Liên minh châu Âu và Mỹ có chia rẽ khi thực hiện tịch thu tài sản của Nga?

Lê Dũng |

Hãng tin Reuters trích dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao thuộc Liên minh châu Âu (EU) hôm qua cho biết khả năng Liên minh này thực hiện việc tịch thu tài sản của Nga để viện trợ cho Ukraine rất khó xảy ra do lo ngại rủi ro trong vấn đề pháp lý.

Theo nguồn tin, việc tịch thu tài sản của Nga vẫn là vấn đề nan giải đối với Liên minh châu Âu, đến nay các quốc gia thành viên vẫn chưa đạt được đồng thuận về vấn đề này.

Vị quan chức này thông tin thêm về việc Nhóm các nền kinh tế phát triển G7 có kế hoạch thảo luận về tính hợp pháp của hành động trên tại cuộc họp vào tháng 2 sắp tới theo đề nghị từ phía Mỹ. Tuy nhiên, việc này được dự báo sẽ không đạt được nhiều kết quả do vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.

Liên minh châu Âu và Mỹ có chia rẽ khi thực hiện tịch thu tài sản của Nga?- Ảnh 1.

Việc tịch thu tài sản của Nga vẫn là vấn đề nan giải đối với Liên minh châu Âu. Ảnh: EPA-EFE

Trong một diễn biến liên quan, trả lời trước truyền thông ngày hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Bỉ và Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg đều cho rằng cần phải “hết sức thận trọng” khi thảo luận về việc tịch thu tài sản của Nga, đồng thời cảnh báo hành động này có thể gây ra những bất ổn tài chính trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng đến uy tín của Liên minh châu Âu trên trường quốc tế, thậm chí có thể khiến các nhà đầu tư rút tiền khỏi châu Âu vì lo ngại tài sản của họ cũng sẽ bị tịch thu.

Các nhà phân tích cho rằng, thay vì tịch thu tài sản của Nga, các thành viên Liên minh châu Âu có thể sẽ nghiên cứu đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 12 năm ngoái về việc sử dụng các khoản lợi nhuận phát sinh từ khối tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine. Theo tính toán của các chuyên gia, hành động này nếu được thực hiện có thể cung cấp khoảng 15-17 tỷ euro trong vòng 4 năm cho Ukraine.

Hiện Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Canada đang phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga kể từ năm 2022, thời điểm nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine. Khoảng 200 tỷ USD trong số đó nằm ở châu Âu, chủ yếu ở cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear của Bỉ.

Về phần mình, chính quyền Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng việc tịch thu tài sản Nga là hành vi “trộm cắp”, vi phạm luật pháp quốc tế và gây tổn hại sâu sắc cho hệ thống tài chính toàn cầu, đồng thời khẳng định Nga sẽ đáp trả bằng cách tịch thu tài sản ước tính trị giá hơn 288 tỷ USD của các cá nhân, tổ chức phương Tây hiện đang ở nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại