Leo núi Cổng trời thăm 'Sứ giả thời tiền sử' hơn 1.100 năm tuổi

Kim Anh |

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều bạn trẻ thích thú leo lên núi Cổng trời cao chót vót để thăm quần thể thông 2 lá dẹt hơn 1.100 năm tuổi duy nhất trên thế giới. Đây là tour du lịch vừa được khai trương ở Lâm Đồng.

Leo núi Cổng trời thăm Sứ giả thời tiền sử hơn 1.100 năm tuổi - Ảnh 1.

Cây thông 2 lá dẹt 7 người ôm không xuể

Sau khoảng 2 giờ đồng hồ lội rừng, leo núi Cổng trời thuộc Vườn quốc gia (VQG) Bidoup-Núi Bà , chúng tôi tiếp cận quần thể gồm hàng chục cây thông hai lá dẹt có độ tuổi hơn một thiên niên kỷ. Số cây cổ thụ này cao sừng sững, vươn cao hơn hẳn các quần thể thực vật khác trong khu rừng.

Leo núi Cổng trời thăm Sứ giả thời tiền sử hơn 1.100 năm tuổi - Ảnh 2.

"Sứ giả thời tiền sử" rất cao, tán rộng

Cây già nhất cao trên 30m, có chu vi gốc tới 7,3m nên 7 người lớn nối vòng tay mới ôm trọn. Tán cây có tổng chiều dài trên10m, thân già cỗi với nhiều u lồi xù xì, được phủ xanh bởi rêu và nhiều loại phong lan ký sinh thật ấn tượng.

Dưới gốc cây là lớp mùn mục nát cùng với những đoạn rễ lớn tạo ra lớp xốp sâu tới nửa mét. Một phần của hệ thống rễ nổi trên mặt đất, tạo thành những hang hốc vô cùng thú vị.

Leo núi Cổng trời thăm Sứ giả thời tiền sử hơn 1.100 năm tuổi - Ảnh 3.

Nhành cây phủ đầy rêu rất đẹp

Cổng trời có một mặt tiếp giáp với tỉnh lộ 722, cách làng Cù Lần 8km và cách hồ Xuân Hương (TP Đà Lạt) 28km. Đây là nơi duy nhất trên thế giới du khách có thể tiếp cận để thỏa thích ngắm nhìn các “cụ” thông hai lá dẹt, loài cây đặc hữu của Việt Nam, chỉ phân bố ở Lâm Đồng và vùng phụ cận.

“Nghe kể về thông 2 lá dẹt đã lâu nên vừa nghe có tour du lịch này là mình đi ngay. Lội bộ hơi vất vả nhưng bù lại được tận thấy loài cổ thực vật sống cùng thời với khủng long vẫn còn hiện diện trên trái đất”, bạn Quốc Hùng đến từ TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) hồ hởi nói.

Leo núi Cổng trời thăm Sứ giả thời tiền sử hơn 1.100 năm tuổi - Ảnh 4.

Du khách lội bộ xuyên rừng để đến Cổng trời

Ông Nguyễn Lương Minh, Phó Giám đốc VQG Bidoup-Núi Bà kể câu chuyện thú vị: Vào thế kỷ trước, khi hay tin có nhà khoa học phát hiện thông hai lá dẹt ở Lâm Đồng, viện sĩ A.Tastagsceh - Viện hàn lâm chuyên về cây lá kim của Liên Xô (cũ) vô cùng xúc động.

“Tôi chỉ muốn sang ngay Việt Nam và sờ tay lên cây Pinus Krempfii rồi chết cũng mãn nguyện”, nhà thực vật học danh tiếng A.Tastagsceh phát biểu và sau đó ông đã mãn nguyện khi được tận thấy không chỉ một cây mà cả một rừng cây.

Leo núi Cổng trời thăm Sứ giả thời tiền sử hơn 1.100 năm tuổi - Ảnh 5.

Bắt gặp rắn trên đường lên Cổng trời

Cũng theo ông Minh, điều đặc biệt và vô cùng bí ẩn là bất cứ loài nào cũng phát triển và tiến hóa theo thời gian, nhưng thông hai lá dẹt có thể sống cả hàng triệu năm nhưng hầu như không có biến đổi nào về gien.

Theo các già làng, thông hai lá dẹt là “cây thần linh” của người K’Ho nên dân làng chẳng những không xâm phạm mà còn tìm mọi cách bảo vệ. Lực lượng kiểm lâm cũng ngày đêm tuần tra nên quần thể cổ thực vật này được gìn giữ toàn vẹn bao năm qua.

Leo núi Cổng trời thăm Sứ giả thời tiền sử hơn 1.100 năm tuổi - Ảnh 6.

Săn ảnh ở Cổng trời

Ngoài thông 2 lá dẹt, vùng núi ở độ cao trên 1.800m so với mực nước biển này còn có hàng trăm loài loài động, thực vật quý hiếm như phong lan, thông tre, thông lông gà, nấm linh chi cổ cò…

Đặc biệt, Lâm Đồng có tới 6 trong tổng số các loài đặc hữu của Việt Nam như Mi langbian, Khướu đầu đen, Khướu hông đỏ, Lách tách ngực nâu, Sẻ thông họng vàng, Chích chạch má xám và Khướu đầu đen má xám. Birdlife International xác định đây là 1 trong 5 khu vực chim đặc hữu tại Đông Dương.

Leo núi Cổng trời thăm Sứ giả thời tiền sử hơn 1.100 năm tuổi - Ảnh 7.

Khướu hông đỏ

Bởi thế, VQG Bidoup-Núi Bà đã phối hợp với Công ty TNHH GBQ phát triển du lịch sinh thái gắn kết với an sinh cộng đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại