Hình ảnh về lục địa bị mất - Ảnh: Earth-Sccience Review.
Theo Science Alert, lục địa bí ẩn nằm giữa châu Âu, châu Phi và châu Á, được đặt tên là Balkanatolia.
Trước đây có giả thuyết về một cây cầu đất nối liền châu Á và Đông Nam Âu này khi mực nước biển giảm xuống khoảng 34 triệu năm trước. Lúc đó thế giới chứng kiến một sự kiện tuyệt chủng của động vật có vú bản địa Tây Âu, nhưng sau đó các loài động vật có vú nguồn gốc châu Á nhanh chóng thế chỗ.
Nhưng có các bằng chứng mới cho thấy rất có thể các động vật châu Á đã hiện diện ở châu Âu trước đó tận 5-10 triệu năm.
Các nhà khoa học bắt đầu nghi ngờ về sự hiện diện của một lục địa bí ẩn. Để điều tra, nhà cổ sinh vật lọc Alexis Licht và các cộng sự từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp đã kiểm tra bằng chứng hóa thạch trong khu vực gồm bán đảo Balkan ngày nay và Anatolia, phần nhô ra phía Tây của châu Á.
Họ xác định được 2 điểm này chính là điểm đệm cho cuộc di cư bí ẩn, cổ xưa hơn nói trên.
Nghiên cứu tiếp tục đảo ngược dòng thời gian, phát hiện ra quần đảo Balkanatolia đã biến mất 50 triệu năm trước. Đó là một quần đảo tách biệt với các lục địa, tập hợp nhiều động vật kỳ lạ khác biệt với cả châu Âu và Đông Á.
Sau đó, mực nước biển giảm, các tảng băng Nam Cực ngày càng tăng và sự dịch chuyển kiến tạo đã cùng nhau biến đổi Balkanatolia thành một lục địa nối liền 3 lục địa Âu, Á, Phi. Đó là thời điểm động vật có vú châu Á xâm chiếm Balkanatolia để sau này di cư đến Đông Nam Âu.
Nghiên cứu vẫn chưa chỉ ra lục địa bị mất này đã thực sự bị chìm sâu vào đại đương vào thời điểm nào. Các tác giả cũng lưu ý sự tồn tại của lục địa Balkanatolia chỉ mới dựa vào hồ sơ hóa sạch, vẫn cần các bằng chứng địa chất để có thể khẳng định về nó.
Nghiên cứu vừa công bố trên Earth-Sccience Review.