Chiều nay (3-2), ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, dẫn đầu đoàn công tác đã làm việc với tỉnh Gia Lai về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Sáng cùng ngày, ngay sau khi đến tỉnh Gia Lai, đoàn công tác đã di chuyển hơn 100km xuống các ổ dịch tại thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa thị sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
Tại cuộc làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, kiêm Phó Trưởng ban chỉ đạo (BCĐ) Phòng chống dịch Covid-19 - cho biết ca Covid-19 đầu tiên trong tỉnh được phát hiện ngày 29-1.
Sau khi họp khẩn trong đêm, BCĐ đã họp khẩn, xác định đây là ca bệnh nguy hiểm, thời gian kéo dài trong cộng đồng. Vì vậy, cần phải truy vết, xử lý thật nhanh. Tới chiều 3-2, đã xác định có 14 ca dương tính tại 5 huyện, thị xã, thành phố. Tất cả 14 ca dương tính được xác định là chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
Đường Nguyễn Đình Chiểu ở Gia Lai bị phong tỏa sau khi phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 từng ở tại đây
Bà Lịch cho biết do lần đầu có dịch, đường biên giới kéo dài khoảng 90km, người dân tộc thiểu số chiếm đến 44%, cùng với hệ thống y tế còn hạn chế nên công tác truy vết gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế.
Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kiêm Trưởng BCĐ, mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cấp, ngành về kỹ thuật và chuyên môn để Gia Lai sớm khoanh vùng và khống chế được ổ dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ. Trong tình hình trước mắt, cần chủ động thành lập các bệnh viện dã chiến. Tỉnh Gia Lai đã dự tính lấy Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa và Trung tâm điều trị chất lượng cao của Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai để làm bệnh viện dã chiến.
Ông Tuyên lưu ý, khi thành lập bệnh viện dã chiến thì chỉ dùng chữa trị các ca bệnh Covid-19, tuyệt đối không được để các bệnh khác vào khám, điều trị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra tình hình dịch bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai
Do đó, nếu lấy Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa làm bệnh viện dã chiến thì phải tính toán đến việc hướng dẫn, phân luồng, hướng dẫn bệnh nhân đến cơ sở khám chữa bệnh khác chữa trị từ đầu vì "nhân dân vẫn ốm, không thể bỏ mặc người dân được".
Còn Trung tâm điều trị chất lượng cao tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai mới xây dựng, chưa sử dụng, đã có cơ sở vật chất ban đầu đã đảm bảo. Tuy nhiên, khi làm bệnh viện dã chiến cần trang bị thêm cơ sở vật chất.
Ông Tuyên cũng nhấn mạnh thực tế là các ca mắc Covid-19 tử vong ở nước ta đều là những bệnh nhân nặng, có nhiều bệnh lý nền. Do đó khi làm bệnh viện dã chiến phải xây dựng các trung tâm cấp cứu bệnh nhân nặng bên trong.
Để xây dựng các bệnh viện, ông Tuyên đã giao Cục Khám chữa bệnh cùng với Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Sở Y tế Gia Lai hướng dẫn công tác phòng chống dịch ở tuyến huyện có ca bệnh; Khảo sát thực tế cơ sở để lập bệnh viện dã chiến, đồng thời khảo sát toàn bộ cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai (kể cả quân y, tư nhân) để đưa lực lượng, cơ sở vật chất vào bệnh viện dã chiến.
Sau đó, xây dựng ngay phương án bệnh viện dã chiến và phân công nhiệm vụ cụ thể. Xây dựng lực lượng khoa, phòng gồm các bộ phận tiếp nhận, chữa trị và hậu cần; đồng thời cũng phải phân công nhiệm vụ cụ thể tại các khoa, phòng này.
Đối với trang thiết bị, vật tư tại bệnh viện dã chiến thì cần cụ thể như thế nào phải tính toán để có phương án huy động, mua sắm hoặc đề nghị hỗ trợ. Cuối cùng là xây dựng quy trình tiếp nhận, điều trị bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến.
Trong trường hợp tỉnh Gia Lai thiếu nhân lực, ông Tuyên gợi ý có thể huy động sinh viên ngành y năm 4,5 của Đại học Tây Nguyên để tập huấn, phục vụ tại bệnh viện dã chiến.
Ông Tuyên cũng đề nghị tỉnh Gia Lai phải mua thêm máy xét nghiệm lắp đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai vì hiện nay tỉnh này mới chỉ có máy xét nghiệm tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh.