Chưa bao giờ chúng ta lại thấy thiên tai và thời tiết khắc nghiệt 'trút xuống' cùng lúc lên đầu con người và sinh vật sống trên toàn Trái Đất nhiều đến như thế. Và phải nói đến khi nào, phải cảnh báo đến mức nào thì con người mới có thể hiểu tầm quan trọng, cấp bách của vấn đề? Để các chính phủ thế giới mới có thể đồng lòng hành động thật khẩn cấp trước khi quá muộn?
'ĐẠI DỊCH' NGANG NGỬA COVID-19
Tháng 6/2021, hãng tin Reuters (Anh) dẫn thông tin từ Liên Hợp Quốc cảnh báo khẩn cấp: Tình trạng khan hiếm nước và hạn hán có thể gây thiệt hại trên quy mô lớn ngang với đại dịch Covid-19 trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên một cách nhanh chóng. "Đại dịch tiếp theo': hạn hán là một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn quy mô toàn cầu" - The Guardian (Anh) đăng tin trên trang nhất.
"Hạn hán đang trên đà trở thành đại dịch tiếp theo và không có vắc-xin nào chữa khỏi. Hạn hán - giống như một loại virus - có xu hướng kéo dài, có phạm vi địa lý rộng và gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng" - Bà Mami Mizutori - Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký về Giảm thiểu rủi ro thiên tai tại Văn phòng Liên Hợp Quốc nhận định.
Liên Hợp Quốc không nói suông, cơ quan này dẫn chứng:
- Hạn hán đã gây ra thiệt hại kinh tế ít nhất 124 tỷ USD và ảnh hưởng đến hơn 1,5 tỷ người trong giai đoạn 1998-2017.
- Khoảng 130 quốc gia có thể đối mặt với nguy cơ hạn hán lớn hơn trong thế kỷ này theo một kịch bản phát thải khí nhà kính ồ ạt như hiện nay.
- 23 quốc gia khác sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nước vì gia tăng dân số; 38 quốc gia khác sẽ bị ảnh hưởng bởi cả hai tình trạng thiếu nước và gia tăng dân số.
- Hạn hán sẽ xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn ở hầu hết châu Phi, trung và nam Mỹ, trung Á, nam Úc, nam Âu, Mexico và Mỹ.
- Trong những thập kỷ tới, biến đổi khí hậu sẽ gây ra những trận siêu hạn hán kéo dài từ 10 năm trở lên - Các học giả tại Đại học Cornell (Mỹ), Đại học Arizona (Mỹ) và Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cảnh báo.
"Sự nóng lên toàn cầu đã làm gia tăng tình trạng hạn hán ở Nam Âu và Tây Phi. Và số lượng nạn nhân sẽ "tăng lên đáng kể" nếu cả thế giới không hành động khẩn cấp. Thậm chí, tình trạng hạn hán có thể ảnh hưởng gián tiếp đến các quốc gia không thực sự trải qua hạn hán thông qua việc mất an ninh lương thực và sự gia tăng giá lương thực" - Bà Mami Mizutori nói thêm.
Tạp chí Nature Communications công bố, hơn 40% lượng nông sản nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) có thể trở nên "rất dễ bị tổn thương" do hạn hán vào giữa thế kỷ này do biến đổi khí hậu.
Trong bức ảnh chụp năm 2012 này, một người đàn ông đặt tay lên đất khô ở khu vực Greater Upper Nile, đông bắc Nam Sudan. Ảnh: Julien Behal / PA Wire / AP
Những cơn lốc tro bụi và than hồng ở California (Mỹ). Các chuyên gia cho biết, các đám cháy ở Bờ Tây nước Mỹ thậm chí đã tạo ra thời tiết của riêng chúng. Ảnh: Reuters
Ibrahim Thiaw, thư ký điều hành của Công ước Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa, nói với Reuters rằng đất đang xấu đi, một phần do quản lý đất kém, đã đưa thế giới đến gần "điểm không thể quay lại".
Liên Hợp Quốc chưa nghiên cứu về tác động mà sa mạc hóa có thể gây ra đối với việc di cư trong nước trong các lục địa nhưng ông Ibrahim Thiaw nói rằng điều đó không còn là điều không tưởng, ngay cả ở châu Âu.
Điều đáng nói là: Tuy hạn hán có tác động sâu sắc, rộng khắp nhưng 'đại dịch' hạn hán lại bị đánh giá thấp đối với xã hội, hệ sinh thái và nền kinh tế trên toàn thế giới!
HẠN HÁN - THIÊN TAI: 'TRÚT XUỐNG' ĐẦU CON NGƯỜI
Tờ The New York Times (Mỹ) nhận định, không có thông số chính xác xác định hạn hán, nhưng hạn hán thường được hiểu là một khoảng thời gian khô hạn bất thường kéo dài đủ lâu để có tác động đến nguồn cung cấp nước, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất năng lượng và các hoạt động khác.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu, dưới hình thức nhiệt độ ấm lên và sự thay đổi về lượng mưa, đang làm cho tình hình hạn hán trở nên tồi tệ hơn.
Hạn hán thường bắt đầu với lượng mưa ít hơn bình thường. Nếu tình trạng khô hạn kéo dài, các dòng chảy sông, hồ chứa và mực nước ngầm bắt đầu giảm. Nhiệt độ tăng cao cũng có tác động, khiến băng tuyết mùa đông tan nhanh hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến lượng nước cung cấp quanh năm. Nhiệt độ quá cao cũng làm bốc hơi nước nhiều hơn từ đất và thảm thực vật, có thể dẫn đến mất mùa và làm tăng nguy cơ cháy rừng nghiêm trọng.
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán sẽ trở nên thường xuyên hơn trong tương lai.
Nhiều lục địa trên thế giới lâm vào cảnh "một cổ hai tròng".
Các nhà nghiên cứu khí hậu từ lâu đã đồng ý rằng sự gia tăng sự nóng lên toàn cầu làm tăng đáng kể khả năng xảy ra thời tiết khắc nghiệt và chúng có mối quan hệ tương hỗ nhau. Chẳng hạn, nắng nóng ở khu vực Địa Trung Hải có thể khiến không khí hấp thụ nhiều hơi nước hơn, do đó sẽ rơi xuống mặt đất dưới dạng mưa lớn, dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng
Tháng 7 và tháng 8 năm 2021 được đánh dấu bởi các điều kiện thời tiết khắc nghiệt - từ hạn hán và hỏa hoạn ở Nam Âu, Nga và Bắc Mỹ đến lũ lụt nghiêm trọng ở Tây Âu, châu Phi và châu Á. Ở châu lục nào cũng lâm vào tình trạng 'một cổ hai tròng'.
1. Trận siêu hạn hán cách đây 1.200 năm lặp lại ở Mỹ
Các chuyên gia của Cơ quan Giám sát Hạn hán Mỹ, hợp tác cùng một số cơ quan liên bang và Đại học Nebraska-Lincoln (Mỹ), đánh giá mức độ nghiêm trọng của hạn hán ở một khu vực nhất định, xếp hạng từ trung bình đến đặc biệt. Họ tính đến nhiều yếu tố, bao gồm tổng lượng mưa, băng tuyết, dòng chảy và đo độ ẩm của đất, đồng thời sử dụng hình ảnh từ vệ tinh viễn thám để đánh giá sức khỏe của thảm thực vật.
Mỹ sắp trải qua trận siêu hạn hán tàn khốc bậc nhất lịch sử.
Trong đó, riêng miền Tây nước Mỹ - gồm các bang California, Nevada, Arizona, New Mexico, Utah, Oregon, Washington, Idaho và Montana - đang trong tình trạng hạn hán đặc biệt nghiêm trọng. Hiện tại ở miền Tây Mỹ, nhu cầu về nước đã tăng lên rất nhiều trong nhiều thập kỷ qua khi dân số ở vùng này ngày một tăng lên.
Các nhân viên cứu hỏa của Quân đoàn Bảo tồn California đang dọn sạch các khúc gỗ, cành cây chết và các vật liệu tiềm ẩn khác gây cháy rừng khỏi khu vực gần Hồ Oroville. Ảnh: Patrick T. Fallon / Agence France-Presse - Getty Images
Cây hạnh nhân đang bị chặt bỏ khỏi vườn cây ăn quả ở Snelling, California. Nông dân đang lên kế hoạch trồng các loại cây ít tốn nước hơn vì hạn hán. Nguồn: Justin Sullivan / Getty Images
Không chỉ gây thiếu nước, hạn hán còn kích hoạt một loạt các trận cháy rừng quy mô lớn ở California, Arizona và New Mexico.
Hạn hán đã kéo dài quá lâu ở Tây Nam nước Mỹ, đến nỗi một số nhà khoa học nói rằng một trận siêu hạn hán (megadrought) đang xuất hiện trong khu vực - và trận siêu hạn hán này thậm chí còn tồi tệ hơn trận siêu hạn hán kéo dài liên tục trong 40 năm, xảy ra cách đây 1.200 năm.
2. Biển lửa kinh hoàng ở châu Âu
Hạn hán, hỏa hoạn đang khiến cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu - nơi vốn có khí hậu ôn hòa, mát mẻ.
Đầu tháng 8/2021, ở châu Âu cũng chứng kiến hàng loạt thảm họa liên quan đến nóng lên toàn cầu và cháy rừng khốc liệt. Ngày 4/8, Hy Lạp chứng kiến mức nhiệt cao kỷ lục: 47,1 độ C. Theo Hệ thống Thông tin về Cháy rừng Châu Âu (EFFIS), vào ngày 5/8, số khu rừng bốc cháy ở Hy Lạp gần như gấp đôi so với mức trung bình trong các năm 2008 đến 2020.
Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cũng đưa ra cảnh báo sóng nhiệt hàng loạt tại Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Ý, Romania, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng trăm người thương vong sau đợt nắng nóng, cháy rửng ở châu Âu vừa rồi.
Ngoài biến đổi khí hậu, những lý do khiến ngọn lửa tàn phá các khu rừng là phức tạp và thường do con người tạo ra: Một điếu thuốc được vứt bất cẩn và cháy âm ỉ trên mặt đất khô; hay các mảnh thủy tinh từ một chai vỡ hoạt động giống như kính lúp. Ảnh: Reuters
Các nhân viên cứu hỏa chiến đấu với đám cháy rừng ở Mugla, quận Marmaris, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 2 tháng 8. Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chống lại những trận cháy rừng chết người nhất trong nhiều thập kỷ sau khi một đợt nắng nóng bùng phát bao trùm đông nam châu Âu. Ảnh: Yasin Akgul — Hình ảnh AFP / Getty
Hỏa hoạn đang hoành hành ở Nga. Nhiều khu vực tại quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới này đã bị cháy trong nhiều tuần, trong đó khu vực xung quanh Yakutia ở cực đông bắc bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan bảo vệ lâm nghiệp Nga đã thống kê được hơn 250 đám cháy hiện đang bùng cháy trên khắp nước Nga, với tổng diện tích hơn 3,5 triệu ha.
Hy Lạp, Nga hứng chịu những trận cháy rừng tàn khốc nhất lịch sử.
Theo cơ quan vũ trụ Mỹ, NASA, làn khói cháy rừng đã đến được Bắc Cực - đây là sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử được ghi lại.
Khói từ những trận cháy rừng đang khiến người dân nước Nga không được hít thở không khí trong lành. Ô nhiễm không khí từ cháy rừng đang khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn.
3. 'Đại nạn' ở châu Phi
Liên Hợp Quốc tiếp tục cảnh báo, đến cuối năm 2021, phần lớn các nước châu Phi sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực gia tăng. Trong đó, trường hợp đáng báo động nhất về điểm nóng nạn đói diễn ra tại Ethiopia và Madagascar.
Tổ chức Nông lương (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) - thuộc Liên Hợp Quốc - cảnh báo hơn 41 triệu người trên toàn thế giới hiện có nguy cơ rơi vào nạn đói hoặc các tình trạng tương tự như nạn đói. Dự báo, vào năm 2050 sẽ có thêm hơn 80 triệu người ở châu lục này bị nạn đói hoành hành.
Nạn đói hoành hành khắp châu Phi. Gần 100 triệu người lâm vào cảnh thiếu ăn trầm trọng.
Một trong những nguyên nhân gây ra đại nạn ở châu Phi này là do thiên tai, mất mùa. Tình trạng hạn hán kéo dài liên tục ở châu Phi không chỉ khiến con người đói mà còn khiến họ không có đủ nước ngọt để dùng.
Liên Hợp Quốc cho biết, việc viện trợ nhân đạo chỉ giải quyết được bề nổi của vấn đề. Quan trọng nhất là các chính phủ phải hành động quyết liệt để chấm dứt nạn đói, chấm dứt mối lo sợ treo trên đầu của hàng chục triệu người, khiến họ chìm vào vòng xoáy của khủng hoảng lương thực - và nạn đói hoành hành.
Người châu Phi đang lâm vào tình thế "một cổ hai tròng". Nơi thì hạn hán - Nơi thì lũ lụt. Lagos, trung tâm kinh tế của Nigeria, bị ngập lụt hồi tháng 7/2021. Tại Nam Sudan, khoảng 90.000 người đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sau mưa lớn, Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của LHQ (OCHA) thông báo, khiến hàng nghìn người phải đi lánh nạn.
4. Châu Á cũng không thoát được
Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar cũng đang phải chống chọi với lũ lụt nghiêm trọng. Lượng mưa nhiều ngày hồi đầu tháng 8/2021 đã dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, nhiều người chết và hàng trăm nghìn người mất nhà cửa.
Hơn 40 người ở Ấn Độ đã thiệt mạng trong một trận lở đất. Ở Myanmar cũng vậy, người dân đang chống chọi với lũ lụt kinh hoàng. Còn ở Bangladesh, những ngôi làng có người tị nạn Rohingya cũng hứng chịu ngập lụt kinh hoàng.
Đài Loan (Trung Quốc) đang nóng gần gấp đôi tốc độ nóng lên của toàn cầu.
Trong khi đó tại Đài Loan (Trung Quốc) đang chứng kiến đợt hạn hán lịch sử. "Biến đổi khí hậu đã dẫn đến đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 100 năm trong nửa đầu năm 2021 và tình trạng thiếu nước trầm trọng tại đây". Hạn hán đã và đang làm tổn thương nông dân, đẩy giá lương thực lên cao, và thậm chí còn gây lo ngại cho ngân hàng trung ương tại Đài Loan [trong việc thiết kế cấu trúc chính sách tiền tệ] - Bloomberg thông tin.
Thêm vào đó, Đài Loan còn đối mặt với vấn đề khí hậu lâu dài. Nhiệt độ trung bình của Đài Loan đã tăng khoảng 1,3 độ C trong thế kỷ qua, gần gấp đôi tốc độ nóng lên của toàn cầu và có thể tăng ít nhất nhiều lần nữa vào cuối thế kỷ này.
Được các tổ chức toàn cầu và nhà khoa học đánh giá ngang ngửa đại dịch Covid-19, hạn hán cùng nhiều thảm họa khác (như cháy rừng, nước biển dâng, nghèo đói...) đang khiến nhiều quốc gia kém phát triển hứng chịu nhiều nhất.
Chưa hết, trong một thế giới ngày một nóng lên đó, hậu quả có lẽ sẽ lây lan như virus, bất kể đó là quốc gia giàu hay nghèo; bất kể địa vị con người ra sao. Phải chăng khi ấy, con người mới chịu hiểu tầm quan trọng của vấn đề?
Bài viết sử dụng nguồn: Reuters, The Guardian, New York Times, DW, CNN