Liên kết bao tiêu, 1 công ty “ôm” gần 3 tỷ đồng tiền lúa của nông dân

Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL |

Theo hợp đồng, công ty đầu tư giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật và trừ vào tiền mua lúa vào cuối vụ nhưng đến nay vẫn còn thiếu nợ của 57 hộ dân tổng số hơn 2,8 tỷ đồng.

Những ngày qua, nhiều hộ dân ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang bức xúc phản ánh về việc bị công ty TNHH hữu cơ Thuận Thiên (gọi tắt công ty Thuận Thiên) có trụ sở tại 536/3, Nguyễn Thị Đặng, phường Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM nợ tiền lúa khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Ông Cao Văn Tân giám đốc HTX Thạnh Lợi ở xã Thạnh Đông A cho biết, công ty nợ tiền lúa của 13 hộ dân trong HTX là hơn 1,6 tỷ đồng, riêng gia đình ông là hơn 100 triệu đồng đến nay đã hơn 3 tháng. Trong quá trình chăm sóc, công ty còn yêu cầu người dân tạm ứng cho công ty hơn 25 triệu đồng để công ty mua một số loại thuốc bảo vệ thực vật. Vậy mà sau mấy tháng chăm sóc, bán lúa cho công ty để rồi giờ đây người dân trắng tay, phải cầu cứu các cơ quan chức năng.

“Người dân cực khổ làm ra hạt lúa nhưng đến nay công ty chưa trả một đồng nào cho bà con để trang trải cuộc sống. Người dân mong muốn cơ quan chức năng giúp đỡ bà con lấy lại tiền, vì trước nay bà con vẫn tin tưởng có cán bộ xã, phòng nông nghiệp bà con mới làm”, ông Tân bức xúc.

Liên kết bao tiêu, 1 công ty “ôm” gần 3 tỷ đồng tiền lúa của nông dân - Ảnh 1.

Người nông dân chỉ trông chờ vào vụ mùa thu hoạch lúa để có tiền trang trải cuộc sống.

Theo đó, tháng 3/2022, Tổ kinh tế kỹ thuật xã và Phòng Nông nghiệp huyện Tân Hiệp đưa Công ty TNHH hữu cơ Thuận Thiên đến trụ sở ấp Thạnh Lợi để triển khai hợp đồng làm lúa ST25 hữu cơ với bà con nông dân. Có 13 hộ trong HTX ký hợp đồng hơn 292 công, trong đó có ông Tân.

Lúc đó, ông Nguyễn Minh Quyền, Phó Giám đốc công ty đến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bao tiêu năng suất 700kg/công tầm lớn (1 công gần 1.300m2). Nếu làm không đủ thì công ty bù đủ 700kg lúa tươi/công cho bà con với giá 7.900 đồng/kg lúa tươi. Theo hợp đồng, công ty đầu tư giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ cho bà con mỗi công hơn 1,6 triệu đồng và sẽ trừ vào tiền mua lúa vào cuối vụ. Bà con nông dân phải làm theo đúng quy trình bên công ty đưa ra, nếu nông dân nào làm sai quy trình bị phạt 10 triệu đồng. Công ty có cử cán bộ kỹ thuật về để cùng nông dân chăm sóc, giám sát theo quy trình.

Đến vụ thu hoạch lúa Hè Thu vừa qua, công ty cho người vào giám sát việc thu hoạch lúa và điều ghe vào chở lúa đi, hẹn 3 ngày sau vào thanh toán nhưng đến nay công ty vẫn chưa thanh toán tiền lúa cho bà con. Người dân đã làm đơn đến các cấp chính quyền nhờ giải quyết.

Còn ông Nguyễn Đình Dũng, người dân ở thị trấn Tân Hiệp bức xúc cho biết, Công ty TNHH hữu cơ Thuận Thiên có ký hợp đồng với 15 hộ dân ở tập đoàn 7 ấp Đông Bình và hiện công ty còn nợ người dân gần 1 tỷ đồng, riêng gia đình ông là hơn 37 triệu đồng. Đã hơn 4 tháng trôi qua, người dân cũng đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

“Lúa thu hoạch xong công ty chở đi nhưng 1 tháng sau mới trả được 1/2 số tiền, số tiền còn lại đến nay đã hơn 4 tháng chưa có động tĩnh gì. Người dân hiện giờ không có tiền để trả chi phí, đầu tư làm đất, mua giống cho vụ tới”, ông Dũng lo lắng.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Tân Hiệp cho biết, ngày 11/3, Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức hội nghị tổng kết Đông Xuân 2021-2022, triển khai vụ lúa Hè Thu 2022 có mời 11 công ty liên kết sản xuất tham dự, trong đó có công ty Thuận Thiên. Sau đó phòng phối hợp cùng các công ty, UBND các xã, thị trấn, các HTX tiến hành triển khai những nơi có nhu cầu đăng ký liên kết sản xuất. Trong đó Công ty Thuận Thiên thực hiện chính sách 599ha (tương đương 4.622 công tầm lớn), mỗi công tầm lớn bao năng suất 700kg/công, giá thu mua 7.900 đồng/kg. Có 217 hộ ở 6 xã tham gia nhưng công ty mới chỉ chi trả được gần 7 tỷ đồng.

Hiện nay, Công ty Thuận Thiên còn thiếu nợ tiền lúa của 57 hộ dân với tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Trong đó, riêng HTX Thạnh Lợi - Thạnh Đông A, ông Nguyễn Minh Quyền, Phó Giám đốc công ty tự in hợp đồng đưa cho 13 hộ dân ký, nhưng ông Quyền không ký mà đưa hợp đồng về nhà giữ. Ngày 2/8/2022 ông Quyền lấy hết 153 tấn lúa của nông dân nhưng không trả tiền cho đến nay.

Ồng Bùi Quốc Duy, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tân Hiệp cho biết, Công an huyện đã thụ lý hồ sơ để điều tra vụ việc, sớm giải quyết dứt điểm đảm bảo quyền lợi cho người dân./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại