Liệt cường châu Âu "quần anh tụ hội" bàn về Trung Quốc: Cả EU và Bắc Kinh thấp thỏm chờ đợi 1 điều

Thúy |

Vào ngày 16/11 tới, 27 nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có mặt tại Berlin, Đức, để thảo luận về vấn đề duy nhất: Trung Quốc.

Cuộc họp của EU sẽ diễn ra chưa đầy 2 tuần sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (3/11). Một số quyết định của cuộc họp này nằm ngoài tầm kiểm soát của khối hay của Trung Quốc, mà nằm ở kết quả bầu cử Mỹ.

Chính vì thế, kết quả cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với quan hệ Mỹ-Trung mà còn cả với quan hệ EU-Trung Quốc trong tương lai.

Mỹ và EU chung nhiều quan điểm về Trung Quốc nhưng lại ít khi phối hợp

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, có lẽ khối EU cần chuẩn bị tiếp cho 4 năm quay lưng của nhà Trắng khi quan hệ xuyên Đại Tây Dương ở tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

SCMP trích nhận định của các cựu ngoại giao, nhà phân tích và các cố vấn tranh cử cho biết, chiến thắng của ông Joe Biden có thể sẽ mở ra khả năng hợp tác chung Mỹ-EU nhằm giải quyết vấn đề về Trung Quốc.

Anthony Gardner, Đại sứ Mỹ tại EU giai đoạn 2014 - 2017 dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết: "Mỹ và EU có thể tìm được nhiều điểm chung trong rất nhiều vấn đề liên quan đến thương mại và Trung Quốc."

Mỹ và EU có những quan ngại tương tự nhau đối với Trung Quốc. Nhiều biện pháp của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc giành được sự đồng thuận của lưỡng đảng Mỹ, trong khi tất cả 27 quốc gia EU đều nhất trí áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Mỹ và EU đã có rất ít sự phối hợp về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc trong nhiệm kì tổng thống của ông Trump. Theo các nguồn tin của EU, mặc dù các Ngoại trưởng EU đồng ý đối thoại với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhưng lại không sẵn sàng thực hiện các kế hoạch chung.

Cựu Đại sứ EU tại Mỹ David O'Sullivan mong chờ sự thay đổi nếu ông Biden lên làm tổng thống. Ông tin rằng điều này sẽ mở ra cơ hội cho các cuộc đối thoại xây dựng của Mỹ và châu Âu.

Quan điểm khác nhau về EU của ông Trump và ông Biden

Tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel nhằm xúc tiến một hiệp ước đầu tư được chờ đợi từ lâu giữa Trung Quốc và khối này vào cuối năm nay.

Hội nghị diễn ra trước các chuyến công du tới 7 nước châu Âu vào tháng 8 và tháng 9 của hai nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc là Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì - người đã nhiều lần nhắc nhở các đối tác EU về chiến thuật của ông Trump.

Liệt cường châu Âu quần anh tụ hội bàn về Trung Quốc: Cả EU và Bắc Kinh thấp thỏm chờ đợi 1 điều - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio trong chuyến thăm EU. Ảnh: EPA-EFE.

Theo SCMP, các quan chức châu Âu có lẽ không cần lời nhắc về phong cách của Tổng thống Mỹ. Năm ngoái, ông Trump phát biểu: "Liên minh châu Âu: rất, rất khó. Những rào cản mà họ dựng lên thật khủng khiếp. Về nhiều mặt, còn tệ hơn cả Trung Quốc."

Lập trường của ông Trump đối với EU khác với ông Biden. Vào năm 2010, trong chuyến thăm tới Brussels, trước Nghị viện châu Âu, ông đã phát biểu với thái độ ôn hòa hơn.

"Một số chính trị gia và nhà báo Mỹ gọi Washington là ‘thủ phủ của tự do’. Nhưng đối với tôi, có lẽ thành phố vĩ đại này, tự hào với 1.000 năm lịch sử, thủ đô của Bỉ, quê hương của Liên minh châu Âu, trụ sở chính của NATO, thành phố với những đường lối riêng mới xứng đáng với danh hiệu đó," ông Biden nói.

Sự không bằng lòng của ông Trump đối với các tổ chức này đã thể hiện ở các quyết định trong nhiệm kỳ ở Nhà Trắng của ông. Ví dụ như việc Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris và Thỏa thuận hạt nhân Iran - cả hai đều do người tiền nhiệm Obama và EU đứng ra làm trung gian. Hơn thế, ông cũng tuyên bố rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với cáo buộc tổ chức không có khả năng kiềm chế các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc.

"Một trong những điều kỳ lạ nhất [của chính quyền Trump] là niềm tin rằng chúng ta nên phớt lờ EU về việc thay đổi WTO và đặc biệt là thay đổi tình trạng thương mại của Trung Quốc," cựu Đại sứ Mỹ tại EU Gardner cho biết, "Thật kỳ lạ, bởi cùng nhau, chúng ta sẽ có nhiều động lực hơn."

Trước khi là cố vấn cho chiến dịch tranh cử của Biden về các vấn đề xuyên Đại Tây Dương và Trung Quốc, bà Julianne Smith đã chia sẻ trên tờ Foreign Affair vào năm ngoái rằng EU và Mỹ nên cùng nhau giải quyết các hành động thương mại của Trung Quốc và phát triển các giải pháp thay thế cho Sáng kiến Vành đai Con đường trị giá hàng tỷ USD của nước này.

Bà Smith cho rằng: "EU và Mỹ cũng nên làm việc cùng nhau để chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc và hiểu rõ hơn các kênh ảnh hưởng của nước này," không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ở cấp địa phương.

Liệt cường châu Âu quần anh tụ hội bàn về Trung Quốc: Cả EU và Bắc Kinh thấp thỏm chờ đợi 1 điều - Ảnh 3.

Ông Joe Biden. Ảnh: Reuters

EU có bước ra khỏi "vùng an toàn"?

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng chiến thắng của Biden sẽ không đảm bảo ngay lập tức sự liên kết toàn diện giữa EU và Mỹ.

EU có lợi ích kinh doanh lớn ở Trung Quốc.

Ví dụ, Đức đã bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ cấm công ty công nghệ Huawei (Trung Quốc) ra khỏi mạng 5G của nước này với lo ngại Trung Quốc sẽ trả đũa ngành công nghiệp xe hơi của mình. Cùng với đó, Ý là quốc gia phương Tây lớn đầu tiên tham gia dự án Vành đai, Con đường của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Washington.

Erik Brattberg, giám đốc Chương trình châu Âu và là thành viên của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết, ông mong đợi dưới thời ông Biden, sự chấp nhận của người châu Âu khi làm việc với Washington sẽ lớn hơn, ngay cả khi việc có những lập trường vững chắc quay lưng với Trung Quốc gây ra những áp lực cho khối.

Cựu đại sứ Đức tại Trung Quốc và Nhật Bản Volker Stanzel chung quan điểm: "Nếu trong tương lai, chúng ta có một đối tác ở Washington, điều này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho việc đối phó với các thách thức đến từ Trung Quốc."

Nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump sẽ khiến hầu hết các quan chức EU đỡ phải nghĩ hơn, "nếu Mỹ có một tổng thống giống như ông Donald Trump, chúng tôi sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không có nơi nào để dựa dẫm," Stanzel nói.

"Trớ trêu thay, đối với EU, chiến thắng của Biden sẽ khiến EU khó khăn hơn. Ông ấy có thể sẽ thúc đẩy EU theo hướng đi ra khỏi vùng an toàn của chúng tôi."

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại