Liên minh năng lượng sạch

Hạnh Chi |

Saudi Arabia sẽ tận dụng mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản để sản xuất hơn 500.000 ô tô điện/năm vào cuối thập niên này.

Diễn đàn Đầu tư Saudi Arabia - Nhật Bản vừa kết thúc tại thủ đô Riyadh với 15 thỏa thuận đầu tư chiến lược thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như kim loại, hàng hải, hóa dầu, ô tô, năng lượng sạch và nhiều lĩnh vực khác được ký kết, trong bối cảnh hai nước tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế song phương.

Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Saudi Arabia, sau Ấn Độ và Trung Quốc. Khoảng 100 công ty Nhật Bản đang đầu tư vào Saudi Arabia. Chính quyền Riyadh đặt mục tiêu thu hút nguồn đầu tư trị giá 3.300 tỷ USD từ Nhật Bản vào năm 2030. Saudi Arabia cũng đặt mục tiêu xây dựng 5 khu công nghiệp ven biển lớn nhất thế giới ở vùng Ras Al-Khair. Tuy nhiên, các thỏa thuận vừa ký kết ngày 26-12 chủ yếu tập trung vào hợp tác năng lượng.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Đầu tư Saudi Arabia Khalid Al-Falih khẳng định quốc gia Trung Đông này đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia năng lượng hàng đầu thế giới khi hai nước có ý định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi đã ký bản ghi nhớ (MoU) hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng sạch như nền kinh tế carbon tuần hoàn (CCE), tái chế carbon, hydro sạch...

Saudi Arabia sẽ tận dụng mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản để sản xuất hơn 500.000 ô tô điện/năm vào cuối thập niên này. Trong khi đó, Nhật Bản có kế hoạch tăng cường quan hệ hợp tác với Saudi Arabia trong các lĩnh vực như khử carbon, cơ sở hạ tầng và năng lượng. Hai bên đồng ý, để hiện thực hóa một xã hội trung hòa carbon, cần tập trung vào khí thải hơn là các nguồn năng lượng, thông qua việc triển khai hiệu quả CCE (tập trung giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chất thải…) và các công nghệ tái chế carbon, nguyên vật liệu, linh kiện và sản phẩm giữ được giá trị lâu nhất có thể.

Nhật Bản hiện phụ thuộc chủ yếu vào nguồn dầu thô và khí đốt nhập khẩu từ các quốc gia vùng Vịnh, lên đến 90% nhu cầu trong nước, trong đó Saudi Arabia và UAE chiếm khoảng 75%. Dễ thấy rằng, bất cứ diễn biến căng thẳng nào xảy ra ở Trung Đông sẽ tiếp tục khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng khủng hoảng năng lượng. Tình thế bấp bênh năng lượng này là lý do thúc đẩy Nhật Bản đầu tư mạnh vào Trung Đông hơn. Những thỏa thuận vừa đạt được với Riyadh sẽ giúp Tokyo có thể tránh những diễn biến xấu đe dọa an ninh năng lượng khi hai bên cùng tuyên bố, Saudi Arabia tiếp tục là nguồn cung cấp dầu thô lớn nhất của Nhật Bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại