Liên Hợp Quốc cân nhắc yêu cầu ngừng bắn tại Syria trong 30 ngày

Phạm Hà |

Trước vòng xoáy bạo lực tại Syria, HĐBA Liên Hợp Quốc đang cân nhắc về nghị quyết yêu cầu ngừng bắn 30 ngày để tạo điều kiện cho công tác nhân đạo.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang cân nhắc một dự thảo nghị quyết yêu cầu ngừng bắn 30 ngày tại Syria nhằm tạo điều kiện thực hiện phân phát viện trợ nhân đạo khẩn cấp.

Với cuộc chiến bước sang năm thứ 8, cướp đi mạng sống của hơn 500.000 người, tình hình bạo lực tại Syria không có dấu hiệu giảm mà thậm chí còn gia tăng. Những lệnh ngừng bắn liên tục được đưa ra nhưng dường như chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Dự thảo do Thụy Điển và Kuwait đề xuất, theo đó tất cả các bên tham gia cuộc xung đột tại Syria sẽ ngay lập tức tuân thủ ngừng bắn nhân đạo và dừng bạo lực trên khắp Syria trong thời gian 30 ngày liên tiếp, đồng thời cho phép các bên sơ tán y tế trong vòng 48 giờ sau khi lệnh ngừng bắn này được triển khai.

Lương thực, thuốc men và các vật dụng quan trọng khác sẽ được chuyển đến người dân hàng tuần, đặc biệt là những người dân đang ở các khu vực bị vây hãm. Liên Hợp Quốc trước đó tiếp tục kêu gọi thực hiện lệnh ngừng bắn tại Syria để thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Rheal Leblanc nhấn mạnh: “Liên Hợp Quốc rất lo ngại về tình hình giao tranh đang diễn ra tại Đông Ghouta và tác động của xung đột với gần 400.000 dân thường đang trong khu vực phong tỏa. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên cần phải chịu trách nhiệm bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng theo luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế".

Dự kiến các bên bắt đầu đàm phán về dự thảo đề xuất vào ngày 12/2 tới và các nhà ngoại giao cho biết dự thảo có thể nhanh chóng được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cũng kêu gọi chấm dứt các cuộc không kích và mở hành lang nhân đạo tại Syria: “Những gì đang diễn ra tại Syria rất phức tạp với các cuộc không kích lớn đang được thực hiện. Chúng tôi kêu gọi sớm chấm dứt các cuộc không kích và hối thúc mở một hành lang nhân đạo vì dân thường đang là mục tiêu của các vụ tấn công. Cuộc chiến tại những khu vực như Idlib hay Ghouta là không thể chấp nhận được”.

Tuy nhiên, phía Nga cho rằng áp đặt lệnh ngừng bắn là "không thực tế" vì nhiều khả năng các nhóm vũ trang chống chính phủ không tuân thủ lệnh này. Khủng hoảng Syria hiện cũng là một trong những trọng tâm chính trong chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt đầu từ ngày 11/2.

Sau nhiều năm xung đột, tình hình bạo lực tại Syria không hề có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí thời gian gần đây lại trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù tuyên bố chiến thắng trước nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, nhưng các tay súng IS còn lại vẫn đang tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào người dân.

Mối lo ngại nghiêm trọng hơn với người dân Syria hiện lại là một cuộc chiến chồng lấn với việc Syria bị chia thành nhiều khu vực với các chiến dịch quân sự vì những mục tiêu lợi ích khác nhau của các bên liên quan. Các cường quốc theo đuổi lợi ích quyền lực, lãnh thổ và chiến lược của riêng mình trong khi dân thường đang phải trả giá bằng máu.

Một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria cũng đang xa vời hơn bao giờ hết với các cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hợp Quốc bảo trợ không đạt được kết quả.

Khi các mối đe dọa gia tăng, quốc gia Trung Đông này lại chứng kiến một làn sóng sơ tán mới, với ít nhất 300.000 người sơ tán tại tỉnh Idlib từ tháng 12/2017. Kể từ khi xung đột xảy ra tại Syria, một nửa dân số đất nước đã phải đi sơ tán, với 6 triệu người sơ tán sang các nước khác./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại