Mới đây nhất, vào ngày 13/7, lãnh đạo TP Sầm Sơn, (Thanh Hóa) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ cháy nhà nghiêm trọng khiến 2 bà cháu tử vong thương tâm. Trước đó, ngày 8/7, một vụ cháy nghiêm trọng đã xảy ra tại ngõ Thổ Quan (Đống Đa, Hà Nội) khiến 3 người bị mắc kẹt và tử vong. Một vụ cháy ở Hà Đông (Hà Nội) xảy ra sáng 13/5 cũng khiến 4 bà cháu tử vong.
Điều khiến nhiều người phải bàng hoàng, đau xót hơn cả khi nạn nhân trong vụ hoả hoạn này đều là người già và trẻ nhỏ. Thực tế đã cho thấy rằng, hiện nay, phần lớn người dân vẫn chưa thật sự coi trọng, có kỹ năng trong việc nắm bắt, trang bị các kỹ năng, kiến thức này để bảo vệ chính mình và những người thân trong gia đình.
Thiếu tá Đỗ Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an Thành phố Hà Nội đã rất trăn trở khi thông qua công tác chia sẻ, phổ biến kiến thức về pháp luật, kiến thức về an toàn phòng cháy chữa cháy thấy rằng, hiện nay người dân chúng ta nắm bắt những kiến thức này còn rất sơ sài. Chủ yếu người dân tìm hiểu, nghe qua các phương tiện thông tin đại chúng, chứ chưa thực sự nghĩ rằng đấy là trách nhiệm với người thân, với xã hội.
"Đơn cử như khi chúng tôi tổ chức tuyên tuyền tại các khu chung cư hoặc khu tập thể, đa phần chỉ có người già, trẻ nhỏ, hoặc là người giúp việc đi để học, để tham gia những buổi tập huấn đó. Mà thực sự những người có sức khỏe, khi trong trường hợp khẩn cấp xảy ra, họ là những người đóng vai trò chính trong việc đảm bảo an toàn cho người thân của mình trong quá trình tham gia thoát nạn thoát hiểm hoặc là ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp." - thiếu tá Đỗ Tuấn Anh cho biết.
Thiếu tá Đỗ Tuấn Anh đang hướng dẫn kỹ năng chữa cháy cho người dân và các em học sinh.
Không chỉ vậy, việc trang bị thiết bị an toàn trong gia đình hiện nay cũng rất còn hạn chế, không phải nhà nào cũng có bình cứu hỏa. Người dân ở dạng nhà ống thông thường lại càng rất ít trang bị các phương tiện như vậy, mặc dù tính hữu ích của nó khi xảy ra cháy nổ là rất cao. Còn ở chung cư, người dân hầu như chỉ trông chờ vào việc trang bị của tòa nhà, của chủ đầu tư các công trình đó còn trong gia đình, căn hộ thường là không có.
Những kỹ năng quan trọng để thoát hiểm khi xảy ra hoả hoạn
Thiếu tá Đỗ Tuấn Anh cho rằng, đối với cháy nổ trong gia đình, khi đó chúng ta cần phải ưu tiên đảm bảo an toàn cho người già và đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ. Chính vì vậy, phụ huynh nên có sự hướng dẫn cho con em mình khi thoát nạn thoát hiểm, tuyệt đối không để các em tự ý sử dụng các trang thiết bị, phương tiện để chữa cháy, hoặc là làm các hành động vượt ngoài tầm kiểm soát và thiếu đi sự an toàn.
Hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hoả hoạn cho trẻ là điều vô cùng quan trọng. (Ảnh minh hoạ)
Theo Thiếu tá Đỗ Tuấn Anh, có một số kỹ năng quan trọng cần phải lưu ý để thoát hiểm an toàn khi xảy ra hoả hoạn tại gia đình:
- Khi thoát nạn, thoát hiểm người dân cần chú ý nếu trong môi trường có khói khí độc thì việc đầu tiên chúng ta phải làm đó là đảm bảo sự an toàn cho cơ quan hô hấp bằng cách sử dụng các loại khăn ẩm, khẩu trang bịt mũi, bịt miệng.
- Khi thoát hiểm phải di chuyển theo phương pháp di chuyển thấp người, men theo một bên tường, hướng ra phía cửa. Đồng thời khi người dân cần phải thoát nạn thoát hiểm từ trong các phòng hoặc chúng ta di chuyển để thoát nạn ra bên ngoài. Lưu ý phải kiểm tra nhiệt độ của cánh cửa, tay nắm cửa bằng cách sử dụng mu bàn tay đặt nhẹ lên bề mặt của các vật liệu đó bởi vì khu vực chúng ta thoát ra chưa chắc là bên kia đã an toàn, mà cũng có thể ở đó đang xảy ra cháy. Khi mở cửa chúng ta cũng chú ý nép vào một bên cửa, tránh hiện tượng do đám cháy tạt lửa vào cơ thể chúng ta nên chúng ta cần phải đảm bảo việc đó.
- Trong trường hợp ngọn lửa bùng phát bao trùm toàn bộ khu vực hành lang, cầu thang, ví dụ như các chung cư cao tầng, không nên tiếp tục thoát nạn theo đường đó, mà cần phải giữ sự an toàn cho mình ở trong phòng, bằng cách ngăn không cho khói khí độc lan vào phòng qua các khe cửa bằng cách chèn khăn ẩm vào các khe cửa đó. Đồng thời chúng ta cũng ra các khu vực thoáng để có thêm oxy để tồn tại và có thể ra hiệu báo cho bên dưới, với điều kiện các khu vực này không có các khói khí độc lan lên.
Giáo dục kiến thức phòng cháy chữa cháy trong trường học là vấn đề quan trọng để hạn chế những hậu quả thương tâm xảy ra do hoả hoạn.
Để phòng chống cháy nổ tốt nhất cho gia đình của mình, việc đầu tiên đó là ở tại các khu vực sinh sống, người dân cần phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt lưu ý, ngoài trang bị kỹ năng cũng cần bổ sung các thiết bị phòng cháy chữa cháy cho gia đình mình.
Thiếu tá Đỗ Tuấn Anh chỉ ra, người dân nên tìm các sản phẩm do các nhà phân phối chính hãng và đồng thời có tem kiểm định của cơ quan chức năng để đảm bảo rằng thiết bị đó đạt tiêu chuẩn, được lưu thông trên thị trường. Thông thường loại bình chất lượng cao thì hàm lượng chất chữa cháy trong bình rất lớn. Khi mua, người dân nên kiểm tra thử các loại bình đó bằng cách sục thẳng vòi phun của bình chữa cháy xuống chậu nước và phun. Tất cả những chất nào là chất ngăn cháy, chất chống cháy sẽ nổi lên trên bề mặt nước và những chất nào không phải là chất ngăn cháy nó sẽ lắng xuống dưới nước. Như vậy chúng ta có thể thấy được hàm lượng của nó như thế nào để chúng ta biết được cơ bản về chất lượng của các loại bình đó.
Không thể chỉ trông đợi vào lực lượng chức năng mà mỗi người dân cần xem việc phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm của chính mình. Bởi có câu "nước xa không cứu được lửa gần", vì vậy để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, quan trọng chính là ý thức và sự chung tay từ chính mỗi người chúng ta.