Lời khuyên mà chính phủ trên khắp thế giới gửi đến người dân có một sự nhất quán: ở nhà, tìm nơi trú an toàn, duy trì cách ly xã hội, chỉ đi ra ngoài cho các mục đích thiết yếu. Không có một lời khuyên nào dành cho những người ngủ ngoài đường hay ngủ trong các trạm trú của người vô gia cư.
Lấy một ví dụ điển hình: ở một số thành phố tại Pháp, các tổ chức từ thiện tuyên bố mọi người có thể bị phạt vì không ở yên trong nhà, dù họ thậm chí không có lấy một căn nhà. Và những nỗ lực của chính phủ để giúp mọi người vượt qua khủng hoảng thường đòi hỏi phải có nơi ở cố định. Tại Nhật Bản, chính phủ đã hứa sẽ phân phát hai khẩu trang tái sử dụng cho mọi hộ gia đình ở đất nước này, nhưng sẽ chẳng có gì dành cho những người ngủ ngoài đường.
Mặc dù vậy, các hoạt động đầy nỗ lực giúp đỡ người vô gia cư của các tổ chức từ thiện đã mang đến hy vọng - ít nhất nó đã làm nổi bật sự cấp bách trong việc giảm bớt những khó khăn cho nhóm người này. Người vô gia cư là nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm và lan truyền covid-19 bởi hai lý do sau.
Đầu tiên là về vấn đề thể chất. Đây là những người thường phải chịu đựng các loại bệnh nền. Theo một bài báo trên tạp chí Lancet Public Health, người vô gia cư ở Mỹ và Canada ở độ tuổi dưới 65 tuổi có khả năng tử vong cao gấp năm đến mười lần, vì bất kỳ nguyên nhân nào, so với những người khác.
Ở Anh, nơi một cuộc khảo sát vào một đêm mùa thu năm ngoái đã phát hiện 4.300 người ngủ ngoài đường, Pathway, một tổ chức từ thiện chăm sóc sức khỏe cho người vô gia cư, ước tính những người này có khả năng mắc bệnh hen suyễn cao gấp 2,5 và tỷ lệ mắc bệnh lao cao gấp 34 lần, so với dân số chung.
Đàn ông vô gia cư ở Anh có tuổi thọ trung bình 44. Nhưng ở nhiều quốc gia, người vô gia cư có xu hướng già hơn độ tuổi trung bình. Điều này dễ dàng thấy ở quốc gia già nhất thế giới Nhật Bản, nơi chính phủ ước tính có hơn 4.500 người ngủ ngoài đường, và 43% trong số họ trên 65 tuổi.
Lỗ hổng thứ hai bắt nguồn từ những khó khăn mà người vô gia cư gặp phải trong thực hành cách ly xã hội. Trong các lều trại và nơi trú ẩn ban đêm, nơi tất cả cùng tụ tập lại thì cách ly là điều không thể. Vì vậy, những nỗ lực của những người ở trong nhà thậm chí có thể phản tác dụng.
Trên bờ biển phía tây nước Mỹ, nơi có khoảng 600.000 người vô gia cư sinh sống, chính quyền đã cố gắng đặt hạn mức cho sức chứa của các nơi trú ẩn.
Randall Kuhn, một nhà nhân khẩu học và nhà xã hội học tại Trường Y tế Công cộng Fielding tại Đại học California, Los Angeles, nói rằng nguyên tắc hướng dẫn không nên gây nguy hiểm cho mọi người bằng cách tăng mật độ chỗ ở: "Nếu lựa chọn giữa việc đưa ai đó vào một nơi trú ẩn thực sự đông đúc hoặc để họ ngoài đường, hãy suy nghĩ cẩn thận." Một nơi trú ẩn được xây dựng vào tháng trước ở Seattle, với dự định giúp làm giảm mật độ ở nơi khác, hiện có ít nhất sáu trường hợp nhiễm bệnh.
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại một số trường đại học ước tính rằng, nếu 40% người vô gia cư ở Mỹ bị nhiễm covid-19, hơn 21.000 người có thể phải nhập viện và gần 3.500 người có thể chết. Và chắc chắn rằng, virus đã lan đến một số cụm người vô gia cư.
Vào ngày 10 tháng 4, người ta đã phát hiện ra rằng 68 người vô gia cư và hai nhân viên tại nhà trú vô gia cư lớn nhất ở San Francisco dương tính với virus. Virus đã được phát hiện tại các nhà tạm trú khác từ Los Angeles đến New York.
Các dữ liệu từ Boston cho thấy tỷ lệ nhiễm bệnh của người vô gia cư là 46,3 trên 1.000 người, so với 1,9 trên 1.000 đối với dân số Massachusetts nói chung. Đến ngày 9 tháng 4, 343 người vô gia cư ở New York đã có kết quả dương tính và 20 người đã chết. Không ai biết được con số thực tế chính xác. Một số người xét nghiệm dương tính đã chết mà không có nhà cửa và không rõ đến từ đâu.
Nhận thấy mối nguy hiểm từ những nơi trú ẩn chật chội, một số chính phủ đã mở các cơ sở mới. Ví dụ, ở Pháp, 80 địa điểm đã được xác định là trung tâm cách ly tiềm năng. Tại Berlin, chính quyền thành phố có kế hoạch khẩn cấp để chứa 350 người vô gia cư trong một nhà trọ cũ. Ở Đan Mạch, Hus Forbi, phiên bản địa phương của Big Issue - một tạp chí được bán bởi người vô gia cư, đã đạt được thỏa thuận với một chuỗi các nhà trọ dành cho những người ngủ ngoài đường. Ở Melbourne, một số nhà chăm sóc cho người cao tuổi đang được dùng cho người vô gia cư.
Đôi khi những biện pháp ứng phó mang tính chất tạm thời đóng vai trò rất quan trọng trong việc đối phó với đại dịch. Nhiều chính quyền trung ương và địa phương đã hành động để tận dụng nguồn cung này. Vào ngày 26 tháng 3, chính phủ Anh đã viết thư cho chính quyền địa phương yêu cầu "chuyển người vô gia cư vào nơi ở thích hợp vào cuối tuần". Do đó, mục tiêu của chính quyền là không còn người vô gia cư vào năm 2024 đã thay đổi hoàn toàn trong chớp mắt, với chỉ 3 ngày để thực hiện. Trên khắp nước Anh, số người ngủ ngoài đường phố đã giảm xuống còn 500-600.
Ở Mỹ cũng vậy, một sự đồng thuận nhanh chóng tán đồng rằng các phòng khách sạn là cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh giữa những người vô gia cư. Rất ít nơi có thể cung cấp chỗ ở cho tất cả mọi người, vì vậy họ ưu tiên cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Các thành phố như Atlanta, Baltimore, New York, Seattle và một số nơi khác đã di chuyển những người vô gia cư vào các khách sạn, với khoản viện trợ 4 triệu USD từ quốc hội. Gavin Newsom, thống đốc bang California hứa hẹn sẽ có hơn 15.000 phòng khách sạn cho 150.000 người vô gia cư để họ tự cách ly. Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang sẽ chi trả cho vấn đề này.
Các nhà lập pháp tiến bộ ở San Francisco đang đề xuất một kế hoạch tham vọng hơn, là cho cả những người vô gia cư vào phòng khách sạn nếu họ muốn và có thể tự chăm sóc bản thân. Los Angeles, với 58.000 người vô gia cư, cam kết 15.000 phòng, với khoảng 1.300 phòng sẽ sẵn sàng trong tuần này.
Tất nhiên, việc di chuyển vào khách sạn không diễn ra suôn sẻ ở mọi nơi. John Bird, người sáng lập của Big Issue, một doanh nghiệp xã hội hỗ trợ người vô gia cư, nói rằng một số người đã từ chối chỗ ở, vì một trong số họ là những con nghiện và lo sợ không được dùng thuốc. Một số đã đến ở nhưng đã "phát điên và rời đi".
Một khách sạn bốn sao ở Milton Keynes, gần London, đã đuổi một nhóm người vô gia cư vì hành vi xấu của họ, chẳng hạn như lén lút tiêm chích ở cầu thang. Sau đó, một người đã bỏ trốn bằng cách nhảy ra khỏi cửa sổ.
Ở New Orleans, những người vô gia cư được đưa vào một khách sạn và bị bỏ mặc. Họ tụ tập tại sảnh và phớt lờ các yêu cầu cách ly. Ở Tây Úc, chính phủ tiểu bang phải đối mặt với những lời chỉ trích sau khi chỉ chuyển 20 người vô gia cư dễ bị tổn thương nhất vào một khách sạn năm sao ở Perth. Các nhà vận động phản đối điều này đại bởi phần lớn người vô gia cư khác đã bị bỏ qua.
Hơn nữa, kiểm soát những người ra vào khách sạn cũng là một vấn đề lớn. Việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe vẫn còn nhiều hạn chế. Ở Anh, theo Crisis, một tổ chức từ thiện cho người vô gia cư, không có sự tách biệt hệ thống nào giữa những người có và không có triệu chứng. Ngược lại, ở Oakland, California, chính quyền thành phố đã bảo đảm một khách sạn cho các trường hợp dương tính và những người đang được xét nghiệm và một khách sạn khác cho những người âm tính nhưng có nguy cơ cao. "Thông thường mọi người thường chỉ cần ở yên trong nhà", ông Margot Kushel, bác sĩ ở San Francisco cho biết. "Nhưng trong thời điểm nhạy cảm này, họ cần nhiều sự hỗ trợ hơn.".
Vì vậy, vẫn còn thiếu những hành động cần thiết đối với vấn về người vô gia cư trong đại dịch covid-19. Nhưng những người lạc quan lại nghĩ khác: tốc độ và mức độ của những gì đã được thực hiện cho thấy tình trạng vô gia cư được cải thiện nhiều đến đâu. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại hai mối lo ngại lớn.
Thứ nhất, điều kiện cho những người vẫn còn ngủ ngoài đường trở nên khó khăn hơn: những trại tạm trú thiếu nhân viên, đầu bếp và các cơ sở khác không thể hoạt động do cách ly xã hội, và thu nhập từ việc ăn xin cũng cạn kiệt. Thứ hai, ngay cả khi một lượng lớn người đến ở các phòng khách sạn, thì ngày càng có nhiều người gia nhập hàng ngũ người vô gia cư vì lý do kinh tế, và cả những người phụ nữ đang trốn chạy nạn bạo lực trong thời gian phong tỏa. Với dự báo kinh tế toàn cầu dường như ngày càng trở nên ảm đạm hơn, số lượng người không có chỗ ở sẽ ngày càng tăng lên, ngay cả khi đại dịch chấm dứt.