Sự phá sản của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) ở Mỹ lập tức khiến nhiều người liên tưởng đến sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers và phản ứng dây chuyền do nó gây ra cách đây 15 năm. Dù gì thì SVB cũng là ngân hàng lớn thứ 16, chuyên cung cấp dịch vụ cho giới công nghệ cao ở Mỹ. SVB còn là ngân hàng lớn nhất ở Mỹ bị phá sản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Lịch sử khó có thể lặp lại bởi 2 ngân hàng nêu trên sụp đổ như nhau nhưng tác động, hậu quả và hệ lụy lại không giống nhau vì xảy ra ở hai thời khác. SVB không có được tầm quan trọng mang tính hệ thống đối với thế giới về tài chính.
SVB ngày nay không quan trọng đối với hệ thống tài chính và ngân hàng thế giới như Lehman Brothers khi xưa. Sự sụp đổ của SVB không nguy hiểm đối với thế giới tài chính và ngân hàng hiện tại như Lehman Brothers năm xưa.
Trên phương diện này, lịch sử gần như sẽ không lặp lại bởi 3 lý do khác nữa.
Thứ nhất, cuộc khủng hoảng ngân hàng do sự sụp đổ của Lehman Brothers gây ra đã khiến thế giới phải trả cái giá rất đắt. Tất cả đều nhận thấy rằng nếu để lặp lại việc này thì quá nguy hiểm đối với hệ thống ngân hàng và tài chính thế giới.
Khách hàng tập trung bên ngoài trụ sở Ngân hàng Silicon Valley ở TP Santa Clara, bang California - Mỹ hôm 13-3. Ảnh: Reuters
Vì thế, sau vụ việc này, Mỹ cũng như nhiều nước đã cải tổ, chấn chỉnh hệ thống ngân hàng, siết chặt quản lý và kiểm soát; đặt ra nhiều cơ chế, phương thức đánh giá thực trạng và báo động rủi ro mới để phát hiện, ngăn chặn, ứng phó từ rất sớm nguy cơ bùng phát khủng hoảng ngân hàng trên thế giới, nhất là đối với các ngân hàng có tầm quan trọng đối với sự sống còn của hệ thống ngân hàng, tài chính quốc gia cũng như thế giới.
Nói cách khác, sức đề kháng khủng hoảng của các ngân hàng nói riêng và của hệ thống ngân hàng nói chung đã được coi trọng đặc biệt và gia tăng đáng kể so với thời điểm Lehman Brothers sụp đổ. Những thay đổi ấy còn ngăn chặn khả năng xảy ra phản ứng dây chuyền từ sự phá sản của một hay vài ngân hàng trong hệ thống ngân hàng quốc gia và thế giới.
Thứ hai, chính phủ, bộ tài chính và ngân hàng trung ương nhiều nước thấm thía những bài học đắt giá từ vụ Lehman Brothers và từ cuộc khủng hoảng năm 2008 nên phản ứng, can thiệp, xử lý rất nhanh, rất quyết liệt mỗi khi có ngân hàng lớn gặp khó khăn hoặc bị phá sản.
Đấy là cách thức họ phải vận dụng để duy trì lòng tin của khách hàng vào hệ thống ngân hàng và để bảo đảm hoạt động bình thường của hệ thống này mỗi khi xảy ra biến cố.
Có thể thấy được rất rõ điều này ở Mỹ sau khi SVB phá sản hay ở Thụy Sĩ sau khi Ngân hàng Credit Suisse (lớn thứ 2 đất nước) lâm vào khủng hoảng. Hành động nhanh chóng và quyết liệt để "dập lửa" và hạn chế thiệt hại mỗi khi xảy ra "hỏa hoạn" là cách ứng phó hiệu quả nhất trên thực tế.
Thứ ba, SVB là một kiểu "ngân hàng của gia đình" đối với các hãng công nghệ cao ở Mỹ. Bản thân các hãng này trong thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn về tăng trưởng.
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất cơ bản, SVB lâm vào khủng hoảng là chuyện không tránh khỏi. Thế nhưng, SVB sụp đổ không có nghĩa Thung lũng Silicon hết thời mà sẽ bước sang một giai đoạn mới.
Rắc rối vẫn còn
Nhiều nguồn thạo tin cho biết chỉ một ngày sau khi được các ngân hàng lớn của Mỹ rót 30 tỉ USD, Ngân hàng First Republic (FRB) hôm 17-3 đã đàm phán về việc bán một phần tài sản cho ngân hàng khác hoặc quỹ đầu tư tư nhân.
Theo tờ The New York Times, đây là dấu hiệu cho thấy FRB chưa thể sớm giải quyết những rắc rối của mình và đang chịu áp lực ngày một lớn kể từ sau vụ sụp đổ của SVB tuần trước. Giá trị thị trường của ngân hàng này đã giảm xuống còn 4 tỉ USD hôm 17-3, so với mức 22 tỉ USD vào đầu tháng 3-2023.
Động thái trên của FRB cũng cho thấy rắc rối từ vụ SVB lan nhanh thế nào. Sau khi sụp đổ, SVB và Ngân hàng Signature hiện thuộc sự kiểm soát của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC). Cả 2 ngân hàng này cũng đang tìm kiếm bên mua tiềm năng nhưng FDIC vẫn chưa bật đèn xanh cho những thương vụ như thế.
Ông Eric Talley, giáo sư luật doanh nghiệp tại Trường Luật Columbia (Mỹ), nhận định tiến trình mua lại trở nên phức tạp vì những bên tham gia quan tâm đến các phần tài sản khác nhau của bên bán. Nhiều nhà phân tích cho rằng giới đầu tư có thể xem việc giải cứu FRB là một giải pháp ngắn hạn. Theo họ, cổ phiếu ngân hàng chỉ thật sự ổn định sau khi thị trường cảm thấy có giải pháp dài hạn hơn cho những vấn đề của FRB.
Tại Thụy Sĩ, Ngân hàng UBS Group AG cũng đang xem xét việc mua lại toàn bộ hoặc một phần Ngân hàng Credit Suisse trước sự thúc giục của các cơ quan quản lý. Nguồn thạo tin cho hay các cuộc đàm phán đang diễn ra với mục tiêu đạt được thỏa thuận sớm nhất là vào tối 19-3 (giờ địa phương).
Ngân hàng Credit Suisse hiện đối mặt cuộc khủng hoảng tín nhiệm, bất chấp họ vừa thông báo sẽ vay đến 54 tỉ USD từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ để củng cố thanh khoản và niềm tin của nhà đầu tư.
Xuân Mai