Chòm sao Cassiopeia được đặt theo tên nữ hoàng Cassiopeia trong thần thoại Hy Lạp, tạo thành hình dạng "W" dễ nhận biết trên bầu trời đêm. Điểm trung tâm của W được đánh dấu bởi một ngôi sao Gamma Cassiopeiae.
Hình ảnh của IC63 được chụp bởi kính viễn vọng Không gian Hubble của NASA. (Nguồn: Sciendally.com)
Gamma Cassiopeiae là một ngôi sao màu xanh - trắng được bao quanh bởi một đĩa khí. Ngôi sao này lớn gấp 19 lần và sáng hơn 65.000 lần so với Mặt trời.
Nó cũng quay với tốc độ đáng kinh ngạc 1,6 triệu km/giờ - nhanh gấp 200 lần so với ngôi sao mẹ của chúng ta. Tốc độ quay nhanh chóng mặt của Gamma Cassiopeiae đã tạo ra bức xạ lớn khủng khiếp xung quanh ngôi sao này.
Bức xạ của Gamma Cassiopeiae mạnh đến nỗi ảnh hưởng đến IC63, đôi khi còn được gọi là Tinh vân Ma, nằm cách ngôi sao này vài năm ánh sáng.
IC63 trong hình ảnh này được chụp bởi Kính viễn vọng Không gian Hubble của NASA.
Những màu sắc trong tinh vân kỳ quái thể hiện cách tinh vân bị ảnh hưởng bởi bức xạ mạnh mẽ từ ngôi sao xa xôi.
Hydro trong IC63 đang bị bắn phá bởi bức xạ cực tím từ Gamma Cassiopeiae, làm cho các electron của IC63 thu năng lượng rồi sau đó phóng thích dưới dạng bức xạ hydro-alpha - có thể nhìn thấy bằng màu đỏ.
Bức xạ hydro-alpha này làm cho IC63 trở thành một tinh vân phát xạ, nhưng chúng ta cũng thấy ánh sáng màu xanh trong hình ảnh này. Đây là ánh sáng từ Gamma Cassiopeiae được phản xạ bởi các hạt bụi trong tinh vân, có nghĩa IC63 cũng là một tinh vân phản xạ.
Tinh vân đầy màu sắc và ma quái này đang dần tan biến dưới ảnh hưởng của bức xạ cực tím từ Gamma Cassiopeiae. Tuy nhiên, IC63 không phải vật thể duy nhất chịu ảnh hưởng của ngôi sao hùng mạnh. Nó chỉ là một phần của khu vực rộng lớn hơn nhiều xung quanh Gamma Cassiopeiae.