng đầu hệ thống các NHTM Việt Nam hiện nay.