Ngôi nhà của Thị trưởng - thương gia, nhà công nghiệp Pavel Bashenin ở Sarapul.
Dự định bán đầu của chúng tôi khi đến Sarapul nhằm khám phá một trong những thành phố lâu đời nhất của các thương nhân Nga nằm dọc con sông Kama. Tuy nhiên hóa ra, thành phố thuộc Cộng hòa Udmurtia này lại đầy ắp lịch sử và nhân cách tạo nên niềm tự hào cho xứ sở Bạch Dương.
Điểm đầu tiên chúng tôi được những người bạn trong chính quyền Cộng hòa Udmurtia đưa đến là quần thể triển làm và nghệ thuật Nhà nghỉ ngoại ô (Dacha) của Bashenin. Căn biệt thự của Thị trưởng - thương gia và là nhà công nghiệp Pavel Andreevich Bashenin hơn 100 năm trước từ năm 1995 đã trở thành khu bảo tàng và triển lãm của thành phố.
Theo bà Bà Natalia Zavyalova hướng dẫn viên, chính ở đây, khi đó còn là một khu rừng lá kim, ông Aleksey Trofimovich Shitov - một trong những thương nhân “triệu phú” đầu tiên của Sarapul đồng thời là thị trưởng thành phố giai đoạn 1876-1891 đã bàn giao miễn phí cho người dân những khoảng đất rừng để xây nhà.
Dacha của thương gia Pavel Andreevich Bashenin là căn biệt thự 2 tầng, ra đời năm 1909. Không chỉ là một viện bảo tàng đáng nhớ, với khung cảnh nên thơ, thiết kế sân vườn hiện đại, đây còn là nơi các đôi trẻ chụp ảnh lưu niệm nhân lễ cưới, thưởng thức vẻ đẹp của công viên cổ, đoán điều ước bên đài phun nước, và chụp ảnh cùng các đồ vật cổ của gia đình thương gia.
Pavel A. Bashenin (13/07/1868 - 03/04/1910) là người đã đem lại bước ngoặt lịch sử cho Sarapul. Trong một thời gian ngắn, ông đã tạo ra những thay đổi căn bản và đưa thành phố trở thành một trong những trung tâm thịnh vượng và phát triển năng động của vùng ven sông Kama. Năm 1904, ông thay vị trí của thị trưởng đã khuất. Kế đó liên tiếp các năm 1906 và 1910, ông tái đắc cử thị trưởng.
Không chỉ từ chối nhận lương hàng năm, Bashenin bỏ tiền của cá nhân mình vào việc phát triển và cải thiện thành phố. Dưới thời ông, các đường phố chính Sarapul được lát đá, và đèn dầu hỏa được lắp đặt tại các giao lộ chính. Sản phẩm trí tuệ lớn nhất của Bashenin là 2 công trình xây dựng lớn năm 1909: hệ thống cấp nước kết hợp với nhà máy phát điện. Ở Nga vào thời điểm đó chỉ 200 thành phố có hệ thống nước như vậy.
Thay cho hệ thống cấp nước ống gỗ trước đó, hệ thống cấp nước mới đưa nước đến mọi nhà, xí nghiệp, và đây cũng là thành tựu chính về mặt cứu hỏa. Nhờ hệ thống này, chỉ 2 năm sau thành phố đã không chỉ thu hồi được vốn mà còn tăng thêm tiền cho ngân khố. Vì những công trình này, Bashenin đã được trao tặng danh hiệu Công dân danh dự.
Các kế hoạch trong tương lai của ông bao gồm xây dựng một nhà hát, thành lập trường Đại học tổng hợp Nhân dân, gia cố bờ kè sông Kama, xây dựng đường sắt và thành lập đơn vị hành chính mới - tỉnh Kama với Sarapul là thủ phủ. Tuy nhiên ngày 4/3/1910, Pavel Bashenin đột ngột qua đời vì suy tim khi mới 41 tuổi.
Tại bảo tàng Dacha của Bashenin, du khách không chỉ có thể ngắm những bức tranh gốc của các nghệ sĩ Nga và châu Âu thế kỷ XIX-XX, đồ nội thất chạm khắc, bát đĩa, nhạc cụ và nhiều đồ vật cổ mà còn có thể ngắm những hiện vật, tư liệu về cuôc đời Margarita Ivanovna Vorontsova, nữ điệp viên tình báo Liên Xô, người tình của nhà vật lý lỗi lạc Albert Einstein. Margarita sinh năm 1896 tại Sarapul và tốt nghiệp Trường trung học nữ ở Sarapul. Bà gặp Einstein năm 1933.
