Thị trường máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm toàn cầu đang nóng lên và dẫn đầu cuộc cạnh tranh này là hai đối thủ chính: Lockheed Martin F-35 Lightning II của Mỹ và Chengdu J-35 mới nổi của Trung Quốc.
F-35 đã đạt được những kết quả ấn tượng về mặt doanh số và tạo ra sự ảnh hưởng trên toàn cầu. Nhưng với sự ra đời của J-35, Trung Quốc dường như đã sẵn sàng thách thức sự thống trị này, được xem là giải pháp thay thế cho các quốc gia đang tìm kiếm dòng chiến đấu cơ tiên tiến, mà không phải phụ thuộc vào công nghệ hoặc sự liên kết địa chính trị với Mỹ.
Câu hỏi đặt ra là liệu J-35 có thể đạt được thành công trên phạm vi quốc tế tương tự như F-35 hay không, hay nó vẫn chỉ là đối thủ cạnh tranh trong khu vực?
Thành công của F-35
Thành tích của F-35 trên trường quốc tế là rất đáng ngưỡng mộ. Kể từ khi ra mắt, chiếc máy bay tàng hình đa năng này đã ký hợp đồng với hơn 10 quốc gia. Thành công của F-35 nằm ở sự kết hợp giữa sức mạnh công nghệ và khả năng tận dụng các mối quan hệ địa chính trị của Mỹ.
F-35 sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến, bao gồm khả năng tàng hình được tối ưu hóa để thực hiện các nhiệm vụ trong điều kiện chiến đấu phức tạp, một gói cảm biến tích hợp cao và các hệ thống mạng hiện đại.
F-35 có ba phiên bản, trong đó F-35A là mẫu cơ bản, F-35B có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng và F-35C được tối ưu hóa cho tàu sân bay – phiên bản này đáp ứng nhu cầu hoạt động của cả lực lượng không quân và hải quân.
Tuy nhiên, sức hấp dẫn của F-35 không chỉ bắt nguồn từ công nghệ. Ngoại giao được coi là công cụ mạnh mẽ nhất góp phần làm nên thành công của F-35. Các quốc gia mua F-35 coi đây là khoản đầu tư hữu hình vào mối quan hệ đối tác quân sự với Mỹ.
Việc tham gia chương trình F-35 giúp các quốc gia có điều kiện tiếp cận mạng lưới bảo trì và hậu cần hiện đại, cùng với các bản nâng cấp phần mềm và phần cứng mới của máy bay. Đối với nhiều thành viên NATO và các đồng minh thân cận của Mỹ, việc mua F-35 là cơ hội nâng cao khả năng tương tác với các hệ thống tiên tiến khác của phương Tây, củng cố khuôn khổ phòng thủ tập thể.
Những yếu tố này, kết hợp với chiến dịch xuất khẩu mạnh mẽ do chính phủ Mỹ dẫn đầu, đã tạo ra nhu cầu chưa từng có đối với loại máy bay này, mặc dù chi phí mua sắm và vận hành là rất đáng kể.
J-35 của Trung Quốc
Trong khi đó, J-35 được xem là quyết tâm của Trung Quốc nhằm thách thức sự thống trị của phương Tây trên thị trường máy bay chiến đấu cao cấp. Chiếc máy bay này vẫn đang trong quá trình phát triển, J-35 được cho là có nhiều điểm tương đồng với F-22, mặc dù khả năng chính xác của nó vẫn chưa được chứng minh.
J-35 được trang bị động cơ đôi, mang lại lợi thế về lực đẩy và cơ động. Ngoài ra, J-35 còn tích hợp hệ thống điện tử hàng không, hệ thống vũ khí tiên tiến và công nghệ giảm tiết diện radar.
Mặc dù có tiềm năng, nhưng J-35 vẫn phải đối mặt với những rào cản đáng kể trên trường quốc tế. Không giống như F-35, đã trải qua quá trình thử nghiệm, tích hợp và triển khai chiến đấu rộng rãi, J-35 vẫn chưa được chứng minh trên thực tế.
Khách hàng sẽ ngần ngại đầu tư vào một nền tảng vẫn chưa chứng minh được độ tin cậy và hiệu quả trong điều kiện hoạt động. Hơn nữa, danh tiếng của Trung Quốc về chuyển giao công nghệ và việc sở hữu trí tuệ có thể ảnh hưởng đến việc mua bán máy bay.
Để J-35 có thể cạnh tranh với F-35 trên thị trường xuất khẩu, Trung Quốc sẽ cần phải vượt qua một số thách thức đáng kể. Đầu tiên, họ phải giải quyết khoảng cách nhận thức. J-35 cần phải chứng minh rằng máy bay có thể hoạt động ở mức độ tương đương hoặc hơn F-35.
Điều này sẽ đòi hỏi sự minh bạch trong thử nghiệm, tiếp thị và các hoạt động triển khai chiến đấu thực tế. Thứ hai, Trung Quốc sẽ cần phải giải quyết những khó khăn về chính trị và kinh tế khi tham gia thị trường máy bay chiến đấu cao cấp.
Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt và áp lực ngoại giao đối với các quốc gia mua phần cứng quân sự tiên tiến của Trung Quốc, một yếu tố có thể khiến các khách hàng nản lòng. Tuy nhiên, J-35 vẫn có thể hấp dẫn một nhóm quốc gia cụ thể. Các quốc gia ưu tiên hiệu quả về chi phí hoặc nằm ngoài sự liên kết với Mỹ và phương Tây.
Hơn nữa, các quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, đặc biệt là trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường, có thể coi J-35 là sự bổ sung tự nhiên cho quan hệ đối tác chiến lược của họ với Bắc Kinh.
Hiện tại, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục xếp hàng chờ để được sở hữu F-35, còn J-35 có thể sẽ tìm được chỗ đứng của mình, nhưng có lẽ sẽ mất nhiều năm nỗ lực bền bỉ và ngoại giao chiến lược để nó có thể nổi lên như một đối thủ cạnh tranh thực sự trên thị trường toàn cầu.
Quang Hưng