Chỉ vài giờ sau khi Hồng Kông xác nhận trường hợp tái nhiễm COVID-19 chính thức đầu tiên trên thế giới vào thứ hai, các nhà nghiên cứu tại Bỉ cho biết một người phụ nữ nước này cũng đã nhiễm virus SARS-CoV-2 hai lần.
Các chuyên gia virus học sau đó công bố thêm một người cao tuổi ở Hà Lan là trường hợp thứ ba tái nhiễm chính thức với COVID-19. Đối với tất cả các bệnh nhân này, xét nghiệm di truyền đã được sử dụng để so sánh hai phiên bản virus mà họ mắc phải trong lần đầu tiên và lần sau đó.
Kết quả xác nhận đó là hai biến thể virus SARS-CoV-2 khác nhau, khẳng định bệnh nhân đã nhiễm lại COVID-19 nhưng là từ những virus hoàn toàn mới chứ không phải virus còn sót lại trong lần đầu tiên mắc bệnh (người lành mang trùng).
Nhưng một số rất ít bệnh nhân mắc COVID-19 hai lần không thể đại diện cho toàn bộ gần 24 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Những nỗ lực điều trị cho hàng triệu bệnh nhân đã khỏi bệnh không phải là vô nghĩa.
Cơ thể họ vẫn sẽ có các phản ứng miễn dịch có ích để chống lại virus SARS-CoV-2 sau này, dù cho nó có tiến hóa và biến chủng đến đâu đi chăng nữa.
"Tôi không muốn mọi người sợ hãi", Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới về COVID-19, cho biết khi được hỏi về trường hợp tái nhiễm ở Hồng Kông. "Chúng tôi cần đảm bảo mọi người hiểu rằng khi họ bị nhiễm bệnh, ngay cả khi bị nhiễm bệnh nhẹ, họ cũng sẽ phát triển một phản ứng miễn dịch với COVID-19 sau này".
Quan trọng hơn, vắc-xin cũng vẫn là một vũ khí mạnh mẽ để chống lại COVID-19. Có những bệnh nhân tái nhiễm hai lần với một biến thể SARS-CoV-2 mới không có nghĩa là hệ miễn dịch của loài người phải đầu hàng trước virus.
Các trường hợp tái nhiễm mới như ở Bỉ và Hà Lan có thể xuất hiện nhiều hơn nữa
Trường hợp tái nhiễm COVID-19 ở Hà Lan là một người cao tuổi với hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu trước đó. Thông tin này đã được Trung tâm Y tế Đại học Erasmus xác nhận hôm qua 25/8.
Marion Koopmans, một nhà virus học làm việc tại đây cho biết luật bảo mật của Hà Lan chưa cho phép tiết lộ các dữ liệu về ca bệnh này nên chỉ có thể chia sẻ ngắn gọn: "Nếu chỉ dựa vào việc tích tụ kháng thể thì điều đó không có nghĩa là bạn đã miễn dịch với căn bệnh".
Trên thực tế, điều này là đúng. Các nhà khoa học cho biết kháng thể chống lại COVID-19 sẽ giảm dần trong máu và có thể biến mất hoàn toàn sau vài tháng bệnh nhân khỏi bệnh. Nhưng kháng thể không phải là hàng rào phòng thủ duy nhất mà hệ miễn dịch trang bị để chống lại virus và mầm bệnh.
Một người phụ nữ Hà Lan đi qua trạm kiểm soát dịch bệnh và lấy mẫu xét nghiệm hồi tháng 4.
Trong số các tế bào miễn dịch của chúng ta, có một loại tế bào được gọi là tế bào nhớ T. Tế bào nhớ T là một loại tế bào miễn dịch có nhiệm vụ tiêu diệt các tế bào trong cơ thể nếu chúng bị nhiễm bệnh. Đúng như tên gọi, loại tế bào T này có thể ghi nhớ được virus SARS-CoV-2 nếu bạn từng nhiễm nó.
Khi bạn phơi nhiễm với COVID-19 lần thứ hai - dù cho kháng thể của bạn đã cạn kiệt - các tế bào nhớ T vẫn có khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch. Một mặt, chúng sẽ tiêu diệt các tế bào đầu tiên nhiễm virus, mặt khác, chúng sẽ báo ngay cho các tế bào B sản sinh ra kháng thể để tiêu diệt các virus SARS-CoV-2 trôi nổi chưa xâm nhập tế bào.
Đó dường như là những gì đã xảy ra ở Bỉ, nơi một phụ nữ ở độ tuổi 50 đã nhiễm COVID-19 vào tháng 3 rồi lại phải nhận kết quả dương tính lần hai vào tháng 6.
Nhà virus học người Bỉ Marc Van Ranst cũng chưa công khai dữ liệu đằng sau tuyên bố của mình, nhưng ông cho biết người phụ nữ đã phát triển rất ít kháng thể sau lần nhiễm bệnh đầu tiên. Ranst phỏng đoán rằng đó có thể chính là lý do tại sao bà ấy dễ bị tái nhiễm.
Ông không nghĩ người phụ nữ có thể tái nhiễm nhanh chóng đến vậy với một biến thể virus SARS-CoV-2 mới. "Nhưng lượng kháng thể từ lần nhiễm bệnh đầu tiên đã không đủ để ngăn ngừa lần nhiễm bệnh thứ hai", Ranst nói.
May mắn thay, người phụ nữ nhiễm COVID-19 lần thứ hai này đã nhẹ hơn lần trước. Rants cho biết nhiều trường hợp tái nhiễm tương tự thế này có thể sẽ tiếp tục xuất hiện trong những tháng tới, khi khả năng miễn dịch của những bệnh nhân đã một lần khỏi bệnh suy yếu.
"Có thể sẽ có nhiều người sẽ tái nhiễm sau 6 tháng hoặc 9 tháng", ông nói.
Nhà virus học người Bỉ Marc Van Ranst nhận định các ca tái nhiễm COVID-19 sẽ còn xuất hiện nhiều hơn.
Trường hợp tái nhiễm đầu tiên được xác nhận ở Hồng Kông
Hai trường hợp ở Châu Âu đã nâng tổng số các ca tái nhiễm COVID-19 lên con số 3, trong số hàng chục triệu bệnh nhân đã khỏi bệnh và xuất viện.
Các báo cáo trước đây về 260 trường hợp tái nhiễm từ Hàn Quốc vào tháng 4 hóa ra là những trường hợp nhiễm COVID-19 kéo dài, hay còn gọi là người lành mang trùng. Một trường hợp tái nhiễm tiềm ẩn khác đã được báo cáo ở Mỹ vào tháng 6, và 3 trường hợp khác được gắn cờ đỏ vào tháng 7 ở Pháp.
Nhưng 4 trường hợp này chưa được coi là tái nhiễm vì thời gian giữa các lần xét nghiệm dương tính quá ngắn. Các nhà khoa học cũng đã không thực hiện xét nghiệm trình tự di truyền của virus để xác nhận đó là hai virus SARS-CoV-2 khác nhau chứ không phải cùng một loại với nguồn lây nhiễm lần một.
Chỉ tới đầu tuần này, các nhà nghiên cứu từ Đại học Hồng Kông mới xác nhận được "tài liệu đầu tiên trên thế giới về một bệnh nhân đã hồi phục sau COVID-19 nhưng sau đó lại mắc thêm một đợt COVID-19 nữa". Họ sẽ sớm xuất bản bài báo khoa học về ca nhiễm đặc biệt này trên tạp chí Clinical Infection Diseases.
Thông tin ban đầu cho biết đó là một người đàn ông 33 tuổi khỏe mạnh, đã từng nhiễm COVID-19 vào tháng 3, nhưng lại mắc lại vào đầu tháng 8 sau khi từ Tây Ban Nha trở về Hồng Kông. Ca bệnh này chia sẻ một đặc điểm với ca bệnh ở Bỉ. Đó là lần nhiễm thứ hai nhẹ hơn lần nhiễm đầu.
Trong khi người đàn ông này từng bị sốt, ho và đau đầu trong lần mắc COVID-19 đầu tiên, lần nhiễm thứ hai của anh ấy không hề có triệu chứng.
Các chuyên gia y tế không bất ngờ, người dân không nên hoảng sợ
Nhiều nhà dịch tễ học đã dự đoán trước được rằng sẽ có những trường hợp tái nhiễm COVID-19 như thế này.
Florian Krammer, một nhà khoa học vắc-xin và chuyên gia về virus học tại Trường Y Icahn, New York, từng trả lời phỏng vấn với Business Insider rằng: "Bạn có thể bị nhiễm COVID-19 nhiều lần, một khi khả năng miễn dịch của bạn suy giảm".
Do đó, 3 trường hợp tái nhiễm này không phải là một lý do chính đáng để hoảng sợ. Nó hoàn toàn nằm trong tính toán của các chuyên gia và cả nhà sản xuất vắc-xin để bảo vệ chúng ta.
"Sẽ có ai đó bị tái nhiễm, điều đó không khiến tôi lo lắng", Koopmans nói với Reuters. Điều mà chúng ta cần làm là phải xem liệu các trường hợp tái nhiễm có xảy ra thường xuyên hay không? Và lần nhiễm bệnh thứ hai có giống với lần trước, nó sẽ nhẹ hơn hay nặng hơn?
May mắn thay, Krammer cho biết các bệnh nhân tái nhiễm với COVID-19 hiện đều có các triệu chứng nhẹ hơn lần mắc bệnh trước đó. Điều này cho thấy các cơ chế ghi nhớ mầm bệnh để bảo vệ cơ thể của hệ miễn dịch là hiệu quả.
"Rất có thể nếu bạn bị tái nhiễm, COVID-19 sẽ giảm độc lực", Krammer nói. Điều này cũng có thể đúng với các vắc-xin đang được phát triển: Ngay cả khi chúng không bảo vệ mọi người 100% khỏi COVID-19, vắc-xin cũng có thể giúp hệ thống miễn dịch của chúng ta chống lại căn bệnh này tốt hơn.
Tham khảo Businessinsider