Khi Hitler lên nắm quyền, Einstein từ chối học hàm giáo sư ở Berlin và chấp nhận đề nghị đến làm việc tại Viện Nghiên cứu Cao cấp ở Princeton, New Jersey. Ngay sau đó, ban giám đốc Viện quyết định đặt nhà điêu khắc nổi tiếng người Nga Sergei Konenkov, chồng Margarita, làm tác phẩm điêu khắc chân dung nhà vật lý lỗi lạc.
Tại ngôi nhà gia đình Konenkov, Albert đã gặp người vợ 35 tuổi Margarita. Sau vài lần gặp gỡ họ đã trở nên thân thiết. Einstein bị Margarita mê hoặc không phải bởi bà đẹp như hoa hậu, song bà có khuôn mặt đặc biệt: đôi mắt xanh rạng rỡ, mái tóc vàng gợn sóng thu hút mọi người theo đúng nghĩa đen.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ II, khi sống ở Mỹ, Margarita đứng đầu Ủy ban Hỗ trợ Nga. Bà đã góp phần quyên được hàng triệu USD viện trợ nhân đạo - quần áo và đồ hộp – để chuyển về tổ quốc kiệt quệ của mình. Bà đã gặp vợ Tổng thống Mỹ Roosevelt, và sử dụng tình bạn với Einstein vì lợi ích của đất nước. Margarita luôn ghi nhớ quê hương Sarapul trong tim. Bà đã nhờ chồng làm một chiếc hộp khắc hình con cá tầm - biểu tượng cổ xưa của Sarapul.
Trong khuôn viên Dacha của Bashenin còn có gian thưởng trà. Nơi đây bạn có thể thưởng thức trà phục vụ các thương gia nước Nga thời cuối thế kỷ XIX để thể biết thêm rằng trước kia các thương gia Nga thường uống trà với bánh vòng (baranka) rắc hạt anh túc.
Bạn cũng hiểu thêm các truyền thống ở Nga như nhà nào có ấm Samovar càng lớn thì càng giàu có, hay thấy loại đường cục trước đây để cho vào chè, có miếng nặng tới 16kg. Cũng tại đây bạn có thể thưởng thức chè cà rốt, mà theo khuyến cáo của hướng dẫn viên là rất tốt cho cơ thể.
Tại Sarapul, bạn còn biết đến một tính cách nữ nổi tiếng khác của nước Nga, đó là bà Nadezhda Andreevna Durova, nữ kỵ sĩ - sĩ quan đầu tiên của quân đội Sa hoàng Nga, từng tham gia các trận đánh nổi tiếng ở châu Âu và trận Borodino.
Tượng đài Durova cưỡi con ngựa trung thành Alkis được khánh thành năm 2013, trong khuôn viên ngôi nhà nơi gia đình thị trưởng Sarapul, cha của Nadezhda, từng sống. Andrey Vasilyevich Durov, cha bà Nadezhda đã giữ chức thị trưởng ở Sarapul trong 36 năm và là người đứng đầu lâu đời nhất của thành phố này.
Trong chuyến thăm Sarapul, chúng tôi không chỉ may mắn được làm quen với cô Julia Zheleznyak người gốc Ba Lan trẻ tuổi xinh đẹp, từng làm Vụ trưởng Du lịch Bộ Kinh tế Cộng hòa Udmurta, nay đang tham gia một dự án phát triển du lịch nội địa của Nga, mà còn được một hướng dẫn viên lai Việt, em Yulian Baranov dẫn đi thăm thành phố, thăm các di tích lịch sử của thành phố như “Tháp bơm nước cổ”, nay đã biến thành khu nhà hàng-khác sạn đẹp trông ra bờ sông Kama; Ngôi nhà của thương gia Bashenin, Nhà của thương gia Koreshev nay là phòng đăng ký kết hôn thành phố, Bảo tàng Lịch sử và Văn hóa khu vực Trung Kama…
Tạm biệt thành phố Sarapul êm đềm, tôi cảm thấy thật ấn tượng với bề dày lịch sử và văn hóa của thành phố, cũng như cách người Nga bảo tồn và khợi dậy những truyền thống xưa của mình.