Liên tục rơi vào bẫy việt vị của Triều Tiên, Tổng thống Trump "quay như chong chóng"

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Từ vị trí "bị cáo", Triều Tiên đang trở thành người chủ cuộc chơi. Vị thế của nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng được nâng lên rất nhiều.

Ngày 25/5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông báo hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến được tổ chức tại ngày 12/6 tới tại Singapore. Một trong những lý do ông Trump tuyên bố hủy cuộc gặp là "thái độ tức giận khủng khiếp cũng như thù địch công khai thể hiện trong thông cáo mới đây nhất của ông Kim Jong-un".

Đây là quyết định rất đáng tiếc, trái với mong đợi không chỉ của nhân dân hai miền liên Triều mà còn của tất cả những ai cầu mong cho một nền hoà bình không có vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Trump nghĩ rằng quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh sẽ làm nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "nổi giận khủng khiếp hơn nữa" nhưng điều đó đã không xảy ra. Ông Kim đã không lên tiếng mà chỉ để cho Thứ trưởng Ngoại giao, ông Kim Kye Gwan trả lời qua Thông tấn xã trung ương Triều Tiên:

"Chúng tôi tuyên bố lại với Mỹ rằng chúng tôi sẵn sàng ngồi mặt đối mặt với Mỹ bất cứ lúc nào và bất cứ hình thức nào để giải quyết vấn đề. Cam kết của Triều Tiên làm hết sức mình để đem lại hoà bình và ổn định trên toàn thế giới, trong đó có bán đảo Triều Tiên không có gì thay đổi. Chúng tôi sẵn sàng dành thời gian và cơ hội cho Mỹ".

Ngay sau đó, tức chỉ sau một ngày tuyên bố hủy, ngày 26/5/2018 Tổng thống D. Trump lại tuyên bố cuộc gặp với ông Kim Jong-un vẫn có thể diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore theo lịch trình vì ông "rất hài lòng về tuyên bố ấm áp và mang tính xây dựng từ Triều Tiên".

Liên tục rơi vào bẫy việt vị của Triều Tiên, Tổng thống Trump quay như chong chóng - Ảnh 1.

Triều Tiên cho phá bãi thử hạt nhân trước thềm hội nghị thượng đỉnh dự kiến. Ảnh: AP

Ai là người chủ cuộc chơi trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Quyết định của Tổng thống Trump hủy cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên không mấy bất ngờ. Trong khi chuẩn bị cho cuộc gặp này đã có nhiều trục trặc, quan điểm hai bên rất xa nhau. Mặt khác, với tính khí của ông Trump thì mọi điều có thể xảy ra.

Tôi cho rằng chính Triều Tiên mới là người buộc ông Trump tuyên bố hủy cuộc gặp và cũng chính Triều Tiên là người đã đưa ông Trump trở lại cuộc gặp theo lịch trình chứ không phải Mỹ. Trong vụ này ông Trump đang làm theo ý nguyện của Bình Nhưỡng.

Trước cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến tại Singapore, ngoài việc phê phán Mỹ với những lời lẽ hết sức cứng rắn, Triều Tiên đã chủ động hủy cuộc gặp cấp chuyên viên cao cấp với Hàn Quốc, không trả lời sáu câu hỏi của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được coi là điều kiện tiên quyết cho cuộc gặp và không cử đoàn tiền trạm đến Singapore để cùng phía Mỹ chuẩn bị hậu cần cho cuộc gặp mà không thông báo cho phía Mỹ để cho đoàn Mỹ phải đợi và quay về....

Những thái độ này cho thấy rõ ràng ông Kim Jong-un không muốn gặp Trump với những điều kiện tiên quyết và sức ép của Mỹ. Chính phía Triều Tiên đã nhiều lần tuyên bố sẽ hủy bỏ cuộc gặp với Trump nếu Mỹ tiếp tục giữ thái độ trịch thượng.

Một cuộc gặp gỡ với các điều kiện tiên quyết sẽ chỉ mất thời gian và không đem lại kết quả gì. Trong quan hệ quốc tế, một cuộc gặp cực kỳ quan trọng như thế này chả lẽ một nước lớn như Mỹ lại dễ ràng hủy bỏ chỉ do "thái độ tức giận khủng khiếp" của đối phương hay sao?

Khác với trước đây, không có nước nào ủng hộ tuyên bố của ông Trump. Phản ứng quốc tế hoàn toàn không có lợi cho quyết định của Tổng thống Trump vì ông đã rơi vào cái bẫy việt vị của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Để tạo không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh, phía Triều Tiên đã có nhiều cử chỉ thiện chí: ngừng tất cả các vụ thử hạt nhân, phá hủy bãi thử hạt nhân Ponggye-ri, trao trả cho phía Mỹ ba tù nhân, sẵn sàng phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, bình thường hoá quan hệ với Mỹ.....

Tuy nhiên, thái độ thiện chí của Bình Nhưỡng đã không nhận được hồi âm tích cực của Washington. Mỹ và Hàn Quốc vẫn tổ chức cuộc tập tập trận chung quy mô lớn với tên gọi "Thần Sấm" ngay sát biên giới Triều Tiên mà Bình Nhưỡng coi đây là cuộc tập dượt để xâm lược Triều Tiên.

Hơn thế nữa, Mỹ đã đưa ra điều kiện tiên quyết Triều Tiên phải giao nộp cho Mỹ tất cả kho vũ khí hạt nhân của mình trong vòng sáu tháng và còn kèm theo lời đe dọa nếu không thì ông Kim Jong-un sẽ phải chịu số phận như nhà lãnh đạo Qaddafi của Libya.

Đây là những điều kiện mà bất cứ ai có lòng tự trọng cũng không thể chấp nhận được. Từ vị trí "bị cáo", Triều Tiên đang trở thành người chủ cuộc chơi. Từ chỗ gọi ông Kim Jong-un là "gã tên lửa", ông Trump đã phải gọi "Ngài Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên thân mến". Rõ ràng, vị thế của nhà lãnh đạo Triều Tiên được nâng lên rất nhiều.

Kịch bản nào cho quan hệ Mỹ-Triều Tiên sắp tới?

Washington vẫn quen sử dụng tiếng nói của vũ khí với những nước không đi theo quỹ đạo của Mỹ. Ngay trong bức thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Trump tỏ ra hết sức ngạo mạn: "Lực lượng quân đội của chúng tôi được công nhận là hùng mạnh nhất thế giới sẵn sàng tham chiến khi cần thiết. Năng lực hạt nhân của Mỹ là lớn lao và mạnh mẽ đến nỗi tôi cầu Chúa sẽ không được sử dụng tới nó".

Như vậy không ai có thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay điều đó khó có thể xảy ra. Iran chưa có vũ khí hạt nhân mà Mỹ chưa dám đánh thì phát động một cuộc chiến tranh chống Triều Tiên, một nước có vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo có thể bắn tới lãnh thổ nước Mỹ thì Mỹ phải cất nhắc kỹ hậu quả của nó.

Ngoài ra bất cứ một hành động quân sự nào chống Bình Nhưỡng, Mỹ cần phải tính tới nhân tố Nga và Trung Quốc vừa là những nước đồng minh vừa là những nước có chung đường biên giới với Triều Tiên. Đặc biệt, trong lúc này cộng đồng quốc tế, trước hết là Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực chắc chắn không sẵn sàng ủng hộ Mỹ tấn công Triều Tiên.

Liên tục rơi vào bẫy việt vị của Triều Tiên, Tổng thống Trump quay như chong chóng - Ảnh 3.

Mỹ có thể tăng cường cấm vận Triều Tiên nhưng tác dụng sẽ không nhiều. Hơn 50 năm cấm vận Triều Tiên, Mỹ đã không buộc được Triều Tiên thay đổi thái độ.

Việc Tổng thống Trump tuyên bố sắn sàng nối lại cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un là một bước đi tích cực. Các cuộc thương lượng trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên, đặc biệt là các cuộc gặp gỡ ở cấp cao có ý nghĩa hết sức quan trọng và là biện pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề phi hạt nhân hoá, lập lại hoà bình trên bán đảo Triều Tiên.

Quả bóng đang nằm bên sân của Mỹ. Với tính khí hay thay đổi của Tổng thống Trump, không thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra trong những ngày tới. Một cuộc gặp có thể diễn ra, nhưng các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ không dễ dàng. Đàm phán thành công cần phải dựa trên cơ sở bình đẳng, thiện chí và không có điều kiện tiên quyết. Bình Nhưỡng không thể từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền và an ninh của họ không được đảm bảo.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại