Khối 27 nước hành động, loạt chiến hạm sẵn sàng xuất kích: Biển Đỏ nóng giãy vì tên lửa Houthi

Nhật Minh |

Cảm giác cấp bách đối với EU đã tăng lên sau khi Anh-Mỹ phát động tập kích quy mô lớn vào các mục tiêu của Houthi.

Phái đoàn hải quân EU

Tờ Euractiv (Bỉ) đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) - với 27 quốc gia thành viên - đang cân nhắc điều phái đoàn hải quân tới Biển Đỏ để bảo vệ tuyến đường vận tải quan trọng trước các cuộc tấn công của lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen.

Các đại sứ EU dự kiến sẽ thảo luận đề xuất liên quan do Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu (EEAS) đệ trình vào ngày 16/1 tới.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh liên quân Anh-Mỹ vừa tiến hành các đợt tập kích quy mô lớn nhằm vào Houthi.

Euractiv cho biết, kể từ giữa tháng 10/2023, Houthi đã bắt đầu triển khai máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào các tàu thương mại của Israel ngoài khơi bờ biển Yemen, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dọc theo các tuyến đường chính ở Biển Đỏ và vịnh Aden.

Liên minh 27 nước hành động, loạt chiến hạm sẵn sàng xuất kích: Biển Đỏ nóng giãy vì tên lửa Houthi- Ảnh 1.

EU đang cân nhắc điều phái đoàn hải quân tới Biển Đỏ. Ảnh: Politico

EU muốn bảo vệ các tuyến đường vận tải ở Biển Đỏ nhưng họ đang gặp khó khăn trong việc cân nhắc giữa quyết tâm ngăn chặn hành động hung hãn của Houthi và rủi ro kích động một cuộc chiến tranh quy mô rộng lớn hơn ở Trung Đông.

Đề xuất này đề cập tới việc khởi xướng "một chiến dịch mới của EU" với khu vực hoạt động rộng lớn hơn, từ Biển Đỏ cho đến vùng Vịnh.

Hiện chưa có thông tin chính thức về quy mô, phạm vi và thành phần của phái đoàn hải quân mà EU chuẩn bị điều động, nhưng theo đề xuất, phái đoàn này sẽ bao gồm "ít nhất 3 khinh hạm hoặc tàu khu trục phòng không có khả năng thực hiện đa nhiệm vụ".

Thời hạn thực hiện sứ mệnh là ít nhất 1 năm. Các nhà ngoại giao EU đang đặt mục tiêu khởi động chiến dịch càng sớm càng tốt.

Hai phương án

EU có thể sẽ lựa chọn một trong hai phương án:

- Hỗ trợ cho liên minh "Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng" (Operation Prosperity Guardian) do Mỹ dẫn đầu. 

Theo Politico, liên minh đặc biệt của Mỹ cho đến nay gồm 20 đối tác, nhiều quốc gia thuộc EU, nhưng chỉ có 13 đối tác sẵn sàng tiết lộ sự tham gia của họ.

- Tham gia vào Agenor - hoạt động giám sát chung do Pháp dẫn đầu với phạm vi hoạt động bao phủ toàn bộ vùng Vịnh, eo biển Hormuz và một phần Biển Ả Rập. Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ sứ mệnh Nhận thức Hàng hải Châu Âu tại Eo biển Hormuz (EMASoH).

Hiện tại, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, Hà Lan, Na Uy và Bồ Đào Nha đang tham gia Agenor.

Ban đầu, EU có ý định tận dụng sứ mệnh chống cướp biển Atalanta - vốn đang hoạt động ở Ấn Độ Dương và bảo vệ tuyến đường hàng hải gần Somalia. Tuy nhiên, Tây Ban Nha phản đối ý tưởng sử dụng Atalanta cho mục đích ở Biển Đỏ.

Liên minh 27 nước hành động, loạt chiến hạm sẵn sàng xuất kích: Biển Đỏ nóng giãy vì tên lửa Houthi- Ảnh 2.

Máy bay Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh trở lại Akrotiri sau khi không kích mục tiêu Houthi ở Yemen đêm 11/1. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, mặc dù tỏ ý sẵn lòng tham gia vào sứ mệnh mới của EU nếu được thiết lập nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles ngày 12/1 khẳng định rằng, nước này sẽ không gia nhập bất cứ sứ mệnh hải quân nào của EU ở Biển Đỏ.

"Ngay từ đầu, chúng tôi đã nói rằng Tây Ban Nha, vào thời điểm này, sẽ không tham gia vào hoạt động tại Biển Đỏ, bởi vì chúng tôi đang cam kết mạnh mẽ với các sứ mệnh khác, trong trường hợp này là sứ mệnh Atalanta ở Ấn Độ Dương (...), một nhiệm vụ đang đòi hỏi rất nhiều" - Bà Robles nêu rõ.

Mặc dù Madrid không đưa ra lý do chính thức nhưng các phương tiện truyền thông Tây Ban Nha đưa tin rằng, mâu thuẫn chính trị nội bộ là nguyên nhân dẫn đến sự từ chối này.

Trong chính phủ liên minh của Tây Ban Nha có một đảng phái chính trị nghiêng về cánh tả và có quan điểm kiên định hoặc cứng rắn, đó là Đảng Sumar. Đảng này có xu hướng không đồng tình hoặc thậm chí phản đối một số chính sách, đặc biệt là chính sách đối ngoại của Mỹ.

"Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào việc liệu các quốc gia thành viên có sẵn lòng tiến hành nhanh chóng hay không" - một nhà ngoại giao EU chia sẻ.

Trước đó, các nước phương Tây đã tỏ ra chia rẽ khi liên quân Anh-Mỹ tấn công Houthi.

Các quan chức Mỹ cho biết Hà Lan, Úc, Canada và Bahrain đã hỗ trợ hậu cần và tình báo cho chiến dịch của Anh-Mỹ. Bên cạnh đó, Đức, Đan Mạch, New Zealand và Hàn Quốc đã ký một tuyên bố chung với 6 quốc gia kể trên nhằm thể hiện sự ủng hộ cho các cuộc tấn công.

Theo một nguồn tin trong Văn phòng Thủ tướng Giorgia Meloni, Ý đã từ chối ký vào tuyên bố và không tham gia chiến dịch vì những lý do khác nhau. Một quan chức Pháp thì cho biết Paris lo ngại rằng nếu tham gia các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu, họ sẽ khó có thể tiếp tục đàm phán hòa giải giữa Hezbollah và Israel.

Theo Euractiv, động lực thúc đẩy EU cân nhắc thành lập phái đoàn hải quân đã có trước khi Mỹ-Anh tấn công Houthi ngày 12/1. Tuy nhiên, cảm giác cấp bách đã tăng lên sau sự kiện này. Các tàu hiện phải chuyển hướng tránh xa Biển Đỏ và những gián đoạn đáng kể đối với chuỗi cung ứng toàn cầu đang gia tăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại