Liệu tai nghe không dây có thực sự an toàn?

Minh Hùng |

Công nghệ không dây đã giúp thay đổi hoàn toàn thế giới mà chúng ta đang sống. Đó là một điều không thể bàn cãi. Từ sóng vô tuyến và TV cho đến những chiếc điện thoại di động, có rất rất nhiều thứ ngày nay đều đang sử dụng các phương thức truyền tải không dây.

Và dù rằng điều đó mang lại sự tiện lợi cùng những lợi ích tuyệt vời khác, không phải là nó không có nhược điểm. Vấn đề xảy ra với việc truyền tần số vô tuyến từ hầu hết các thiết bị điện tử đó chính là khả năng lan truyền theo mọi hướng, không chỉ hướng đến mỗi đầu nhận.

Ngay cả bây giờ, khi bạn đang đọc bài viết này, các sóng Wi-Fi hiện hữu khác nhau lại "va thẳng" vào người bạn. Bên cạnh đó, cũng có hàng trăm loại tín hiệu khác yếu hơn, như sóng vô tuyến (radio) FM/AM, vệ tinh hay tất cả các loại hình phát sóng khác, đang bao quanh chúng ta từng giây từng phút.

Có một số khuyến cáo rằng chúng ta nên cách xa những nguồn phát sóng gây tiêu cực đối với cơ thể, thế nhưng, có một số thiết bị mà chúng ta không thể rời xa được. Ví dụ điển hình là smartphone, và giờ đây lại còn là những chiếc tai nghe không dây thực sự.

Lâu nay, các chiếc tai nghe không dây thực sự chỉ thuộc dạng 1 bên để chúng ta lái xe mà không cần phải cầm điện thoại hay nói chuyện điện thoại khi đang di chuyển. Tuy nhiên, khi Apple giới thiệu AirPods , họ đã thực sự tạo ra một chiếc tai nghe hoàn toàn không dây.

Chính họ cũng đã tạo ra một danh mục sản phẩm tai nghe mới và một làn sóng với những sản phẩm tương tự dần trở nên phổ biến hơn trong 3 năm sau đó.

Liệu xu hướng EMF (trường điện từ) từ những nhà cung cấp sản phẩm âm thanh nhỏ bé có đáng không? Hay chúng ta nên sử dụng phương án có dây như từ trước đến nay?

Những chiếc tai nghe không dây hoạt động như thế nào?

Liệu tai nghe không dây có thực sự an toàn? - Ảnh 1.

Cho dù bạn chọn những chiếc tai nghe đến từ bất cứ thương hiệu nào, chúng đều có cách hoạt động tương tự nhau, tức thông qua chuẩn giao tiếp không dây Bluetooth.

Điều này giúp bất cứ ai cũng có thể kết nối chúng với các thiết bị có Bluetooth của mình, đặc biệt là smartphone. Bluetooth không phải là một công nghệ quá khác biệt. Nó chỉ là một chuẩn kết nối không dây sử dụng tần số vô tuyến tầm gần để truyền dữ liệu và đang được áp dụng rộng rãi.

Liệu tai nghe không dây có thực sự an toàn? - Ảnh 2.

Ăng-ten Bluetooth của AirPods nằm dọc theo thân pin trên mỗi tai nghe

Dải tần số mà Bluetooth hoạt động rơi vào khoảng 2,4GHz đến 2,4835GHz, và nếu bạn không biết thì tần số của các lò vi sóng lại cũng hoạt động ở mức 2,45GHz. Dĩ nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa chúng là năng lượng. Các lò vi sóng hoạt động ở mức 600 đến 1200W, trong khi những chiếc tai nghe Bluetooth được phân loại như là máy phát sóng Class 2.

Điều này đồng nghĩa rằng nó có thể truyền tín hiệu xa nhất lên tới 10 mét và mức công suất hoạt động tối đa là 2,5mW. 2,5mW nhỏ hơn 240.000 lần so với 600W. Nói một cách khác, một đôi tai nghe phải hoạt động trong vài tháng mới có thể đạt được mức năng lượng ngang ngửa vài phút sử dụng lò vi sóng.

Tuy nhiên, khi nói đến EMF, năng lượng hoạt động không phải là tất cả. Có một khía cạnh khác mà chúng ta cần xem xét.

Tỉ lệ hấp thụ cụ thể có ý nghĩa gì?

Tỉ lệ hấp thụ cụ thể (SAR) là một phép đo mức năng lượng của trường điện từ tần số vô tuyến được cơ thể con người hấp thụ. Nó thường được đo bằng đơn vị W/kg và các cơ quan quản lý thường sử dụng nó để xác định liệu một thiết bị nào đó có an toàn để sử dụng hay không.

Không giống như hầu hết các phép đo khoa học khác, SAR đi kèm với một vài lưu ý. Sóng EMF không lan truyền đồng đều, thế nên, phép đo thường được tính theo con số năng lượng trung bình được hấp thụ bởi một thể tích mô nhất định.

Tại Mỹ, FCC đặt giới hạn là 1,6W/kg cho một chiếc điện thoại di động và giá trị được đo tại một điểm với 1 gram mô có thể hấp thụ nhiều năng lượng nhất.

Tại Châu Âu lại tuân theo tiêu chuẩn của Ủy ban Kỹ thuật điện Quốc tế (International Electrotechnical Commission). Tiêu chuẩn này đặt con số an toàn rơi vào khoảng dưới 2W/kg trên 10 gram mô. Mỗi thiết bị đều phải được thử nghiệm riêng cho từng tiêu chuẩn.

Vấn đề lớn hơn đó là bài thử nghiệm SAR của FCC lại không đầy đủ và quá xem nhẹ nó. Bài thử nghiệm này được thiết kế vào năm 1989 và đầu hình nộm được sử dụng cho phép đo lại tương đương với một người đàn ông có chiều cao 1,88 mét, nặng 100kg. Bên cạnh đó, bộ não của chúng ta lại được mô phỏng bởi một hỗn hợp đơn giản giữa nước và chất điện giải.

Chiếc đầu mô phỏng đồ sộ này phải đạt được 6 phút hoạt động tối đa trước khi thực hiện các phép đó. Đó chỉ là một số vấn đề trong bài kiểm tra, nhưng rõ ràng, nó không thể đại diện được cho một người bình thường trong năm 2019.

Liệu tai nghe không dây có thực sự an toàn? - Ảnh 3.

Quay lại với tai nghe không dây

Phone Arena đã thử liên hệ với Tiến sĩ Joel Moskowitz, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Gia đình và Cộng đồng tại Đại học California, Berkeley. Bên cạnh công việc tại UCB, anh cũng thường đăng những nghiên cứu về vấn đề này trên trang web Electromagnetic Radiation Safety.

Phóng viên của Phone Arena đã thử đề cập đến việc liệu rằng đặt những chiếc tai nghe không dây này gần bộ não thì có làm tăng ảnh hưởng của quá trình phát sóng EMF hay không. Và câu trả lời của anh ấy là: "Có. SAR của AirPods khá cao bởi đây là một thiết bị Bluetooth."

Trên trang web của mình, anh có đề cập chính xác con số SAR của AirPods là 0,581W/kg cho bên trái, 0,501W/kg với tai phải và 1,082W/kg khi đeo cả 2 bên. Để dễ so sánh hơn, SAR của iPhone XS là 1,19W/kg, chỉ cao hơn 10% so với iPods.

Dù những số liệu này thể hiện mức tối đa về lý thuyết và không tương đương với mức mà bạn sử dụng hàng ngày, nhưng chúng cho thấy rằng những chiếc tai nghe không dây không phải là không có những ảnh hưởng đến sức khỏe nhất định, đặc biệt là với thời lượng đeo hàng giờ.

Liệu tai nghe không dây có thực sự an toàn? - Ảnh 4.

Dĩ nhiên, mỗi sản phẩm mà bạn sử dụng đều đảm bảo an toàn hoặc ít nhất là những kết quả thử nghiệm đã được thực hiện nằm trong giới hạn yêu cầu. Đó là trường hợp của AirPods. Nếu bạn quan tâm đến chi tiết về thử nghiệm này, bạn có thể kiểm tra báo cáo SAR của AirPods mà Apple gửi cho FCC tại đây .

Vậy những chiếc tai nghe không dây có an toàn không?

Câu hỏi này trên thực tế lại không có câu trả lời cuối cùng. Tiến sĩ Moskowitz cho biết rằng không nên sử dụng bất kì chiếc tai nghe không dây nào và cá nhân anh cũng không sử dụng các thiết như vậy do quá trình phát sóng EMF. Tất nhiên, không chỉ mỗi anh nghĩ là đã đánh giá thấp quá trình phát sóng EMF.

Một nhóm gồm hơn 240 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã ký đơn khẩn cầu quốc tế đến Liên Hợp Quốc nhằm kêu gọi tăng cường những quy định và sự bảo vệ tránh khỏi quá trình tiếp xúc với nhiễm trường điện từ không ion hóa.

Đơn khẩn cầu có ghi rằng:

"Nhiều báo cáo khoa học đã chỉ ra rằng EMF ảnh hưởng đáng kể đến các sinh vật sống ở mọi mức độ tại hầu hết các hướng dẫn quốc tế và quốc gia. Các tác động này bao gồm tăng nguy cơ ung thư, áp lực cho tế bào, tăng các gốc tự do có hại, gây tổn thương di truyền, thay đổi cấu trúc và chức năng của hệ thống sinh sản, giảm sút trí nhớ và học tập, rối loạn thần kinh và tác động tiêu cực đến sức khỏe của con người nói chung."

Cần lưu ý rằng mối quan tâm của các nhà khoa học đều liên quan đến các thiết bị có tạo ra EMF trên mọi phạm vi, từ router Wi-Fi cho đến hệ thống quản lý em bé. Ảnh hưởng tích lũy từ tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta đều làm tăng các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Quay lại với những chiếc tai nghe không dây nhỏ hơn. Không có bất cứ bằng chứng thuyết phục nào về việc chúng có thể gây hại cho con người bởi chưa có những nghiên cứu tác động lâu dài mà tai nghe không dây gây ra. Các chuyên gia cũng bất đồng về những mức độ ảnh hưởng tiêu cực của chúng.

Dù một số người đang kêu gọi đặt ra các quy tắc chặt chẽ hơn, nhưng những người khác lại cho rằng số người đó đã phóng đại lo ngại này quá mức và EMF từ tai nghe quá thấp để có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể con người, đồng nghĩa rằng bạn có thể bỏ qua các lo ngại và tiếp tục sử dụng chúng một cách an toàn. Đây là một quan niệm phổ biến.

Liệu tai nghe không dây có thực sự an toàn? - Ảnh 5.

Dĩ nhiên, các nhà sản xuất cũng giữ vững lập trường này. Phone Arena đã liên hệ với Apple, Samsung và Bose về vấn đề độ an toàn của những chiếc tai nghe tai nghe true wireless.

Chỉ có Samsung trả lời lại và tuyên bố đáp ứng tất cả các quy định là hoàn toàn cần thiết và cần được ưu tiên trên hết. "Các thử nghiệm EMF của riêng họ xác nhận rằng những thiết bị đã hoàn toàn tuân thủ mọi quy tắc và an toàn để sử dụng hằng ngày".

Đề cập đến SAR của Galaxy Buds, Samsung trả lời: "Những chiếc tai nghe không dây của chúng tôi được thiết kế để giảm thiểu tỉ lệ hấp thụ và thậm chí ở mức năng lượng tối đa, chúng không tạo ra mức RF đáng kể."

Tóm lại

Ngay cả khi cho rằng những chiếc tai nghe không dây không gây hại đến chúng ta thì một điều chắc chắn rằng, nó cũng không làm cho cơ thể tốt hơn chút nào. Và trong khi smartphone đã trở thành một thiết bị không thể thay thế, thì tai nghe không dây cũng chỉ có có lợi về mặt tiện lợi hơn so với có dây.

Nếu bạn là một người đeo tai nghe nhiều thì tốt nhất, hãy chuyển sang sử dụng lại tai nghe có dây truyền thống. Và nhớ rằng, dù vẫn có những ảnh hưởng tiêu cực mà các chiếc tai nghe không dây có thể mang lại thì chúng vẫn chỉ là một phần nhỏ trong thế giới bức xạ điện từ xung quanh chúng ta trong thế kỉ 21.

Tất nhiên, sử dụng công nghệ nào và như thế nào thì lại phụ thuộc vào bạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại