Trong báo cáo tài chính quý 3 mới công bố, Vietcombank cho biết ngân hàng đang nắm giữ 37.708 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm 30/9/2023. Trước đó, Vietcombank không nắm giữ loại giấy tờ có giá này vào cuối quý 2.
Như chúng tôi đã thông tin trước đó, từ ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng. Theo giới phân tích, động thái phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.
Liên tiếp 7 phiên giao dịch cuối tháng 9 (21/9 – 29/9), Nhà điều hành đã chào thầu thành công tổng cộng gần 93.800 tỷ đồng tín phiếu, qua đó hút khỏi hệ thống ngân hàng lương VND tương ứng. Các đợt tín phiếu này đều có kỳ hạn 28 ngày và được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất.
Với việc nắm giữ hơn 37.700 tỷ đồng tín phiếu, Vietcombank mua vào hơn 40% lượng tín phiếu do NHNN phát hành trong tháng 9.
Lượng tín phiếu NHNN do Vietcombank nắm giữ. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3)
Vietcombank là ngân hàng thường xuyên tham gia các giao dịch trên thị trường mở với NHNN. Trong quý 4/2022, nhà băng này cũng đã mua vào lượng lớn tín phiếu do NHNN phát hành.
Vietcombank đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết thanh khoản hệ thống của Nhà điều hành khi là một trong những “chủ nợ” lớn nhất trên thị trường liên ngân hàng, cho các nhà băng khác vay hàng trăm nghìn tỷ đồng để bù đắp thanh khoản ngắn hạn.
Được biết, Vietcombank được NHNN chỉ định là ngân hàng duy nhất thực hiện thanh toán bù trừ cho các giao dịch Visa nội địa. Hệ thống thanh toán đa tiền tệ (VCB-Money) đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thanh toán chung. Lợi thế vững chắc này cho phép ngân hàng này nhận được nguồn vốn với chi phí thấp từ khách hàng và các định chế tài chính bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau.
Bên cạnh đó, nhờ danh tiếng và quy mô đứng đầu hệ thống cùng với tính chất của một ngân hàng do Nhà nước nắm quyền chi phối đã mang lại cho Vietcombank những lợi thế vượt trội so với các ngân hàng tư nhân, đặc biệt là hoạt động huy động tiền gửi.
Sự dồi dào về thanh khoản là cơ sở để Vietcombank duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp nhất hệ thống.
Ngày 20/10 vừa qua, ngân hàng này tiếp tục giảm 0,2 điểm % lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm từ 3%/năm xuống còn 2,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm từ 3,3% xuống 3,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 giảm cũng giảm 0,2% xuống còn 4,1%/năm.
Đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, ngân hàng áp dụng chung một mức 5,1%/năm, giảm 0,2 điểm % so với trước. Đây cũng là lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank hiện nay.
Với đợt điều chỉnh trên, Vietcombank đã có tới 3 lần giảm lãi suất trong hơn 1 tháng. Cụ thể, nhà băng này đã giảm 0,3 điểm % lãi suất tiền gửi từ ngày 14/9, sau đó tiếp tục giảm thêm 0,2 điểm % từ ngày 3/10. Tổng mức giảm lãi suất huy động trong 1 tháng qua lên tới 0,7 điểm %.
Mức lãi suất 5,1% hiện nay của Vietcombank đã là mức thấp nhất trong lịch sử của nhà băng này, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19. Cụ thể, Vietcombank đã từng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,5%/năm suốt giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022.
So với mức lãi suất cao nhất được thiết lập vào cuối năm ngoái (tháng 12/2022) là 7,4%/năm, Vietcombank đã giảm tới 2,3%/năm sau chưa đầy 1 năm.
Chi phí đầu vào thấp là nền tảng quan trọng để Vietcombank chủ động trong các chiến lược kinh doanh và thu hút các khách hàng tốt, đảm bảo chất lượng tài sản.
Trong bối cảnh tình hình kinh doanh tại hầu hết ngân hàng đi xuống, lợi nhuận trước thuế quý 3 của Vietcombank vẫn tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 9.051 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 29.550 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí “quán quân” lợi nhuận của ngành.
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản Vietcombank ở mức hơn 1,73 triệu tỷ đồng, giảm 4,5% so với đầu năm. Nguyên nhân tổng tài sản giảm chủ yếu do tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm hơn 63 nghìn tỷ (tương đương giảm 68%) xuống còn hơn 29.300 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng hơn 44.700 tỷ trong 9 tháng đầu năm, tương đương tăng 3,9%. Nợ xấu cuối quý 3 là 14.393 tỷ đồng, tăng 84% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 0,68% cuối năm 2022 lên 1,21% (tháng 9/2023). Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank vẫn rất cao, đạt 270%, là mức cao nhất toàn ngành.
Huy động tiền gửi khách hàng của Vietcombank tăng 8,5% trong 9 tháng và đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 31,3%.