Lịch sử chiến thuật bóng đá: Đội bóng vàng và cái chết của W-M

Tùng Khánh - Mạnh Quân |

Cách đây chưa lâu, BBC sau một cuộc nghiên cứu chi tiết kết luận The Golden Team - biệt danh của Hungary trong những năm 1950 - là đội tuyển xuất sắc nhất lịch sử bóng đá thế giới.

Trang 1

Cách đây chưa lâu, BBC sau một cuộc nghiên cứu chi tiết kết luận The Golden Team - biệt danh của Hungary trong những năm 1950 - là đội tuyển xuất sắc nhất lịch sử bóng đá thế giới.

Để có được sự thừa nhận ấy, The Golden Team đã đánh bại một loạt ứng viên nặng ký, trong đó đáng kể nhất có Tây Ban Nha của giai đoạn 2009-2011, Hà Lan giai đoạn 1973-75, Brazil 1969-1971, hay Pháp 1999-2001. Đó đều là những tập thể xứng đáng được gọi là thế hệ vàng của nền bóng đá từng nước nói riêng, và bóng đá thế giới nói chung.

Kết quả của BBC không đến từ những nhận xét cảm tính. Để có thể đi đến kết luận cuối cùng nói trên, các chuyên gia của họ, với sự hỗ trợ của siêu máy tính SAM, đã mổ xẻ một loạt yếu tố. Có thể kể ra đây số bàn thắng, số bàn thua, sức mạnh của đối thủ, và tính chất quan trọng của trận đấu (có phải ở các giải lớn hay không?), và nhiều yếu tố khác...

Đội hình mạnh nhất của Hungary trong những năm 1950

Đội bóng ấy từng bất bại 31 trận liên tiếp trong giai đoạn từ 1950 tới 1954. Tỉ lệ thắng tới 91% trong giai đoạn từ 1950 tới 1956 hiện vẫn là một kỷ lục thế giới. Thực tế thì Hungary chỉ thua đúng 1 trận trong giai đoạn nói trên. Trận đấu ấy, bi kịch thay, lại chính là trận chung kết World Cup 1954 mà cho tới giờ, người Đức vẫn gọi là "Điều kỳ diệu ở Berne".

Đó là điều đáng tiếc cho The Golden Team nói riêng và bóng đá Hungary nói chung. Họ xứng đáng có được ít nhất 1 chức VĐTG sau những gì đã thể hiện. Tuy nhiên, đôi khi chính sự dang dở lại khiến bạn được nhớ đến nhiều hơn. Thực tế là tới giờ không nhiều người nhớ tới đội Tây Đức đã vô địch World Cup 1954, trong khi kẻ thất bại năm đó, Hungary, thì trở nên bất tử.

Bóng đá Hungary đã có những bước tiến đáng kể trước khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra. Người Hungary, cùng với người Áo và người Czech đã tạo nên cái gọi là Trường phái Danube (theo tên con sông chảy qua cả 3 nước), với những tư tưởng bóng đá đầy tiến bộ thoát hẳn khỏi "tư duy 2-3-5" (Kim tự tháp) được người Anh phổ biến.

Một trong những thành tựu đáng kể nhất của bóng đá Hungary là đội tuyển của họ giành quyền dự vòng chung kết World Cup 1938 và vào tới trận chung kết (thua Italia). Ngoài ra, các CLB trong nước như Ferencvaros và MTK cũng đạt được những thành tích khá ấn tượng ở các giải đấu cấp châu lục được tổ chức ở quy mô nhỏ.

Gusztav Sebes

Đó chính là nền tảng để bóng đá Hungary có những bước tiến mạnh mẽ trong những năm hậu thế chiến. Tuy nhiên, cũng phải tới khi Gusztav Sebes được bổ nhiệm làm HLV trưởng của đội tuyển Hungary vào năm 1949, thì ý niệm về cái gọi là The Golden Team, hay "Những người Magyars quyền lực", "Những người Magyars tuyệt vời", và nhiều tên gọi ấn tượng khác, mới thực sự thành hình.

Sebes là một nhân vật quyền lực ở Hungary. Ông là một đảng viên Cộng sản lâu năm, thậm chí còn lãnh đạo nhiều phong trào công đoàn ở Hungary và Pháp. 

