Các nhà khoa học đã tìm thấy cơ thể nguyên vẹn của một sinh vật lạ lùng trong một mảnh hổ phách Miến Điện (hổ phách Burmite) nằm giữa các mỏm đá kỷ Phấn Trắng ở huyện Myitkyina, tỉnh Kachin, miền Bắc Myanmar.
Nó giống phiên bản quái vật của những con thằn lằn hiện đại, được các nhà khoa học mô tả với màu sắc nổi bật trong hình ảnh đồ họa.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Juan Daza từ Đại học bang Sam Houston đã phân tích mẫu vật và xác định nó đúng là một con thằn lằn, thuộc về họ thằn lằn bóng Scincidae.
Họ này được đại diện bởi hơn 1.745 loài thằn lằn còn sống đã được mô tả.
Theo Sci-News, với niên đại lên tới 99 triệu tuổi, Electroscincus zedi là con thằn lằn cổ xưa nhất từng được biết đến, một con thằn lằn đúng nghĩa như chúng ta thấy ngày nay, chứ không phải "thằn lằn" kiểu những bò sát khổng lồ thời khủng long.
Nó khác với tất cả các loài thằn lằn có vảy khác được biết đến từ đại Trung Sinh (gồm 3 kỷ Tam Điệp, Jura, Phấn Trắng) ở chỗ có lớp xương vảy kép xếp so le xung quanh cơ thể, một đặc điểm giúp xác định nó thuộc họ Scincidae.
Sinh vật được bảo tồn trong hổ phách có chiều dài từ 3cm từ mõm đến huyệt, tức chưa tính đuôi.
Mặc dù chưa hoàn chỉnh, nhưng nó vẫn giữ lại cả các thành phần xương sau sọ và cấu trúc da, giúp các nhà cổ sinh vật học hiểu thêm về cách họ thằn lằn này đã tiến hóa.
Họ Scincidae đã thể hiện sự tiến hóa đa dạng qua các thời kỳ, cũng là họ có phạm vi lớn nhất về chiều dài cơ thể, bao gồm một số dạng nhỏ nhất có chiều dài cơ thể chỉ vài cm cho đến loài Tiliqua frangens đã tuyệt chủng, có thể dài tới nửa mét hoặc hơn.
Phát hiện vừa công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports này một lần nữa làm nổi danh hổ phách Miến Điện.
Loại đá quý này không chỉ tuyệt đẹp mà đã nhiều lần đem về cho thế giới những sinh vật đã tuyệt chủng hàng triệu năm trước, đặc biệt là các sinh vật bé nhỏ khó lòng được bảo tồn trong các dạng hóa thạch thông thường.