Lệnh ngừng bắn ở Syria có vẻ chỉ là một "xác chết biết đi" khi mà nó không thể thực thi thỏa thuận giữa Nga và Mỹ hồi đầu tháng bởi trên thực tế, không có một cơ chế nào tồn tại, Sputnik dẫn lời ông Jim W. Dean, chủ bút tờ Veterans Today cho hay.
"Nó sẽ được nhớ tới như một trong những thỏa thuận ngừng bắn khó đạt được nhất. Chúng ta có thể thấy thỏa thuận đã bắt đầu bị phá vỡ dù giấy còn chưa ráo mực", nhà phân tích này viết cho tờ New Eastern Outlook, "Các cuộc đàm phán thiếu một thành tố chủ chốt: Không có cơ chế thực thi trong thỏa thuận".
Hay nói một cách khác, thỏa thuận này đã thất bại trong việc đưa ra phương pháp nhằm "kiểm soát những nhân tố vi phạm lệnh ngừng bắn".
Theo Sputnik, Bộ Quốc phòng Nga ghi nhận hơn 300 trường hợp phiến quân vi phạm nỗ lực gạt bỏ sự thù địch trong vòng 7 ngày kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
"Có vẻ như các nhóm đối lập đã quyết định cứ thế mà cam kết để Mỹ có danh sách đưa cho Nga, và sau đó họ lại tiếp tục làm gì họ muốn. Chúng tôi đã nhanh chóng nhận ra điều đó trong những ngày đầu tiên. Phe đối lập tiếp tục vi phạm lệnh ngừng bắn, nhưng John Kerry và truyền thông phương Tây đều phớt lờ", ông Dean nhận định.
Theo ông Dean, các nhóm phiến quân do Mỹ hậu thuẫn coi phản ứng của Washington như một cái gật đầu: "Các nhóm phiến quân ngầm hiểu rằng họ có thể lợi dụng lệnh ngừng bắn để phục vụ mục đích của mình. Và họ đã làm như vậy".
Ngoài ra, ông Dean cho rằng: Các quốc gia vùng Vịnh cũng có thể là một thế lực khiến lệnh ngừng bắn của Syria bị hủy hoại, bởi các nước này có khả năng và tài chính để chu cấp cho các nhóm phiến quân cực đoan với mục đích lật đổ Bashar al-Assad.
Trong khi đó, truyền thông Mỹ lại cho rằng chính quyền Syria đã phong tỏa, không cho viện trợ nhân đạo tới với người dân sống trong khu vực bị phong tỏa. Tiếp đó, bộ máy này còn từ chối gia hạn lệnh ngừng bắn.
"Vô tình" tấn công
Tình hình còn tệ hơn nữa khi liên minh do Mỹ dẫn đầu tiến hành không kích căn cứ của Quân đội Syria ở Deir ez-Zor.
Động thái này đã dập tắt triển vọng kéo dài lệnh ngừng bắn.
Aleppo tiếp tục hứng chịu các đợt không kích sau khi thỏa thuận ngừng bắn thất bại.
Dù Lầu Năm Góc phân trần rằng cuộc tấn công này chỉ "vô tình" xảy ra nhưng lý do ấy không mấy thuyết phục. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng hành động này là nhằm đáp trả Damascus và đặc biệt là Nga vì đã "công khai những thông tin vi phạm của phía Mỹ".
"Toàn bộ hỏa lực của liên minh do Mỹ dẫn đầu đều được trang bị GPS dẫn đường, trong khi quân đội Syria đã hiện diện ở sân bay Deir ez-Zor một thời gian khá dài. Không có lý nào liên minh của Mỹ lại không biết chính xác họ ở đâu. Vụ ném bom giống như một hành động khiêu khích để phe Syria tự mình phá vỡ lệnh ngừng bắn. Nhưng họ đã không cắn câu", ông Dean phân tích.
Giống như những nỗ lực không thành trước đó, Nga và Mỹ tiếp tục đứng trong vòng xoáy tranh cãi ai là người có lỗi. Đây là một cuộc tranh cãi không hồi kết, tuy nhiên, có một điều tất cả các bên đều phải thừa nhận. Đó là tình hình sẽ tệ hơn ban đầu. Nỗ lực hòa bình liên tiếp thất bại khiến người ta nghi ngờ: Liệu hòa bình có bao giờ tới với Syria?
Hassan Hassan, chuyên gia về Syria thuộc Viện Chính sách Trung Đông Tahrir cảnh báo rằng: Dư luận Syria đã hoài nghi về Mỹ tới mức thỏa thuận thất bại sẽ khiến họ mất lòng tin hơn nữa.
"Đó là điều chính quyền Mỹ không nhận ra", ông Hassan nói, "Cứ mỗi lần họ thử làm một điều gì đó mà không phải một giải pháp hoàn hảo, không phải một giải pháp tốt, thậm chí còn sai lầm, thì tình hình sẽ còn tệ hơn ban đầu. Vì vậy, đôi khi, thà không làm gì còn hơn mang đến một điều tệ hại".