Tòa án Tối cao Mỹ ngày 26/6 đã trao cho Tổng thống Donald Trump chiến thắng pháp lý quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông khi ủng hộ ủng hộ sắc lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân từ một số quốc gia có đông người Hồi giáo.
Theo CNN, lệnh cấm nhập cảnh được giữ nguyên với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống từ hội đồng thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, trong đó Chánh án John Roberts bỏ phiếu ủng hộ sắc lệnh.
Đây là phiên bản thứ 3 của sắc lệnh cấm nhập cảnh, được ban hành vào tháng 9/2017, sau khi hai sắc lệnh trước đó không vượt qua được “cửa ải” pháp lý. Theo sắc lệnh, công dân từ 7 quốc gia Iran, Syria, Libya, Yemen, Somalia, Triều Tiên và Venezuela sẽ bị hạn chế nhập cảnh vào Mỹ. Cộng hòa Chad ban đầu có tên trong danh sách nhưng mới đây nước này được đưa ra khỏi danh sách vì đáp ứng các yêu cầu an ninh cơ bản.
Lý do sắc lệnh được thông qua
Theo phán quyết của Tòa án Tối cao, sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump ban hành vào tháng 9/2017 nhằm cải thiện tính hiệu quả của các thủ tục kiểm tra, giám sát của Mỹ đối với công dân nước ngoài vào nước này, giúp phát hiện chính xác những cá nhân có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.
Hơn nữa, sắc lệnh này cũng căn cứ vào sự hợp tác giữa các cơ quan liên quan trong chính phủ. Theo đó, Bộ An ninh Nội địa xác định những quốc gia không tích cực hợp tác trong chia sẻ thông tin với Mỹ, còn Bộ Ngoại giao đã thực hiện các nỗ lực ngoại giao trong thời gian 50 ngày để khuyến khích những quốc gia nằm trong danh sách tăng cường thực thi pháp luật của họ.
Chánh án John Roberts cho biết: “Việc ban bố lệnh cấm nhập cảnh chắc chắn nằm trong thẩm quyền của Tổng thống và dựa trên các mục đích chính đáng đó là ngăn chặn những công dân không đủ tiêu chuẩn vào Mỹ và thúc đẩy các quốc gia khác cải thiện luật pháp của họ”.
Ông Roberts biện minh rằng, sắc lệnh không liên quan đến tôn giáo: “Nguyên đơn (tức các bang kiện sắc lệnh của ông Trump) và những người bất đồng chính kiến cho rằng 5 trong số 7 quốc gia nằm trong danh sách có đa số dân là người Hồi giáo. Tuy nhiên họ không có cơ sở để suy luận rằng sắc lệnh được đưa ra dựa trên sự phân biệt về tôn giáo vì trên thực tế, chính sách đưa ra chỉ thu hẹp ở mức 8% dân số Hồi giáo trên thế giới và được giới hạn ở những quốc gia từng bị Quốc hội hoặc chính quyền trước đây chỉ định là có nguy cơ gây tổn hại an ninh của Mỹ”.
Quyền lực của Tổng thống được mở rộng
Theo CNN, phán quyết của tòa tối cao gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng Tổng thống Trump có quyền hạn rộng rãi theo luật di trú khi thực hiện các biện pháp để bảo vệ an ninh quốc gia.
Tổng thống Trump hoan nghênh Tòa tối cao giữ nguyên lệnh cấm nhập cảnh VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/6 hoan nghênh Tòa án Tối cao Mỹ ủng hộ lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân các nước Hồi giáo.
Trong thông báo đăng tải trên trang mạng Twitter, Tổng thống Donald Trump viết: “Phán quyết của tòa án là chiến thắng to lớn đối với người dân Mỹ và Hiến pháp. Trong thời đại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan lan rộng ra toàn thế giới, làm hại người dân vô tội, chúng ta phải xem xét và giám sát chặt chẽ những đối tượng nhập cảnh vào Mỹ. Phán quyết này cho thấy sự nhận thức tình hình sâu sắc sau thời gian dài xuất hiện những lời phản đối từ giới truyền thông và các chính trị gia Đảng Dân chủ - những người từ chối đóng góp vào việc đảm bảo an ninh biên giới và quốc gia.”
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cũng ca ngợi phán quyết nêu trên, coi đây là “chiến thắng tuyệt vời cho sự an toàn và an ninh của người dân Mỹ”. Ông nhấn mạnh, “Hiến pháp và Các điều luật của Quốc hội trao cho Tổng thống toàn quyền đưa ra các quyết định để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Động thái ngày hôm nay đóng vai trò quan trọng trong tăng cường quyền lực của Tổng thống Trump, cũng như các nhà lãnh đạo trong tương lai, nhằm bảo vệ người dân Mỹ”.
Cây bút Chris Cillizza của CNN cho biết, lịch sử nước Mỹ từng chứng kiến nhiều nhà lãnh đạo tìm cách mở rộng quyền hạn của họ trong khi hạn chế thẩm quyền của Quốc hội, Tổng thống Mỹ George W. Bush, Barack Obama là những tấm gương điển hình và giờ là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Phán quyết của Tòa án Mỹ đã cho thấy vai trò ngày càng to lớn của ông Trump. Stephen Vladeck – nhà phân tích của CNN đồng thời là giáo sư tại Trường Đại học Luật Texas của Mỹ gọi đây là “chiến thắng lớn” của Nhà Trắng.
“Tòa án Tối cao đã tái khẳng định quyền điều hành của Tổng thống để quyết định ai có thể và ai không thể nhập cảnh vào Mỹ, thẩm quyền mà cả Tổng thống Trump và các Tổng thống tương lai chắc chắn sẽ dựa vào để biện minh cho việc đưa ra những hạn chế cứng rắn hơn đối với vấn đề nhập cư”.
Những người phản đối nói gì?
Phía không đồng ý với phán quyết vừa qua có các thẩm phán Stephen Breyer, Ruth Bader Ginsburg, Elena Kagan và Sonia Sotomayor.
Thẩm phán Sonia Sotomayor nói rằng: “Một người quan sát bình thường cũng đi đến kết luận rằng sắc lệnh được đưa ra do sự ghét bỏ Hồi Giáo. Sắc lệnh này làm xói mòn các nguyên tắc vốn được coi là nền tảng của sự tôn trọng và chấp thuận nhiều ngưỡng, tôn giáo khác nhau”. Cũng theo bà Sotomayor, các thẩm phán ủng hộ đã không để ý đến những tuyên bố mâu thuẫn của ông Trump và “nhắm mắt trước sự đau khổ mà sắc lệnh đã gây ra cho nhiều cá nhân và gia đình, với nhiều người trong số này là công dân Mỹ”.
Nghị sĩ đảng Dân chủ Minnesota Keith Ellison, người Hồi giáo đầu tiên được bầu vào Quốc hội, cho biết quyết định của Tòa án tối cao hôm 26/6 đã đưa ra tính hợp pháp để phân biệt đối xử với người theo đạo Hồi giáo.
Neal Katyal, một trong những luật sư chính của bang Hawaii trong vụ kiện sắc lệnh cấm đi lại cho biết, ông đã "thất vọng" trong quyết định của tòa án và kêu gọi Quốc hội đảo ngược sắc lệnh của Tổng thống. “Tôi tin rằng sắc lệnh thứ 3 này sẽ tiếp tục thất bại như 2 sắc lệnh trước đó bởi nó là vi hiến và không thể hiện được giá trị của nước Mỹ”.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Tom Perez nói: "Phân biệt đối xử không phải là một chiến lược an ninh quốc gia, và thành kiến không phải là lòng yêu nước. Chúng ta hãy gọi lệnh cấm này là: một cuộc tấn công hoàn toàn vào cộng đồng Hồi giáo, vi phạm cam kết tự do và công lý của nước Mỹ”./.