Liên hợp quốc cảnh báo các chính phủ, nhà lãnh đạo doanh nghiệp và ngân hàng phát triển chỉ còn 2 năm để hành động nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Thậm chí, chúng ta còn có ít thời gian hơn để hành động nhằm có được nguồn tài chính đằng sau một sự thay đổi lớn như vậy, người đứng đầu cơ quan khí hậu của Liên hợp quốc cho biết.
Trong bối cảnh các chính phủ trên thế giới phải đối mặt với thời hạn năm 2025 cho các kế hoạch mới và mạnh mẽ hơn nhằm hạn chế ô nhiễm carbon, gần một nửa dân số thế giới sẽ bỏ phiếu bầu cử trong năm nay và các cuộc họp tài chính toàn cầu quan trọng vào cuối tháng 4 này tại Washington, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Simon Stiell cho biết. Ông Simon Stiell khẳng định hành động trong 2 năm tới là "cần thiết".
"Chúng ta vẫn có cơ hội làm giảm lượng khí thải nhà kính bằng các kế hoạch khí hậu quốc gia thế hệ mới. Nhưng bây giờ chúng ta cần những kế hoạch mạnh mẽ hơn", ông Stiell nói trong bài phát biểu tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London, Anh. Ông Stiell cảnh báo vấn đề Trái đất nóng lên đang dần chệch ra khỏi chương trình nghị sự của các chính trị gia trên thế giới.
Ông Stiell cho biết hạn hán phá hủy mùa màng đã thúc đẩy nhu cầu hành động mạnh mẽ hơn để hạn chế khí thải và giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu, điều này có thể thúc đẩy an ninh lương thực và giảm bớt nạn đói. Stiell nói: "Việc cắt giảm ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch sẽ đồng nghĩa với việc có sức khỏe tốt hơn và tiết kiệm rất lớn cho chính phủ cũng như các hộ gia đình".
Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Simon Stiell phát biểu tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London, Anh (Ảnh: X/@simonstiell)
Theo tính toán của Chính phủ Mỹ, nồng độ carbon dioxide và methane trong không khí vào năm 2023 đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, trong khi các nhà khoa học tính toán rằng lượng khí thải carbon dioxide trên thế giới đã tăng 1,1%. Năm 2023 là năm nóng kỷ lục cho đến nay, các nhóm giám sát nhiệt độ toàn cầu kết luận.
Theo ông Stiell, nếu lượng khí thải carbon dioxide và methane từ việc đốt than, dầu và khí tự nhiên tiếp tục tăng hoặc không bắt đầu giảm mạnh, điều đó "sẽ làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng tổng thể giữa các quốc gia, cộng đồng giàu nhất và nghèo nhất thế giới" - thực trạng đang trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu.
Ông Stiell kêu gọi các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - vốn chiếm 80% tổng lượng khí thải toàn cầu - phải có những động thái khẩn trương và quyết liệt hơn. Quan chức của Liên hợp quốc đồng thời nhấn mạnh cần huy động thêm nguồn lực tài chính để đối phó với biến đổi khí hậu thông qua cơ chế miễn trừ nợ và cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các nước nghèo, cũng như các nguồn tài chính quốc tế mới như thuế phát thải đối với ngành vận tải biển.