Nhờ đó, song song với việc dẫn dắt đội tuyển Hungary, ông còn nắm luôn chức phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Hungary. Chính vị thế ấy đã giúp Sebes dễ dàng triển khai những ý tưởng mang tính đi trước thời đại của mình. Trong số rất nhiều những ý tưởng của Sebes, có 3 ý tưởng thực sự vĩ đại. 

Thứ nhất, ông đề cao vấn đề thể lực của các cầu thủ. Nên nhớ là vào những năm 1950, khoa học thể thao vẫn chưa thành hình, và các cầu thủ hầu như không quan tâm tới việc làm thế nào để nâng cao khả năng cạnh tranh của bản thân.

Việc đặt ra những câu hỏi nên ăn gì, ăn như thế nào, và sử dụng các loại thực phẩm/dược phẩm nào để tăng cường thể chất là hầu như không có.

Thứ hai, Sebes đề cao tính gắn kết giữa các thành viên trong đội tuyển. Quan sát 2 đội bóng mà ông ấn tượng nhất là Wunderteam của Áo (do HLV Hugo Meisl dẫn dắt), Italia của Vittorio Pozzo (2 lần vô địch World Cup), Sebes rút ra kết luật nòng cốt của đội tuyển tốt nhất chỉ gồm 1 hoặc 2 CLB. 

Và cuối cùng, Sebes đưa ra những ý tưởng đầu tiên cho cái gọi là Bóng đá tổng lực mà phải hơn 20 năm sau người ta mới nói tới nhiều khi những người Hà Lan cùng nó làm mưa làm gió ở các giải đấu lớn. Sebes yêu cầu mỗi cầu thủ của ông phải học chơi và chơi được ở nhiều vị trí khác nhau để khi cần có thể hoán chuyển đội hình liên tục, và đội bóng có thể tấn công và phòng ngự như một khối thống nhất.

Những thử nghiệm về nhân lực, chiến thuật và ý tưởng của Sebes sớm mang lại trái ngọt. Từ năm 1950, Hungary đã bắt đầu khiến cả thế giới phải chú ý khi trình diễn một thứ bóng đá tấn công tổng lực đẹp mắt, nhưng cũng cực kỳ hiệu quả, là sự kết hợp giữa sức mạnh, sức bền và sự nhiệt tình "nguyên bản"của bóng đá Anh với khả năng phối hợp và sự ngẫu hứng của các cầu thủ Nam Mỹ.

Tiếng vang đầu tiên mà Hungary tạo ra là ở Olympic 1952. Ở Phần Lan, đội bóng của Sebes không chỉ thẳng tiến tới chức vô địch, mà còn nghiền nát gần như mọi đối thủ trên đường đi: Đánh bại ĐKVĐ Italia 3-0 ở vòng 2, vùi dập Thổ Nhĩ Kỳ 7-1 ở tứ kết và Thụy Điển, đội được đánh giá là mạnh nhất, 6-0 ở bán kết, trước khi thắng nhẹ nhàng Nam Tư 2-0 ở chung kết. Chung cuộc, Hungary ghi tới 20 bàn chỉ trong có 5 trận!

Đội hình Hungary đoạt HCV Olympic 1952

Danh tiếng của Hungary khiến người Anh cảm thấy "nóng mặt". Thời điểm đó, Anh vẫn tự xem mình là trung tâm của vũ trụ bóng đá. Họ xem chơi bóng theo cách Anh mới là chuẩn mực, và thậm chí còn tin rằng một trận đấu bóng đá cho đúng nghĩa một trận đấu chỉ có thể được tổ chức trong những điều kiện "tuyệt vời" ở Anh.

Một lời thách đấu đã được đại diện FA đưa ra ngay trên khán đài diễn ra trận chung kết Olympic 1952.

Trận giao hữu giữa Anh và Hungary được ấn định vào ngày 25/11/1953, trên sân Wembley có sức chứa 105.000 chỗ ngồi. Đó là một trận đấu thu hút được sự chứng kiến của toàn thế giới. Báo chí Anh gọi đó là "Trận đấu thế kỷ" giữa 2 đội bóng "mạnh nhất thế giới". Thực ra, báo chí Anh chỉ cố nâng Hungary lên một tầm cao mới, để có lý do để "nổ thật to" khi tuyển Anh đánh bại họ, điều mà ai cũng tin tưởng.

Puskas dẫn các cầu thủ Hungary ra sân trước trận đấu với Anh

Nhưng sự thật đã sớm bị phơi bày. Chỉ sau có 45 giây, khi các phóng viên đang mải dồn về phía cầu môn của Hungary, thì ở phía đối diện, lưới của Anh đã rung lên sau một pha tấn công chớp nhoáng được kết thúc bởi ngôi sao Hidegkuti.

Tới phút 30, trận đấu coi như đã khép lại khi tỉ số được nâng lên thành 4-1 cho các vị khách. Tỉ số cuối cùng là 3-6, nhưng nó không phản ánh hết sự chênh lệch về sức mạnh giữa 2 đội.

Kém cả về thể lực lẫn kỹ thuật, các cầu thủ Anh hầu như chỉ đứng làm khán giả trong những pha ban bật như điện xẹt của Hungary. Kỹ thuật cá nhân của các ngôi sao Hungary cũng khiến không chỉ khán giả mà ngay cả các cầu thủ Anh cũng phải há hốc mồm.

Tỉ số dừng lại ở mức "khiêm tốn" 3-6 chỉ đơn giản là vì các cầu thủ Hungary đã bỏ lỡ nhiều cơ hội một cách không thể tin nổi, trong khi hàng thủ của họ lại chơi chệch choạc không ngờ.

Thế nên, khi Hungary đè bẹp Anh với tỉ số 7-1 trong trận đá lại mà người Anh cố tổ chức để chứng minh thất bại nói trên chỉ là "tai nạn", không còn ai cảm thấy quá bất ngờ.

Trước khi được Hungary "khai sáng", người Anh có một niềm tin không gì lay chuyển được vào những "giá trị Anh". Và họ có lý do để trở nên như thế. Nói gì thì nói, Anh là quê hương của bóng đá, và cũng chính người Anh là những người đã mang trái bóng ra khắp thế giới, phổ biến luật lệ, dạy chiến thuật, nói chung là đặt những viên gạch đầu tiên để xây nên nhiều nền bóng đá, trong đó có chính Hungary.

Ở thời điểm diễn ra trận giao hữu với Hungary, giá trị Anh phổ biến nhất chính là W-M, sơ đồ được HLV huyền thoại của Arsenal Herbert Chapman phát triển từ cuối những năm 1920.

Hidegkuti (áo tối màu) ghi bàn khép lại chiến thắng 6-3 cho Hungary

Dù nhiều nền bóng đá đã chứng minh còn có những con đường khác ưu việt hơn W-M, người Anh vẫn không chịu thay đổi. Dù gì, thì trong suốt 81 năm trước đó, họ chưa phải chịu bất kỳ thất bại nào trên sân nhà trước các đội thủ ngoài Quần đảo Anh.

Nhưng những gì mà thầy trò Sebes đã thể hiện ở Wembley là quá choáng ngợp. Sơ đồ chiến thuật của họ cũng là điều quá lạ lẫm với khán giả Anh. Thay vì 3-2-2-3 (W-M), Sebes sử dụng sơ đồ 3-2-3-2, với điều chỉnh đáng kể nhất là kéo tiền đạo Hidegkuti xuống chơi như một tiền vệ tấn công, hay một số 9 ảo.

Điều chỉnh này đã khiến trung vệ của Anh bối rối. Bình thường, anh ta sẽ theo kèm trung phong của đối phương. Nhưng khi trung phong đó "bỗng dưng" lùi sâu, anh ta không biết phải làm gì tiếp theo. 

Các tiền vệ của Anh cũng không biết làm thế nào trước một cầu thủ "lửng lơ" như thế.

Kết quả là Hidegkuti có thừa thời gian và không gian để liên tục đặt 4 cầu thủ tấn công phía trên ông trước những cơ hội ngon ăn. Hungary đã tung ra tổng cộng 35 cú sút trong trận đấu ấy (so với 5 của Anh). 6 bàn thắng dành cho họ vẫn là quá ít!

Chứng kiến màn vùi dập ấy, những bộ óc bóng đá của người Anh cuối cùng cũng phải thừa nhận sự lỗi thời của W-M. 13 năm sau, khi Anh vô địch World Cup 1966, họ đã chơi với sơ đồ không có tiền đạo cánh. Người đưa ra phát kiến ấy là Alf Ramsey, "tình cờ" thay lại chính là hậu vệ của đội tuyển Anh trong trận đấu với Hungary!

HỌ NÓI GÌ VỀ THE GOLDEN TEAM?

(Giữ và kéo ảnh sang trái/phải để xem tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại