Nếu có dịp đến thăm Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Rotterdam ở Hà Lan, bạn sẽ thấy một khu vực cực kỳ đông khách. Đó là khu trưng bày xác động vật chết bởi đủ thứ nguyên nhân kỳ quặc trên đời.
Chẳng hạn, ở đó có xác một con chim được phục dựng đang đứng trên một quân domino. Theo mô tả, con chim này đã bị người ta bắn chết sau khi lỡ bay vào một cuộc triển lãm và làm đổ 23.000 quân domino mà người ta đang xếp dở.
Rồi đến một "con chuột nghị viện" đã từng tham gia vào cuộc tấn công tòa nhà Quốc hội Hà Lan trong nạn dịch gặm nhấm năm 2012. Có một con chồn bị điện giật chết trong cỗ máy gia tốc hạt lớn nhất hành tinh LHC. Và một con nhím chết vì kẹt đầu trong hộp kem của McDonald's.
Giữa hàng chục con vật có số phận bi đát đó, bạn có thể thấy tiêu bản của một con cá chuột màu vàng. Câu chuyện về cái chết của con cá chuột này có thể dẫn chúng ta quay ngược trở lại một lịch sử kéo dài gần 100 năm, về những cô cậu sinh viên nhất quỷ nhì ma trong thập niên 1930 ở Mỹ.
Nhưng trước hết hãy đến với lịch sử gần hơn của nó. Con cá chuột này đã chết ở Hà Lan, vào một buổi chiều tháng 4 năm 2016.
Tiêu bản con cá chuột tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Rotterdam ở Hà Lan.
Đó là một buổi nhậu của 4 thanh niên đang say xỉn. Khi rượu đã ngấm, những ánh mắt lờ đờ tìm kiếm xung quanh và tìm vào những suy nghĩ kỳ quặc của nhau. Và rồi tất cả cùng dừng lại ở chiếc bể cả. Họ nhìn nó chằm chằm, nhớ lại một tập cũ trong seri truyền hình Jackass —một phân đoạn trong đó diễn viên đóng thế Steve-O đã nuốt chửng một con cá vàng sống.
Không ai bảo ai, những thanh niên thả những chiếc cốc rỗng của mình vào bể và lần lượt vớt lên từng con cá vàng nhỏ. Họ nuốt chửng chúng, và rồi tắm những con cá trong bụng với nhiều bia hơn.
Sau khi cả bể cá vàng đã bị chén sạch, một thanh niên 28 tuổi trong nhóm đã tình nguyện ăn nốt con cá cuối cùng. Có điều, nó không phải một con cá vàng mà là cá chuột. Con cá dài tới 6 cm khiến cả ba thanh niên còn lại lắc đầu từ chối.
Họ chỉ còn có thể cổ vũ cho thanh niên cuối cùng. Tất cả hô vang "Grote vis! Grote vis! " ("Cá lớn! Cá lớn!"), trong khi anh chàng thả con cá chuột đang thoi thóp vào miệng và cố nuốt nó với một ngụm bia.
Nhưng không khí vui vẻ của buổi nhậu đột nhiên lắng lại khi chàng thanh niên thấy có điều gì đó không ổn. Anh ta bị nghẹn và bắt đầu nôn khan. Ba anh chàng kinh hoàng nhìn bạn mình trợn mắt và cố sức móc ngón tay xuống cổ họng. Chiếc xô nôn ra ban đầu chứa đầy bia, nhưng giờ đã đỏ lại.
Máu! Nhận ra chàng thanh niên đang nôn ra máu, nhóm bạn đã ngay lập tức gọi xe đưa anh ta đến bệnh viện.
Trong phòng cấp cứu của Trung tâm Y tế Đại học Erasmus ở Rotterdam, những kẻ say khướt đã không còn diễn tả được chuyện gì đã xảy ra. Anh chàng đã nuốt con cá chỉ có thể ú ớ nói mình thấy vướng ở cổ họng. Mãi cho đến khi bác sĩ nội soi họng và phát hiện ra một cái vây trong đó, chàng thanh niên mới bắt đầu nhớ ra trò nghịch dại của mình.
