1. Rất nhiều người Việt luôn coi Thái Lan là đối thủ chính và cũng là hình mẫu để học tập trong bóng đá. Điều này càng rõ ràng hơn khi họ trình làng lối chơi "tik-tok", khiến cho chúng ta, vốn vẫn tự huyễn hoặc mình rằng Việt Nam là "Barca của Đông Nam Á", phải ngậm ngùi thừa nhận danh xưng này phải thuộc về người Thái mới đúng.
Tuy nhiên, khi bước ra biển lớn, "tik-tok" đã gặp vấn đề, và điều đáng nói là những vấn đề của họ rất giống các đội tuyển của Việt Nam hay mắc phải, Những đường tấn công của Thái Lan khi gặp các đối thủ ở Đông Nam Á rất biến ảo, nhưng ra sân chơi châu lục, nó đôi lúc lại trở nên quá rối rắm.
Tuyến tiền vệ, trung tâm vận hành của lối chơi thì bị "đè" bởi đối thủ mạnh hơn về nhiều mặt, trong khi đó hàng thủ bộc lộ những lỗ hổng, thậm chí mắc những sai lầm như phản lưới nhà, trước những đợt tấn công tuy có vẻ đơn giản nhưng luôn đem lại sức sát thương cao.
"Bắt nạt" thành công các đội bóng nhỏ Đông Nam Á, nhưng ra đến "biển lớn", Thái Lan lập tức ngã đau.
Không phải người Thái không nhận ra điểm yếu của mình. Ngay từ lúc còn đang ngất ngây với việc đi tới vòng loại cuối World Cup, "làm trùm" Đông Nam Á bằng huy chương vàng SEA Games hay vô địch AFF Cup, đã có những bài báo, những nhận định của chuyên gia bóng đá nước họ rằng hãy biết đá phòng ngự hơn, không phải lúc nào cũng dùng "tik-tok", nhất là khi gặp đội cửa trên.
Với loạt trận thất vọng vừa qua, những người có trách nhiệm của bóng đá Thái Lan rồi sẽ phải lựa chọn, hoặc nâng cấp "tik-tok" lên một đẳng cấp cao hơn nữa, điều cực kỳ khó với năng lực cầu thủ hiện tại, hoặc cần một lối đi đúng đắn hơn để bước ra thế giới.
2. Nhưng đó là chuyện của nước bạn, còn giờ hãy nói về chuyện ở Việt Nam. Chúng ta vẫn mặc định rằng cầu thủ Việt Nam yếu thể hình, giỏi kỹ thuật, phù hợp với bóng ngắn, phối hợp ban bật đẹp mắt.
Khi tiki-taka của Barca, cũng với những cầu thủ nhỏ con, vào hồi "cực thịnh", nhiều người lại càng mong muốn đội tuyển phải đá giống vậy, tức là giành quyền kiểm soát bóng, áp đặt thế trận và "thêu hoa dệt gấm" trên toàn mặt sân.
HLV Hữu Thắng khi lên nắm quyền, cũng không giấu giếm ý định sẽ biến các đội tuyển quốc gia dưới quyền của ông thành những đội bóng với lối chơi như thế. Các cầu thủ trẻ HAGL, đại diện cho "lối đá đẹp" mà người hâm mộ khao khát, được gọi lên tập trung một cách áp đảo đã khẳng định ý muốn của HLV.
Tiki-taka "made in Vietnam" của Hữu Thắng trông cậy nhiều vào sự thể hiện của các cầu thủ HAGL.
Nhưng hãy nhìn thất bại của Thái Lan ở vòng loại World Cup để thấy rằng, tiki-taka phải ở một đẳng cấp rất cao mới có thể sử dụng hiệu quả được nó.
Trên thực tế, ngay cả Barca hiện tại cũng chưa thể tái hiện chính họ trong quá khứ, sau khi tiền vệ Xavi, trái tim và khối óc của tiki-taka rời đội bóng. Hay kiến trúc sư trưởng của lối chơi ấy là Pep Guardiola, đã đem tiki-taka đến Bayern Munich hay Man City, nhưng vẫn chưa có một "Barca đệ nhị" ra đời.
Có thể "copy" tiki-taka, nhưng để xem cho vui mắt, để ra oai với các đội bóng yếu hơn nhiều thì được, còn dùng nó để xưng hùng xưng bá, đối chọi với các đối thủ mạnh trong khi trình độ mình còn yếu thì chẳng khác gì "tự sát".
3. Sáu cầu thủ HAGL được góp mặt trong trận đấu với Đài Bắc Trung Hoa vừa qua, có lúc họ bao trọn sơ đồ tấn công từ hai cánh đến trung lộ cho đội tuyển, nhưng vẫn loay hoay trong việc chọc thủng lưới một đội bóng yếu và thực ra cũng không mấy nhiệt huyết cho một trận giao hữu.
Đó là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng để ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam xem lại rằng chính xác thì đẳng cấp của các cầu thủ đang đứng ở đâu, để mà chọn lối chơi cho phù hợp.
"Tiki-taka" hay biến thể kiểu Việt Nam của nó không phải là con đường duy nhất để đi tới chiến thắng.
Sau những niềm vui lẻ tẻ, dấu ấn đậm nhất của Hữu Thắng là thất bại ở các giải đấu lớn.
Có một sự thật rằng chỉ một lối chơi đã đem về chức vô địch duy nhất cho bóng đá Việt tính đến thời điểm này, và cũng lối chơi đó, trong hơn chục năm trở lại đây, những HLV ngoại quốc đến làm việc ở nước ta, từ Henrique Calisto đến Toshiya Miura ở cấp độ đội tuyển hay mới đây là Alain Fiard của TP.HCM và Petrovic của FLC Thanh Hóa đều lựa chọn, đó chính là phòng ngự - phản công.
Lối chơi ấy, có thể nói mới chính là thứ phù hợp với người Việt Nam hiện giờ nhất, mà những người nước ngoài, vốn không bị ảnh hưởng bởi tinh thần "tự tôn dân tộc" và biết rõ ưu khuyết điểm của cầu thủ, đã nhìn ra.
HLV Hữu Thắng có thể có cách làm riêng của ông, nhưng trách nhiệm của một HLV trưởng đội tuyển quốc gia thì luôn rất nặng nề. Nếu thấy con đường không khả quan, thì phải sửa chữa. Nhìn Thái Lan thất bại, hẳn ông cũng phải có những thay đổi cho bản thân mình.