Tie-dye (nhuộm buộc) là việc nhuộm màu bằng cách buộc từng phần của vải lại để chỗ đó không bị ăn màu. Đây là cách nhuộm tạo hiệu ứng ngẫu hứng cho màu sắc hiển thị trên mặt vải.
Các phương pháp và phong cách nhuộm tie-dye khác nhau, phần lớn có nguồn gốc riêng trên khắp thế giới cổ đại, từ Peru đến Nigeria, Nhật Bản và Đông Nam Á.
Mỗi nền văn hóa tìm thấy những nét độc đáo để thêm vào các thiết kế của họ, bao gồm nhuộm vải buộc vào que, vẽ hoa văn bằng sáp hoặc tạo nút thắt bằng gạo, đá hoặc hạt. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử, tie-dye được đặt làm riêng, có thể thể hiện địa vị, vai trò và niềm tin của một cá nhân.
Không thể nói nền văn hóa nào đã phát triển tie-dye đầu tiên và khi nào. Ông Lee Talbot, người phụ trách Bảo tàng Đại học George Washington và Bảo tàng Dệt may (Mỹ) nói rằng, điều đó được chứng minh bằng “sự hoàn hảo” trong các mẫu còn sót lại sớm nhất được tìm thấy.
Các chuyên gia về lịch sử dệt may đều nhất trí về ý nghĩa văn hóa đằng sau các phương pháp tie-dye khác nhau trên khắp thế giới và cách chúng tồn tại cho đến ngày nay.
Bandhani ở Ấn Độ
Bandhani là hình thức tie-dye lâu đời nhất được biết đến, có từ 4.000 năm trước Công nguyên tại Nền văn minh Thung lũng Indus, nằm tại khu vực phía Bắc của Ấn Độ ngày nay. Hiện hình thức này vẫn được áp dụng ở Ấn Độ.
Các hoa văn bandhani được tạo ra bằng cách dùng chỉ buộc vải thành các túm nhỏ trước khi nhuộm. Một loạt các túm nhỏ này, cho phép vải bên dưới không bị ảnh hưởng bởi thuốc nhuộm, tạo thành các vòng xoáy và hoa văn trên quần áo như sari (một loại trang phục được yêu thích của phụ nữ Ấn Độ), khăn quàng cổ và khăn xếp.
Theo Trợ lý Giáo sư Natalie Nudell, tại Học viện Công nghệ Thời trang (Mỹ), các mẫu khăn rằn hiện đại được sử dụng ở phương Tây phát triển từ bandhani.
Một số mô tả lâu đời nhất về bandhani còn được lưu giữ trong các bản ghi và tranh vẽ tại các hang động Ajanta ở miền Trung Ấn Độ. Ở miền Bắc Ấn Độ, những tấm vải nhuộm kiểu bandhani được nhắc đến trong các bài hát và thơ ca như biểu tượng của tình yêu.
Ông Talbot cho biết, mối liên hệ giữa vải nhuộm bandhani và tình yêu vẫn còn tồn tại ở Ấn Độ ngày nay - vải bandhani thường được dùng và làm quà tặng trong đám cưới.
Amarra ở Peru
Amarra xuất hiện khoảng 1.500 năm trước ở Peru. Hình thức tie-dye này lan rộng khắp châu Mỹ đến tận Tây Nam Mỹ. Tại đây, một số loại vải nhuộm kiểu amarra sớm nhất do tổ tiên người Pueblo tạo ra đã được phát hiện có niên đại từ thế kỷ thứ 10.
Theo học giả Laurie Webster của Đại học Arizona (Mỹ), một đặc điểm khác biệt của amarra là thiết kế dạng lưới của những viên kim cương với các chấm ở trung tâm, một hoa văn tượng trưng cho da rắn hoặc cánh đồng ngô.
Bà Webster cho biết, đây là những họa tiết thiêng liêng đối với các nhóm bản địa ở châu Mỹ. Họ đã sử dụng kiểu nhuộm tie-dye này để tạo thiết kế trên quần áo, chăn và các loại vải trang trí khác.
Cũng theo bà Webster, trong các bức bích họa và hình ảnh khác còn sót lại, các vị thần và nhân vật tôn giáo thường được miêu tả đeo đồ nhuộm kiểu amarra.
Shibori ở Đông Á
Mặc dù, kỹ thuật nhuộm shibori có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng chúng được biết đến nhiều nhất như một loại hình nghệ thuật của Nhật Bản từ hơn 1.000 năm trước. Những mẫu shibori đầu tiên còn sót lại ở Trung Quốc có từ thế kỷ thứ 4. Hiện cách làm này vẫn được áp dụng tại đây, đặc biệt là bởi các dân tộc thiểu số ở phía Tây Nam Trung Quốc.
Đối với một phương pháp nhuộm shibori, những người thợ thủ công cho một hạt gạo hoặc miếng kim loại nhỏ vào mỗi túm vải và buộc chặt bằng chỉ. Sau khi vải được nhuộm, các sợi chỉ được tháo, tạo ra những vòng tròn nhỏ. Quá trình buộc, nhuộm và tháo này tốn khá nhiều thời gian để tạo ra các hoa văn phức tạp.
Theo bà Nudell, đây là một kỹ thuật cực kỳ tốn thời gian, công sức nhưng rất được trân trọng ở Nhật Bản. Bà cho rằng, những người nông dân đã sử dụng màu chàm để tạo ra các họa tiết bằng shibori trên quần áo làm từ sợi gai dầu. Những bộ kimono nhuộm kiểu shibori làm bằng lụa rất đắt tiền và phần lớn chỉ tầng lớp thượng lưu mới mặc.
Vải nhuộm kiểu shibori nổi tiếng với giới quý tộc, thị dân giàu có và thậm chí cả những kỹ nữ hạng sang. Khi shibori trở thành biểu tượng của sự xa hoa, chính quyền thời đó đã cấm nó hoàn toàn như một phần của luật xa hoa tại Nhật Bản.
Luật này quy định cách mỗi tầng lớp xã hội có thể ăn mặc và tiêu tiền của họ như thế nào. Nhà cầm quyền khi đó coi đây là trách nhiệm đạo đức để duy trì hệ thống phân cấp. Sắc lệnh đặc biệt được thông qua vào cuối những năm của thế kỷ 17 này, cho rằng không ai được phép làm shibori.
Tuy nhiên, các shibori vẫn phổ biến ngay cả trong thời gian cấm. Lệnh cấm shibori được gỡ bỏ vào năm 1868 và hiện nó vẫn là một tập tục truyền thống phổ biến đối với kimono ở Nhật Bản.
Adire ở Nigeria
Ở Nigeria, người Yoruba áp dụng kỹ thuật nhuộm adire bằng cách xếp nếp vải trước khi buộc bằng chỉ hoặc sợi lá chuối và nhuộm. Giống như shibori, hàng dệt thường được nhuộm màu xanh lam bằng cây chàm.
Họ cũng tạo ra các hoa văn hình tròn bằng cách bọc đá và hạt lớn bên trong vải, tương tự như shibori.
Đối với người Yoruba, bà Nudell nói rằng, những thiết kế đáng ngưỡng mộ trên quần áo gắn liền với bản sắc của một cá nhân. Adire thường mang các biểu tượng về địa vị xã hội và văn hóa của người mặc - chẳng hạn như tuổi tác hoặc cấp bậc của họ trong xã hội.
“Mỗi nền văn hóa thể hiện tie-dye một cách hơi khác nhau và họ diễn giải nó theo thẩm mỹ của riêng mình”, ông Talbot nói.
Adire vẫn giữ vai trò kinh tế và xã hội quan trọng đối với người dân Nigeria, vì việc tạo ra quần áo, chăn ga gối đệm và đồ trang trí mang lại cơ hội việc làm cho nông dân, thợ dệt và thợ nhuộm địa phương. Theo ông Talbot, trên toàn cầu, trong suốt nhiều thế kỷ điều gì đó về tie-dye đã thu hút sự chú ý về văn hóa.