Bà Lê Diệp Kiều Trang chính thức rời vị trí Tổng giám đốc Go-Viet. Ứng dụng gọi xe này lần thứ 2 thay đổi vị trí lãnh đạo cao nhất chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
Hồi cuối tháng 4, vị CEO đầu tiên của Go-Viet Nguyễn Vũ Đức rời công ty. Thay thế cho ông Đức ở vị trí này là bà Lê Diệp Kiều Trang, một cái tên quen thuộc trong giới công nghệ tại Việt Nam khi đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng.
Lê Diệp Kiều Trang được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi đáng kể và sự tăng trưởng cho công ty. Tuy nhiên, chỉ sau 5 tháng bà Trang nhậm chức, ghế CEO Go-Viet lại một lần nữa bỏ trống.
Phía Go-Viet đã thông tin về sự thay đổi nhân sự này. "Chúng tôi luôn đặt những kế hoạch và dự định kinh doanh hiệu quả nhất đối với từng thời kỳ lãnh đạo. Tuy nhiên, sau 5 tháng làm việc tại GoViet, bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le) đã quyết định chọn một hướng đi khác.
Chúng tôi đã luôn nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận giữa các bên nhưng đã không có kết quả như mong đợi".
Go-Viet sẽ phải nhanh chóng tìm kiếm nhân sự thay thế và có định hướng mới tại Việt Nam.
Hồi giữa tháng 8, sau một năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Go-Viet cho biết ứng dụng đang dẫn đầu thị trường giao nhận đồ ăn khi kết nối khách hàng với 70.000 nhà hàng và có hơn 1 triệu món ăn trên app GoViet.
Mỗi ngày riêng GoFood tiếp nhận hàng trăm nghìn đơn hàng, tăng trưởng 25-35% mỗi tháng. Ứng dụng này đã có 125.000 tài xế, hoàn thành 100 triệu chuyến xe ở Hà Nội và TP HCM với sự tăng trưởng hơn 400% số lượng đơn hàng.
Đây có thể là những con số khả quan nhưng rõ ràng Go-Viet đang đối mặt với nhiều thách thức hơn thế khi phải tìm kiếm CEO thay thế và đề ra các kế hoạch mới để mở rộng hoạt động tại Việt Nam hay cạnh tranh với đối thủ trong khi thị trường ứng dụng gọi xe vẫn đang là một trong những lĩnh vực nóng nhất.
Grab hiện vẫn là đối thủ sừng sỏ nhất của Go-Viet nhưng tại thị trường Việt Nam hiện nay không chỉ có Grab. Các ứng dụng gọi xe khác cũng đang tạo nên sức ép cạnh tranh không nhỏ cho Go-Viet.
Cũng kể từ đầu năm, các chính sách của Go-Viet liên tục thay đổi và những sự thay đổi này không ít lần gặp phải các phản ứng tiêu cực từ đối tác tài xế.
Gần đây nhất là cuộc tụ tập của hàng trăm tài xế tại trụ sở Go-Viet để kêu gọi đình công và tắt ứng dụng khi Go-Viet công bố áp dụng chính sách thưởng mới hà khắc hơn.
Ngoài ra, trong khi Grab hoàn thiện hệ sinh thái với gần như đầy đủ các dịch vụ từ giao nhận, vận chuyển, giao đồ ăn, tài chính... thì Go-Viet mới chỉ có dịch vụ xe hai bánh, giao đồ ăn và giao hàng.
Ứng dụng này chưa thể triển khai Go-Pay và dịch vụ xe 4 bánh do các vấn đề về giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Đây được xem là một điểm yếu thế nữa của Go-Viet so với đối thủ khi còn thiếu hụt dịch vụ trong hệ sinh thái rộng lớn.