Liệu châu Á có thể giúp Nga “bù đắp” tổn thất nếu châu Âu cấm vận hoàn toàn năng lượng?

Kiều Anh |

"Nếu EU tiến tới một lệnh cấm vận hoàn toàn, tôi không nghĩ thị trường châu Á có thể bù đắp được nhu cầu này”, Hari Seshasayee - một học giả tại Trung tâm Wilson nhận định với Al Jazeera.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Dịch chuyển từ châu Âu sang châu Á

Nga cần lên kế hoạch cho việc các nước phương Tây từ chối nhập khẩu khí đốt bằng cách dịch chuyển trọng tâm từ châu Âu sang châu Á.

Từ quan điểm của điện Kremlin, hướng đi này có ý nghĩa quan trọng. Mỹ, Anh, Australia đều đã cấm nhập khẩu năng lượng Nga. Liên minh châu Âu cũng đang đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng từ Mỹ và các nước thành viên như Ba Lan, Litva để thực hiện lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt Nga nhằm phản ứng trước cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những hạn chế về cơ sở hạ tầng, sức ép chính trị và điều kiện kinh tế có thể ngăn cản các thị trường châu Á đón nhận nguồn cung năng lượng này nếu Brussels thực sự cấm hydrocarbon từ Nga. Những nước châu Âu phát triển hiện chiếm gần 2/3 lượng nhập khẩu khí đốt Nga và chiếm một nửa doanh thu từ dầu mỏ của Nga.

Hầu hết các đường ống của Nga về mặt địa lý đều được xây dựng để cung cấp cho các thị trường châu Âu và không thể cung cấp cho châu Á. Hai khách hàng châu Á lớn của Nga là Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những đồng minh của phương Tây, do đó họ có thể đối mặt với sức ép lớn từ Mỹ để không tăng nhập khẩu năng lượng. Trung Quốc - nhà nhập khẩu lớn nhất dầu mỏ Nga, vốn đang chứng kiến sự suy giảm kinh tế do lệnh phong tỏa Covid-19, có thể sẽ giảm "cơn khát" năng lượng của mình.

"Nếu EU tiến tới một lệnh cấm vận hoàn toàn, tôi không nghĩ các thị trường châu Á có thể bù đắp được nhu cầu này. Nga có lẽ giảm sản xuất 30% dầu mỏ vào cuối năm 2022", Hari Seshasayee - một học giả tại Trung tâm Wilson nhận định với Al Jazeera.

Hiện nay, EU không có "lập trường thống nhất" về lệnh cấm vận năng lượng Nga, tờ báo Đức Die Welt đưa tin ngày 25/4 khi dẫn lời Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borell. Đức và Hungary nằm trong số những quốc gia lo ngại về sự tăng vọt giá năng lượng nếu họ ngừng mua dầu mỏ và khí đốt Nga.

Trong khi đó, EU đang cố gắng đặt ra cơ chế thanh toán cho phép các quốc gia thích nghi với các lệnh trừng phạt tài chính nhằm chống lại Moscow và trước điều kiện của điện Kremlin rằng các quốc gia châu Âu phải mua năng lượng bằng đồng rúp.

Trên thị trường dầu mỏ, "sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi châu Âu cấm vận dầu thô và các sản phẩm từ dầu thô của Nga", Lydia Powell, học giả cấp cao tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát có trụ sở tại New Delhi đánh giá với Al Jazeera. Chuyên gia này cũng ước tính, điều đó có thể loại 4 triệu thùng dầu mỗi ngày khỏi thị trường dầu thô toàn cầu.

Hiểu rõ được những rủi ro đó, Moscow đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào những khách hàng phương Tây trong những năm qua. Năm 2012, Tổng thống Putin đã khánh thành đường ống dẫn dầu Đông Siberia -Thái Bình Dương với mục đích vận chuyển dầu thô sang Trung Quốc và Nhật Bản. Đường ống Sức mạnh Siberia, được khánh thành năm 2019, có thể cung cấp tới 38 tỷ mét khối khí đốt từ Nga sang Trung Quốc. Hồi tháng 2/2022, trong chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Bắc Kinh vài tuần trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Trung Quốc và Nga đã thông báo kế hoạch cho một đường ống khí đốt nữa.

Những giới hạn khó vượt qua

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những dự án này ngay từ đầu chỉ càng gia tăng sự phức tạp hoặc mức độ trao đổi dầu mỏ và khí đốt giữa các quốc gia.

"Các cơ sở hạ tầng vận chuyển đóng vai trò quan trọng song nó không được phát triển cùng một mức độ ở các thị trường châu Á so với châu Âu", Filip Medunic - chuyên gia về các lệnh trừng phạt tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu nhận định với Al Jazeera.

Những giới hạn này không ngăn Moscow giảm giá dầu và Ấn Độ - nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới dường như đã tận dụng cơ hội đó khi tăng nhập khẩu dầu từ Nga vào tháng 3. Các quan chức Nga và Ấn Độ cũng đã gặp nhau vào tuần trước để nỗ lực tháo gỡ thế bế tắc về việc vận chuyển than cho các nhà sản xuất thép của Ấn Độ khi trước đó hồi tháng 3 họ đã từ chối hợp đồng do việc thanh toán về những vấn đề phức tạp liên quan đến hậu cần, Reuters dẫn lời một nguồn tin của chính phủ Ấn Độ cho hay ngày 25/4.

"Nếu Nga giảm giá và đưa ra những điều khoản phù hợp, các nhà máy lọc dầu chắc chắn sẽ thấy đây là một thương vụ hấp dẫn", chuyên gia Powell nhận định về việc xuất khẩu dầu Nga.

Ngay cả vậy, dầu thô từ Nga chỉ chiếm khoảng 1,4% dầu nhập khẩu của Ấn Độ năm 2020. Điều đó tức là dù Ấn Độ tăng mạnh việc nhập khẩu từ Nga thì cũng không giúp ích nhiều cho Moscow. Hơn nữa, những quốc gia khác cũng sản xuất dầu thô với mức độ khác nhau và các nhà máy lọc dầu thuộc các ngành công của Ấn Độ sẽ không dễ chuyển đổi từ các đối tác làm ăn với họ gần đây ở Trung Đông, Mỹ và Mỹ Latin sang dầu thô Nga. Một số nhà máy lọc dầu tư nhân có lẽ sẽ ngần ngại trong việc xa rời các khách hàng phương Tây nếu sử dụng dầu thô Nga, chuyên gia Powell bình luận.

Ở thời điểm Ấn Độ tăng cường quan hệ với Mỹ và EU, việc tăng nhập khẩu năng lượng từ Nga có thể làm tổn hại đến những mối quan hệ này, Niklas Swanström - Giám đốc Viện Chính sách An ninh và Phát triển có trụ sở tại Stockholm cho hay.

Hàn Quốc và Nhật Bản nằm trong số 10 quốc gia nhập khẩu nhiều dầu từ Nga nhất cũng đang đối mặt với sức ép mạnh mẽ từ Mỹ nếu họ có ý định tăng nhập khẩu dầu thô. Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol - một nhà lãnh đạo ủng hộ Mỹ sẽ không sẵn sàng tạo ra rủi ro quan hệ với Washington, Troy Stangarone, giám đốc cấp cao tại Viện Kinh tế Hàn Quốc tại Mỹ nhận định với Al Jazeera.

Kế tiếp là Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này đã mua 1/3 lượng dầu của Nga vào năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Wang Huiyao - chủ tịch và là người sáng lập Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định, Trung Quốc cũng có những giới hạn của mình.

Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu dầu thô tức là Bắc Kinh cần duy trì quan hệ tốt đẹp với tất cả những nhà cung cấp quan trọng và nước này không muốn hủy hoại điều đó bằng cách giảm việc mua dầu mỏ từ một số quốc gia để mua thêm dầu từ Nga. Ngoài ra, các lệnh phong tỏa và số ca mắc Covid-19 gia tăng đang khiến sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc bị hãm lại.

"Trung Quốc không có nhu cầu cần thêm dầu mỏ", ông Wang đánh giá với Al Jazeera.

Thậm chí, nếu EU áp lệnh cấm vận nghiêm ngặt, ngành năng lượng Nga vẫn không thể sụp đổ hoàn toàn. Belarus là khách hàng dầu mỏ lớn thứ chín của Nga. Giống như Trung Quốc, Nga là một đối tác chiến lược của Belarus và Minsk sẽ không tham gia vào bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nhằm chống lại Moscow.

Dù vậy, Nga sẽ đối mặt với tổn thất kinh tế to lớn nếu mất đi thị trường cho hầu hết lượng khí đốt và dầu mỏ xuất khẩu của mình, vốn chiếm tới 45% ngân sách quốc gia. Dĩ nhiên, việc thực hiện một biện pháp cứng rắn như vậy cũng không dễ dàng cho châu Âu nhưng đây sẽ chỉ là vấn đề thời gian./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại