L’amant Café (thương hiệu cà phê hữu cơ của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp) là một trong những doanh nghiệp đại diện ngành hàng cà phê Việt Nam tham dự Hội chợ Trung Quốc – ASEAN lần thứ 20 (CAEXPO 2023), được tổ chức tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc, từ ngày 16-19/9/2023.
Trong sự kiện này, L’amant Café cho biết đã có hàng loạt biên bản ghi nhớ cùng các nhà phân phối Trung Quốc. Với bước đi này, L’amant Café chính thức “đặt chân” vào thị trường tỷ dân, nơi vốn đang được một ông lớn cà phê của Việt Nam là Trung Nguyên Legend làm tốt.
Tuy mới đặt những bước chân đầu tiên tại thị trường tỷ dân nhưng L’amant Café đang cho thấy có những lợi thế để "so tài" ở Trung Quốc, tương tự như những doanh nghiệp Việt đi trước như Trung Nguyên Legend hay King Coffee.
Lợi thế thứ nhất, doanh nghiệp đi theo con đường sản xuất cà phê hữu cơ bài bản ngay từ ban đầu.
Hiện các sản phẩm của Vĩnh Hiệp đã đạt được toàn bộ các chứng chỉ Quốc tế cho 25.000 ha cà phê của công ty. Từ các chứng chỉ của Mỹ, Nhật, châu Âu, Hàn Quốc, kể cả chứng chỉ của các tổ chức bền vững, trong đó có Hà Lan về FOSI, DELFORES.
Đây cũng là thương hiệu đầu tiên tại Việt Nam có nông trại cà phê đạt chuẩn hữu cơ USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. L'amant Café cho biết họ đang sử dụng nguồn nguyên liệu đáp ứng các bộ tiêu chuẩn quốc tế như 4C, UTZ, BRC, Japan Organic và EU Organic.
Nguyên liệu của L’amant Café được trồng tại núi Hàm Rồng – Gia Lai, ở độ cao trung bình 720-750m so với mặt nước biển, có khí hậu quanh năm ôn hòa, thổ nhưỡng thích hợp và lý tưởng cho cây cà phê.
Gian hàng được thiết kế đặc biệt của L’amant Café tại hội chợ triển lãm quốc tế CAEXPO 2023
Lợi thế thứ hai, người đứng đầu doanh nghiệp là ông Thái Như Hiệp, một vị doanh nhân am hiểu và có tâm huyết với ngành cà phê.
Với tình yêu cà phê, ông Hiệp đã tạo ra L'amant Café cùng giấc mơ "Mang cà phê hữu cơ Việt ra thế giới" với khởi đầu chỉ có 6 công nhân trong một nhà kho diện tích 500m2 cùng số vốn 500 triệu đồng.
Thời gian đầu, doanh nghiệp của ông Hiệp chủ yếu tập trung chế biến và cung cấp các sản phẩm nông sản như đậu phộng, mè đen, vàng, đậu trắng, ớt khô, gừng khô, tiêu,… cho các công ty xuất khẩu đi Nga và Algeria.
Tới năm 1999, Vĩnh Hiệp đặt văn phòng chính thức tại TP Pleiku, tỉnh Giai Lai. Khi này công ty phát triển hơn với hệ thống nhà máy chế biến cùng nhà kho có kích thước gấp đôi, chuyên mua, chế biến và cung cấp hạt cà phê, tiêu, điều cho các công ty xuất khẩu.
Năm 2014, ấp ủ ý định về việc mang cà phê sạch phục vụ cộng đồng, ông chủ Vĩnh Hiệp nghiên cứu, xây dựng và hình thành quy trình trồng cà phê sạch với 45 ha cà phê hữu cơ tại huyện Chư H’drong, tỉnh Gia Lai.
"Cha đẻ" của L'amant Café từng tâm sự với báo giới: "Vĩnh Hiệp luôn luôn đặt những tiêu chí như sự tử tế, chất lượng và uy tín lên hàng đầu. Để tăng thêm uy tín, sự lớn mạnh của doanh nghiệp, Công ty đã thay đổi sản xuất, đầu tư thay đổi công nghệ, đầu tư cho nông nghiệp, thay đổi thói quen sản xuất truyền thống của người nông dân để cho ra sản phẩm cà phê chất lượng. Vĩnh Hiệp cũng là doanh nghiệp tiên phong trong việc thay đổi xu hướng đi từ vô cơ chuyển sang hữu cơ".
Cơ cấu góp vốn công ty Vĩnh Hiệp chỉ bao gồm 2 cá nhân là ông Thái Như Hiệp và bà Trần Thị Lan Anh. Trong đó, ông Hiệp chiếm tỷ lệ 95% vốn điều lệ, đồng thời giữ chức vụ Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật.
Nắm quyền chi phối vốn giúp ông Thái Như Hiệp có toàn quyền đưa ra các quyết sách để giúp doanh nghiệp phát triển đúng chiến lược trong dài hạn.
Ông Thái Như Hiệp (Người mặc vest xanh) tại CAEXPO 2023
Lợi thế thứ ba, doanh nghiệp đã chinh phục được thị trường Châu Âu với nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020, ngày 16/9/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh Gia Lai và Công ty Vĩnh Hiệp đã tổ chức lễ công bố sản phẩm nông nghiệp cà phê xuất khẩu vào châu Âu theo Hiệp định EVFTA.
Theo đó, 14 container cùng 296 tấn cà phê của Vĩnh Hiệp xuất cảng tới Hamburg, Antwerp của Bỉ và Đức.
Để có thể tiến vào thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA, sản phẩm cà phê phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tất cả các quy định hết sức khắt khe của thị trường khó tính này.
Các sản phẩm bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao, có chỉ dẫn địa lý, thực thi các quy định của Hiệp định EVFTA được đã kiểm soát từ nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu.
Theo báo Dân Việt, mỗi năm, Vĩnh Hiệp của doanh nhân Thái Như Hiệp xuất khẩu khoảng 50-70 tấn cà phê các loại cho thị trường thế giới. Trong đó, xuất sang thị trường châu Âu chiếm 60%. Doanh thu kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD.
Được biết, riêng niên vụ 2019 - 2020, doanh nghiệp đã xuất sang thị trường châu Âu khoảng 34.000 tấn cà phê, gồm các sản phẩm như cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê tinh và cà phê sạch.
Cuối cùng, doanh nghiệp có nguồn lực dồi dào sau nhiều năm hoạt động. Theo thông tin đăng ký kinh doanh mới nhất, hiện nay, vốn điều lệ của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã lên tới 500 tỷ đồng.
Theo giới thiệu trên website, hiện Vĩnh Hiệp có 01 nhà máy ở KCN Tân Uyên, Bình Dương; 01 nhà máy tại Khu Nhơn Trạch 3, Đồng Nai; 01 nhà máy tại KCN Trà Đa, Gia Lai.
Ngoài ra, công ty còn sở hữu toà nhà văn phòng Vĩnh Hiệp tại Pleiku, Gia Lai.
Toà nhà Vĩnh Hiệp, Gia Lai. Ảnh: Website Vĩnh Hiệp
Theo bảng xếp hạng VN500 - TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2022, Vĩnh Hiệp đứng số 262, đứng sau Tập đoàn Trung Nguyên Legend của ông Đặng Lê Nguyên Vũ 20 bậc (xếp thứ 242).
Trước đó, năm 2021, Vĩnh Hiệp mới xếp thứ 412 trong VN500. Như vậy chỉ sau 1 năm, Vĩnh Hiệp đã tăng 150 bậc trong bảng xếp hạng trên.
Nguồn: VN500.com