Một con cá chuột Corydoras aeneus không hề vô hại như cá vàng.
Thậm chí đến một diễn viên đóng thế kỳ cựu như Steve-O cũng phải suy nghĩ trước khi dám nuốt một con cá chuột sống. Không giống như những con cá vàng vô hại, cá chuột thuộc giống Corydoras aeneus, hay còn được gọi là cá da trơn "Cory" có một lớp vảy như giáp sắt chồng lên nhau rất chắc chắn.
Và nó sở hữu một cơ chế phòng thủ như hầu hết các người anh em trong họ hàng cá da trơn của mình: Mỗi chiếc vây của loài cá này đều có những chiếc ngạnh giống như gai. Khi con cá bị tấn công hoặc cảm thấy đau đớn, những chiếc ngạnh này sẽ duỗi thẳng ra và khóa cứng lại vị trí của nó.
Con cá lúc này "xù lông" lên và biến thành một chiếc phi tiêu hoa xòe không thể cụp lại. Có vẻ như tất cả những chiếc ngạnh của con cá chuột đã cắm vào cổ họng của chàng thanh niên giữ con cá không trôi xuống dạ dày. Khi anh ấy càng cố móc họng để nôn nó ra, những chiếc ngạnh của con cá càng được dịp cứa sâu và làm anh ấy chảy máu.
Các bác sĩ cho biết đây không phải lần đầu tiên họ gặp một người nuốt chửng cá sống. Trước chàng thanh niên này đã có 75 trường hợp phải nhập viện vì cố gắng làm điều đó. Nhưng chỉ có 4 trường hợp cần phải cấp cứu khẩn cấp.
Số lượng người nuốt cá sống "thành công", có nghĩa là hành vi cuối cùng không đưa họ tới bệnh viện, thậm chí còn nhiều hơn. Giống như món tôm nhảy Odori ebi của người Nhật Bản, khi những con tôm sống được nhúng trong rượu sake trước khi ăn trực tiếp, người Việt Nam ở vùng Tây Bắc cũng có một món tương tự được gọi là cá nhảy.
Người Hàn Quốc thì có món sannakji, là những con bạch tuộc được phục vụ tươi sống cùng với dầu mè. Nhưng vượt ra khỏi khuôn khổ của những món ẩm thực, khi cá và hải sản sống có thể được nhai tới khi không còn thực sự "sống" nữa, giới thanh niên ở Mỹ từng có một trào lưu nuốt chửng cá sống nổi tiếng từ thập niên 1930, và nó thuần túy mang tính chất tiêu khiển.
Thanh niên Mỹ trong thập niên 1930 tụ tập xem biểu diễn nuốt cá vàng.
Theo tờ New York Times mô tả vào năm 1963, trào lưu nuốt cá sống tại Mỹ đã được khởi xướng bởi một sinh viên đại học 18 tuổi tên là Lothrop Withington Jr. Đó là năm 1939 tại Đại học Harvard, Withington đang là sinh viên năm nhất đứng ra tranh cử chức vụ lớp trưởng.
Một sinh viên khác trong lớp đã thách thức Withington nuốt một con cá sống để bỏ phiếu cho anh, cộng thêm một phần thưởng là 10 đô la.
Màn thách đấu kỳ quặc ngay lập tức thu hút sự tò mò của đám đông, tin tức lây lan trong nội bộ những sinh viên Harvard, rồi sang đến các trường đại học khác thu hút cả phóng viên đưa tin tường thuật. Họ đã thực sự có mặt ở buổi biểu diễn của Withington khi anh chàng nuốt một con cá vàng sống và thắng cuộc.
Kỳ cục hơn nữa là mọi chuyện không kết thúc ở đó. Một sinh viên năm hai ở Harvard sau khi thấy Withington nuốt con cá vàng đã thực hiện một màn biểu diễn thậm chí còn táo bạo hơn. Anh chàng này đã nuốt tới 23 con cá vàng một lúc trước sự thán phục của tất cả mọi người, sau đó thậm chí còn nhận được lời mời làm việc từ nhiều rạp xiếc.
Sinh viên từ các trường Đại học khác như MIT và Pennsylvania cũng không chịu kém cạnh. Họ liên tục đua nhau nuốt cá vàng để phá kỷ lục mà Harvard đã thiết lập. Đến nỗi, những trường đại học ở Mỹ đã cùng lập ra một Hiệp hội cá vàng liên trường (IGGA), nhằm xác định các tiêu chí cạnh tranh công bằng.
Họ đặt ra 2 quy tắc cho những sinh viên muốn phá kỷ lục nuốt cá vàng: Một là mỗi con cá phải dài ít nhất 3 inch (khoảng 7,62 cm) và hai là không ai được nôn những con cá ra trong vòng 12 tiếng.
Trào lưu nuốt cá vàng vào cuối thập niên 1930 thậm chí còn thu hút rất nhiều phụ nữ tham gia.
Thử thách nuốt cá vàng sống sau đó đã lan rộng khắp các trường đại học ở Mỹ vào cuối thập niên 1930, mặc dù hồi đó chưa có Youtube hay Tiktok. Kết quả là có một sinh viên của Đại học Clark tên là Joseph Deliberto đã nuốt được 89 con cá vàng một lúc và giữ kỷ lục đó cho tới tận bây giờ.
Đến đầu thập niên 1940, ban giám hiệu các trường đại học ở Mỹ nhận thấy cuộc chơi nuốt cá vàng mà sinh viên của mình tạo ra đã đi quá xa. Họ đã họp và quyết định cấm hoạt động này trước sức ép của các tổ chức bảo vệ động vật.
Thế nhưng, đâu đó trong khuôn viên trường học và ký túc xá, những con cá vàng vẫn tiếp tục bị nuốt chửng bởi sinh viên Mỹ trong suốt 80 năm nay. Nó dường như đã trở thành một văn hóa ngầm, khi sinh viên ở ký túc xá hoặc đội thể thao tổ chức các buổi kết nạp thành viên mới, họ sẽ yêu cầu người mới tới phải nuốt cá vàng.
Thực tế này đã được phản ánh trong nhiều bộ phim Mỹ như A Fish Called Wanda, The Wolf of Wall Street và gần đây nhất là Aquaman. Trên YouTube hiện tại cũng có đầy các video cho thấy mọi người ở mọi lứa tuổi nuốt những con cá sống, thậm chí đủ loại chứ không chỉ có cá vàng.
Nhiều vụ kiện các trường học và đội bóng ở Mỹ cũng được ghi nhận, trong đó những sinh viên mới nói rằng họ đã bị ép phải làm điều này. Ngược lại, cũng có những vụ kiện đến từ những người nuôi cả cảnh.
Chẳng hạn như hồi đầu năm nay, một sinh viên tại Đại học Bang Louisiana đã tố cáo Maxwell Taffin, người bạn cùng ký túc xá của mình sau khi anh này bắt con cá vàng được nuôi như thú cưng và nuốt chửng nó.
Năm ngoái, một người đàn ông Anh cũng phải đối mặt với cáo buộc ngược đãi động vật sau khi đăng tải video nuốt cá vàng lên Facebook.
Các video nuốt chửng cá vàng vẫn xuất hiện đầy rẫy trên Youtube ngày nay.
Tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật PETA đã nhiều lần lên tiếng về các sự việc nuốt cá vàng. Họ lên án đây là một hành vi "vô nhân đạo" với loài cá. Những con cá vàng yếu ớt sau khi trôi xuống thực quản có thể bị các cơ ở đây nghiền cho không còn nguyên vẹn.
Ngay cả khi trôi được xuống dạ dày và còn sống, con cá cũng sẽ bị ngập trong một bể axit clohydric 1%, đúng là cơn ác một của chúng. Dịch dạ dày của bạn sẽ tràn vào mang cá khi mà nó đang cố gắng thở. Không có oxy ở đây, cá vàng sẽ nhanh chóng bị chết ngạt.
Nhưng thà chết sớm còn hơn phải bị giày vò trong hệ quả sẽ xảy ra tiếp theo, khi các men tiêu hóa pepsin có trong dạ dày của bạn bắt đầu hòa tan nó, biến con cá chảy ra thành một thứ súp nhão. Ngay cả xương của chúng cũng bị hòa tan hiệu quả bởi axit clohydric và pepsin trong dạ dày của bạn.
Điều này giải thích tại sao nuốt cá vàng không đưa bạn vào phòng cấp cứu bệnh viện. Nhưng đôi khi, nó có thể khiến bạn bị tiêu chảy hoặc nhiễm ký sinh trùng, vì cá vàng nổi tiếng là loài hay mang những mầm bệnh này.
Nếu bạn nuốt một con cá vàng đang được điều trị với các loại thuốc dành cho cá, con cá đó có thể độc hại với bạn. Một số loại thuốc dành cho cá hoặc nước rửa bể cá thậm chí còn chứa chất gây ung thư cho con người.
Ảnh chụp CT-scan vùng đầu cổ cho thấy một dị vật (mũi tên) dài ± 5 cm và ngang 1,5 cm ở hầu họng chàng thanh niên, ở thời điểm các bác sĩ chưa biết nó là một con cá.
Trở lại với chàng thanh niên người Hà Lan đã nuốt con cá chuột. Các bác sĩ cuối cùng đã phải gây mê cho anh, đặt ống nội khí quản và dùng ống nội soi để tìm con cá trong hầu họng của anh ấy.
Một bác sĩ đã cẩn thận gắp được con cá ra ngoài, họ không còn cứu sống được nó nữa. Tất nhiên, con cá đã chết vì ngộ độc CO2 trong bia, hoặc đơn giản là nó đã phải ở ngoài bể nước của mình quá lâu.
Chàng thanh niên may mắn hơn khi không bị thủng thực quản, nhưng một phần thanh quản và thực quản đã bị phù nề tụ máu. Bệnh nhân sau đó tiếp tục phải thở bằng ống nội khí quản và đưa vào phòng hồi sức tích cực ICU để tiếp tục theo dõi.
Không lâu sau đó, các bác sĩ đã chụp CT cho anh ta và phát hiện vẫn còn một dị vật nữa trong họng khiến chàng thanh niên chưa hết phù nề. Họ lại phải gây mê cho anh ấy rồi nội soi để gắp nó ra.
Chàng thanh niên được tiêm kháng sinh và điều trị tiếp trong 2 tuần trước khi bình phục và xuất hiện về nhà. Bây giờ ở tuổi 33, anh chàng người Hà Lan vẫn sống khỏe mạnh, mặc dù anh ấy đã phải cẩn thận không tiết lộ danh tính để tránh bị các tổ chức và người hoạt động vì quyền động vật tấn công trả thù.
Con cá (bên trái) mắc trong họng của thanh niên Hà Lan năm 2016 (Ảnh chụp nội soi của bác sĩ).
Về phần con cá chuột, xác của nó sau khi được lấy ra khỏi họng của chàng thanh niên đã không còn nguyên vẹn. Các bác sĩ đã bảo quản nó trong etanol 70% trước khi chuyển giao cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Rotterdam.
Bây giờ khi tới gian trưng bày những cái chết động vật, bạn có thể thấy nó chỉ còn là một tiêu bản màu vàng, bị thiếu mất phần đuôi. Không ai biết đuôi con cá này hiện đang ở đâu, có lẽ nó đã bị nuốt xuống dạ dày của chàng thanh niên và bị tiêu hóa.
Hiệp hội cá vàng liên trường hẳn sẽ rất tự hào về anh ấy, mặc dù nếu còn tốn tại chắc chắn họ cũng sẽ không tính điểm cho thử thách này.
Tham khảo Theatlantic , Atlasobscura , Researchgate