Ai cũng đã từng thấy trên phim. Một anh chàng rơi vào cát lún, cầu xin kẻ đứng trên cứu giúp, nhưng càng giãy giụa, anh ta càng lún sâu hơn cho tới khi biến mất.
Những thứ còn lại chỉ là đụn cát tàn độc, và đôi khi là chiếc mũ của nạn nhân. Có quá nhiều bộ phim xuất hiện “cái chết bởi cát lún” khiến nhà báo Daniel Engbar còn chỉ ra được thời kỳ đỉnh cao của cát lún trong điện ảnh.
Vào thập niên 1960, cứ 35 phim thì sẽ có một phim có cát lún. Chúng có mặt khắp chốn từ Lawrence of Arabia cho tới The Monkees.
Tuy nhiên, câu chuyện càng giãy giụa thì bạn càng chìm sâu hơn vốn khá thiếu thuyết phục. Cát lún thường bao gồm cát hay đất sét và muối ngập nước, thường có ở đồng bằng châu thổ.
Bề mặt nhìn khá vững chắc, nhưng khi bạn bước lên cát sẽ bắt đầu hóa lỏng. Nhưng rồi nước và cát sẽ tách ra, hiện ra một lớp cát ướt giày đặc khiến bạn mắc lại.
Ma sát giữa những hạt cát đã giảm đi rất nhiều, nên nó sẽ không thể đỡ được trọng lượng của bạn và thực sự thì giai đoạn ban đầu bạn sẽ chìm xuống.
Nhưng liệu việc giãy giụa có khiến bạn lún sâu hơn, và liệu bạn có chìm đủ sâu để bị chết ngạt?
John Dimech giãy giụa trong cát lún trong bộ phim Lawrence of Arabia năm 1962
Daniel Bonn từ Đại Học Amsterdam từng ở Iran và đã phát hiện một biển báo ven hồ cảnh báo với du khách về cát lún.
Anh đã lấy một mẫu nhỏ về phòng thí nghiệm của mình, phân tích tỉ lệ đất sét, nước muối và cát, và rồi tự tạo ra cát lún cho thí nghiệm của mình.
Thay vì dùng người, anh sử dụng những hột nhôm có khối lượng riêng như con người. Anh đặt chúng lên mặt cát và rồi, để tái hiện lại sự vùng vẫy của một người hoảng loạn, mẫu vật sẽ được rung lắc rất mạnh.
Liệu những hạt nhôm này có bị “chết chìm”?
Câu trả lời là không. Ban đầu chúng có chìm xuống đôi chút, nhưng rồi cát dần dần lại được trộn lẫn với nước, sức nổi của hỗn hợp dần tăng lên và chúng lại nổi lên trên bề mặt.
Bonn và nhóm của mình đã đặt đủ loại vật thể lên trên cát lút làm từ phòng thí nghiệm của mình.
Nếu chúng có khối lượng riêng tương đồng với con người thì chúng sẽ chìm, nhưng không chìm hoàn toàn, mà chỉ được khoảng một nửa độ sâu.
Vậy tại sao, nếu vật lý cho thấy bạn sẽ không lún sâu thêm chút nào cả, đôi khi vẫn có những tai nạn chết người xảy ra, như câu chuyện một bà mẹ chết chìm bởi cát lún vào năm 2012 tại Antigua?
Lý do nằm ở việc tuy cát lún không kéo bạn xuống sâu hơn nữa, nhưng nếu bạn không thoát khỏi đó sớm, thì thủy triều có thể dâng lên ngập bạn. Đây mới là thứ đáng sợ của cát lún.
Thế nên giãy giụa sẽ chẳng khiến bạn chết chìm, nhưng ta vẫn nên cảnh giác.
Nếu bạn muốn tự giải thoát bản thân trước khi có người tới cứu, thì nghiên cứu của Bonn cho thấy chỉ gỡ riêng một chân thôi cũng cần tới một lực 100.000 newton – tương đương với lực nâng một oto cỡ vừa.
Hiệu ứng cát lún cho thấy việc rơi vào một silo đầy ngũ cốc đôi khi cũng gây ra chết người
Tại phòng thí nghiệm, nhóm của Bonn thấy rằng muối là thành phần cốt yếu bởi nó gia tăng độ bất ổn định của cát lún, dẫn tới sự hình thành những khu vực trầm tích dày nguy hiểm này.
Nhưng lần nữa, có một nhóm nghiên cứu từ Thụy Sĩ và Brazil, đã khám phá ra một loại cát lún không cần tới muối. Họ đã thử nghiệm trên nhiều mẫu lấy từ bờ một đầm phá phía đông bắc Brazil.
Họ thấy rằng vi khuẩn hình thành nên một lớp vỏ phía trên mặt đất, nhìn trông giống một bề mặt vững chắc, nhưng khi ta bước lên, nó sẽ sập xuống.
Nhưng tin vui là lòng chảo tạo ra bởi loại đất này rất hiếm khi sâu hơn chiều cao trung bình của con người, nên nếu ai chẳng may bước vào đó, họ cũng chẳng thể chết chìm.
Tuy nhiên, hiệu ứng cát lún khô lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Năm 2002, một người nông dân tại Đức đã bị ngã vào một silo chứa ngũ cốc. Trong thời gian lính cứu hỏa còn đang tìm xem ông đang ở đâu trong tám cái thùng, ngũ cốc đã lên tới nách ông ta và kéo ông xuống chẳng khác gì cát lún.
Mỗi khi ông thở ra, kích thước lồng ngực sẽ giảm xuống, ngũ cốc sẽ lấp đầy vào khoảng trống đó và dần dần khiến ông thở khó khăn hơn.
Một bác sĩ đã phải đu dây xuống và cung cấp oxy cho ông và buộc dây nịt xung quanh ngực ông ta. Nhưng rồi ngực ông ta bỗng đau dữ dội và vị bác sĩ thì lên cơn hen vì quá nhiều bụi.
Cuối cùng thì lính cứu hỏa cũng nghĩ ra được giải pháp. Họ sử dụng máy hút công nghiệp và hút ngũ cốc lên, khiến chúng không ép chặt lấy ngực ông ta nữa, và ông đã sống sót.
Thế nên, khi bạn rơi vào cát lún khô, bạn sẽ cần tới trợ giúp càng nhanh càng tốt. Nhưng còn cát lún ướt, bạn chẳng bị chìm, nhưng lại mắc kẹt tại đó?
Bạn cần phải ngọ nguậy chân từng chút một để nước có thể hòa vào cát xung quanh chân bạn, khiến cát dần hóa lỏng.
Quan trọng là phải bình tĩnh (đương nhiên là nói thì dễ hơn làm), ngả ra sau và giang rộng ra để trải đều trọng lượng của bạn, và chờ cho tới khi bạn nổi lại lên trên bề mặt.
Và nhớ đừng bỏ quên cái mũ!
Theo BBC.