Giới chức Venezuela thông báo chính khách đối lập này đã tự tự bằng cách lao xuống từ lầu 10 trụ sở quan tình báo. Tổng công tố Tarek William Saab đã ra lệnh điều tra tình hình chung quanh cái chết của ông Alban mà ông cho là tự tử.
Thế nhưng, phe đối lập bác bỏ cách giải thích đó. Thủ lĩnh phe đối lập, ông Julio Borges, hiện sống lưu vong ở Colombia, khẳng định: "Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một vụ ám sát".
Trong khi đó, phát ngôn viên Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Ravina Shamdasani, nhấn mạnh giới chức Venezuela có trách nhiệm bảo đảm sự an toàn cho Alban trong thời gian họ giam giữ ông.
Theo bà, cuộc điều tra cái chết của ông sẽ là một phần của cuộc điều tra mở rộng của Liên Hiệp Quốc về tình trạng ngược đãi nhân quyền.
Phe đối lập Venezuela phản đối lời giải thích của nhà chức trách về cái chết của ông Fernando Alban. Ảnh: REUTERS
Ông Alban, 56 tuổi, bị bắt giam hôm 5-10 vừa qua tại sân bay quốc tế ở Caracas khi ông mới từ New York về. Ông này đến Mỹ cùng các thành viên khác của Đảng Công lý Trước hết gặp gỡ các quan chức nước ngoài tham dự Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Phe đối lập Venezuela xác nhận hơn 100 công dân Venezuela phản đối Tổng thống Maduro hiện bị cầm giữ như "những tù nhân chính trị", một số đã bị giam hơn 4 năm, ít được tiếp xúc với thế giới bên ngoài và các quyền hợp pháp của họ thường xuyên bị chà đạp. Tuy nhiên, chính phủ đã phủ nhận đánh giá họ là tù nhân chính trị.
Theo ông Borges, vợ ông Alban cho biết chồng bà đã bị gây sức ép mạnh phải khai nhận tham gia mưu sát Tổng thống Maduro hồi đầu tháng 8.
Hơn 20 người đã bị bắt giam vì tình nghi có liên quan đến vụ mưu sát sử dụng 2 máy bay không người lái chất đầy chất nổ vừa nêu. Tổng thống Maduro khẳng định âm mưu này do ông Borges sắp đặt với sự trợ giúp của Colombia và Mỹ.