Từ khu vực Trung Đông nhiều hỗn loạn đến châu Á, châu Âu, thậm chí cả châu Phi, nơi nào cũng nỗ lực đầu tư vào thiết kỵ để giành lợi thế.
Kỵ binh hạng nặng
Thế kỷ IV trước Công nguyên, người Sarmatia - dân tộc gốc gác Thổ Nhĩ Kỳ, di cư từ Trung Á đến dãy núi Ural phân chia 2 châu lục Á - Âu bất ngờ giành thắng lợi lớn trước lực lượng quân sự đông và mạnh áp đảo của người Scythia, dân tộc thống trị vùng Thảo nguyên Hắc Hải. Chìa khóa khiến dân tộc nhỏ bé này đẩy lùi người Scythia chính là thiết kỵ, đội quân không sợ đao thương.
Mặc dù thành công nhờ thiết kỵ, người Sarmatia không phải dân tộc sáng kiến mà là người Medes và người Ba Tư, 2 dân tộc Iran cổ đại. Họ sinh sống trên những thảo nguyên Trung Á rộng mênh mông và sớm sở hữu rất nhiều ngựa. Một trong các giống ngựa được 2 dân tộc này yêu thích nhất là ngựa Nisaia. Chúng có kích thước to lớn và sức mạnh vô song, rất thích hợp để huấn luyện làm ngựa chiến.
Suốt nhiều thế kỷ TCN, Trung Á là mảnh đất đầy tranh chấp giữa các dân tộc du mục. Người Medes và người Ba Tư thiện chiến trên lưng ngựa lẫn đánh tay đôi. Vì mỗi lần ra trận đều có thương vong cho cả người lẫn ngựa, họ sáng tạo ra thiết giáp kỵ binh để bảo vệ cả hai.
Thiết giáp kỵ binh bao gồm 2 loại, thiết giáp cho người và thiết giáp cho ngựa. Chúng được gia công bằng kim loại, thường là sắt, phải đảm bảo 2 yêu cầu là an toàn và linh hoạt. Để đảm bảo an toàn, thiết giáp phải dày và kín đến mức che chắn được toàn bộ cơ thể.
Để đảm bảo linh hoạt, thiết giáp phải không gây cản trở cho sự vận động. Sau nhiều thử nghiệm, người Medes và người Ba Tư cuối cùng cũng tạo ra loại thiết giáp phù hợp nhất là thiết giáp vảy.
Đúng như tên gọi, thiết giáp vảy là sự kết hợp của nhiều miếng sắt được gia công hình vảy lại với nhau. Nhờ các mối nối cố ý để lỏng, nó có thể uốn vặn linh hoạt, không gây cản trở cho sự vận động. Với thiết giáp vảy, đội quân thiết kỵ ra đời, nhanh chóng áp đảo các lực lượng quân sự khác bằng khả năng tự bảo vệ vượt trội.
Tuy rất mạnh, thiết kỵ vẫn có điểm yếu là quá nặng nề. Trung bình, một bộ thiết giáp cho ngựa nặng khoảng 40kg. Bộ thiết giáp cho người thì nhẹ hơn nhưng, cộng toàn bộ sức nặng của áo giáp, vũ khí và người lại có thể lên tới 100kg. Tất cả đều đặt trên lưng ngựa và tất nhiên khiến ngựa bị mệt, di chuyển chậm. Vì lẽ này, thiết kỵ xếp vào diện kỵ binh hạng nặng.
Một đoạn thiết giáp vảy thuộc thế kỷ IV TCN được tìm thấy trong tàn tích văn minh Hy Lạp - La Mã. Ảnh: Thecollector
Lan tỏa và khơi cảm hứng
Một bộ thiết giáp vảy dành cho ngựa thường ở dạng từng phần, bao gồm từ mũ che kín đầu, cổ đến áo giáp thân trước, áo giáp thân sau… nhằm giúp ngựa linh hoạt tối đa. Bộ thiết giáp vảy dành cho người còn phức tạp hơn và, ngoài dạng vảy còn các thiết kế khác như xích, sợi, phiến…
Vũ khí chính của thiết kỵ là thương còn vũ khí phụ là kiếm, cung, chùy… So với các lực lượng quân sự hạng nhẹ, thiết kỵ vừa nặng vừa nóng (do bị bí hơi) nên dễ gây kiệt sức. Vì vậy, các cuộc tấn công của thiết kỵ luôn kết hợp với hỏa lực và kỵ binh hạng nhẹ.
Thường thì, trận đánh của thiết kỵ bắt đầu bằng mưa tên lửa, lấy đám cháy ghìm chân đối thủ trước, sau đó mới lao vào cận chiến. Nhờ thiết giáp bảo vệ tốt cả người lẫn ngựa, họ mau chóng phá vỡ đội hình của kẻ thù. Khi đối phương bỏ chạy, đội quân kỵ binh hạng nhẹ thế chỗ thiết kỵ, xông lên truy sát.
Từ điểm xuất phát là Iran, thiết kỵ lan ra tứ phía và ngày càng được các quốc gia, đế chế tin dùng. Thế giới phương Tây biết đến thiết kỵ vào thế kỷ V TCN, trong Cuộc nổi dậy Ionian và Chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư. Bị ấn tượng bởi sức mạnh của thiết kỵ, Hy Lạp háo hức học theo, cố gắng tạo ra các bộ thiết giáp vượt trội hơn, thậm chí… nặng hơn.
Trái với ở khu vực Trung Á, khi lan sang châu Âu, thiết kỵ bị đánh bại bởi lực lượng quân đội La Mã hùng hậu, kỷ luật nghiêm minh và giỏi chiến thuật. Tuy nhiên, chính kẻ thắng lại phải dẹp bỏ tự ái để bắt chước theo. Từ thế kỷ III sau Công nguyên, thiết kỵ là đơn vị không thể thiếu trong các đội quân viễn chinh của La Mã.
Trên đường tỏa rộng trong châu Á, thiết kỵ đến Trung Quốc vào thời Tam quốc (220 - 280 SCN). Trước đó, quân sự Trung Quốc thường sử dụng áo giáp da. Suốt khoảng 1.000 năm tiếp theo, các triều đại Trung Quốc tích cực phát triển thiết kỵ nhưng, vì thiếu nguồn ngựa và điều kiện nuôi dưỡng, huấn luyện ngựa chiến, họ không thành công. Sau khi bị Mông Cổ chinh phục vào nửa cuối thế kỷ XIII, Trung Quốc từ bỏ thiết kỵ.
Trong khi Trung Quốc thất bại, Đế chế Byzantine (330 – 1453) ở Đông Âu thành công xây dựng lực lượng thiết kỵ hùng mạnh nhất. Nhờ cải tiến thiết giáp theo chiều hướng nhẹ hơn, họ cải thiện được tốc độ cho kỵ binh hạng nặng và liên tiếp giành chiến thắng áp đảo trên các chiến trường.
Từ Byzantine, thiết kỵ “thế hệ mới” tràn sang các quốc gia láng giềng, đặc biệt được người Bulgars, Slavs, Avars, Litva, Alans và Khazars cực kỳ yêu thích. Đến thế kỷ XV, ngay cả khu vực Tây Âu cũng tràn ngập thiết kỵ. Song, trải qua thời gian, Đế chế Byzantine ngày càng nghèo đi vì chiến tranh, loạn lạc. Họ dần không đủ ngân khố đầu tư thiết giáp, đánh mất thiết kỵ và cuối cùng rơi vào tay người Ottoman.
So với châu Âu và châu Á, thiết kỵ đến châu Phi rất muộn. Dù vậy, nó vẫn là lực lượng chính giúp hình thành và phát triển Đế chế Oyo (thế kỷ XVII - XIX).
Sự xuất hiện của cơ giới quân sự khiến thiết kỵ trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, lịch sử hào hùng và tính năng tự vệ tuyệt vời của nó vẫn là nguồn cảm hứng để người hiện đại sáng tạo và phát triển xe tăng. Ngày nay, chúng ta quen miệng gọi xe tăng là xa thiết giáp, cái tên được đặt theo thiết kỵ.
Theo Thecollector