Hễ cứ nhắc đến chuyện mẹ chồng - nàng dâu, chắc hẳn phần lớn chúng ta dù chưa biết nội tình câu chuyện ra sao cũng đều cảm thấy muốn đứng về phía nàng dâu. Một phần vì phim ảnh lâu nay khắc họa chân dung các bà mẹ chồng có phần gay gắt, khắc nghiệt quá; một phần vì phụ nữ đi lấy chồng hay có tâm lý nhẫn nhịn vì con. Giả như có bực bội, uất ức thì cũng cố mà nhịn, cho đến khi không chịu nổi nữa mới vùng lên, đấu tranh cho bản thân mình.
Cách đây chưa lâu, một nàng dâu cũng lên mạng chia sẻ khúc mắc trong lòng, nhờ CĐM tư vấn, cho lời khuyên. Tuy nhiên, trong câu chuyện của cô, gần như mọi người đều đứng về phía mẹ chồng. Cả gia đình cô đang sống chung với mẹ chồng. Bà không lấy tiền nhà, hàng tháng chỉ nhận 3 triệu tiền ăn của gia đình 4 người gồm vợ chồng cô và 2 cháu nội của bà. Vậy mà nàng dâu này vẫn nghĩ tới việc xin bà nuôi ăn trọn gói, để cắt giảm khoản tiền 3 triệu này, dù thu nhập của vợ chồng là 24 triệu/tháng - không quá cao nhưng cũng gấp 8 lần con số 3 triệu!
CĐM bất bình thay cho mẹ chồng: "Mới U50 đã kêu lớn tuổi nên không kiếm thêm được tiền, vậy chắc bà nội thì trẻ hơn hay sao?"
Ở phần bình luận của bài đăng này, người nào nhẹ nhàng thì khuyên nàng dâu này nên cắt giảm tiền học của bé lớn (lớp 11) và giữ nguyên tiền ăn gửi bà nội, đồng thời tích lũy để lo cho bé nhỏ (1,5 tuổi). Còn những người có chút nóng tính, thẳng thắn thì không ngại chê nàng dâu này quá ỷ lại, "con nhà lính, tính nhà quan".
Dù không tiết lộ bà nội năm nay bao nhiêu tuổi, nhưng rõ ràng con dâu đã bước sang tuổi 45 thì mẹ chồng trẻ lắm cũng đã 65-70 tuổi. Ở cái tuổi xế chiều ấy mà vẫn còn đủ "lực" để chu cấp tiền ăn, tiền ở cho gia đình con trai cũng như các cháu, bà nội này quá đỉnh chứ không phải đùa!
Bao năm sống với mẹ chồng, không mất tiền thuê nhà, tiền điện tiền nước, hàng tháng chỉ gửi bà 3 triệu tiền ăn gọi là cho có, vậy mà cũng nghĩ tới việc "cắt" giảm được! Thời buổi này, dù có sống ở quê đi chăng nữa thì ngân sách 3 triệu tiền ăn/tháng cho 1 gia đình 3 người lớn, 1 trẻ em cũng vẫn là điều không tưởng.
Vậy mà vẫn còn tính tới chuyện "cắt" 3 triệu gửi bà hàng tháng, nàng dâu này nếu bảo là quá đỉnh, thực ra cũng chẳng sai. Đã 45 tuổi rồi mà còn thiếu suy nghĩ đến mức ấy, chuyện này đâu phải ai cũng làm được?
2 bài học đáng suy ngẫm cho các gia đình có từ 2 con trở lên
Tạm bỏ qua tầm nhìn và suy nghĩ "sâu sắc như cơi đựng trầu" của nàng dâu trong chia sẻ này, có 2 vấn đề mà các gia đình có 2 con trở lên, đặc biệt là có con "sinh sau đẻ muộn", phải tuyệt đối lưu tâm.
1 - Không nên dồn toàn "lực" cho con cả
Bố mẹ luôn muốn dành cho con những điều tốt nhất trong khả năng có thể, điều này là hiển nhiên không có gì phải bàn cãi với những gia đình chỉ có 1 người con. Còn với những gia đình có từ 2 con trở lên, câu chuyện không đơn giản như thế.
Giống như gia đình của nàng dâu trong câu chuyện phía trên: Thu nhập của bố mẹ là 24 triệu mà riêng tiền học và tiền tiêu vặt cho bé lớn đã hết 13 triệu, tương đương 54% thu nhập của bố mẹ. Vậy thì quỹ tích lũy để lo cho bé thứ 2 ở đâu, trong khi bố mẹ chẳng hề có khoản tiết kiệm hay bất kỳ khoản quỹ nào dành cho tương lai của người con út? Đây là trong trường hợp hai bé sinh cách xa nhau, bố mẹ tạm thời có thể dồn toàn lực cho bé lớn thay vì phải cùng lúc nuôi cả 2 con ăn học.
Nhà đông con, nếu cho con cả điều kiện học tập tốt hơn con thứ, vô hình trung, bố mẹ đã tạo ra sự phân biệt đối xử ngay trong nội bộ gia đình - điều này vừa ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của con, vừa khiến anh em dễ tị nạnh, bất hòa với nhau.
Ngày xưa, ở thời ông bà - cha mẹ chúng ta, nhiều gia đình có tư tưởng chỉ đầu tư, chỉ nuôi ăn học đứa con cả còn việc ăn học của con thứ, con cả sẽ phải lo. Nhưng thời đại này, tư duy ấy đã là cổ hủ quá rồi. Con là do bạn sinh ra, chúng nên được hưởng điều kiện sống - học tập như nhau, và hơn hết việc ăn học của con thứ không phải là trách nhiệm của người con cả.
Nhớ lấy, con là do mình sinh ra, người có trách nhiệm phải là mình!
2 - Chi phí ăn học của con là chuyện nên tính toán, lên kế hoạch từ khi con bắt đầu ăn dặm!
Ở đây, chúng ta tạm bỏ qua câu chuyện của những ông bố bà mẹ hứng lên là... đẻ hoặc những người sống giữa thời đại 4.0 mà vẫn tin rằng "trời sinh voi sinh cỏ", cứ đẻ đi kiểu gì cũng nuôi được. Ừ thì kiểu gì cũng nuôi được thôi, nhưng phàm là chuyện lớn, liên quan tới 1 sinh mạng và 18 năm cuộc đời của chúng, có tính toán hẳn là vẫn tốt hơn không.
Vậy tại sao lại nói chuyện chi phí ăn học của con là điều nên tính toán, chuẩn bị từ khi con bắt đầu ăn dặm? Câu trả lời gói gọn trong 2 gạch đầu dòng.
Thứ nhất: Nếu bản thân hoặc người bạn đời không may ốm đau bệnh tật hoặc tệ nhất là qua đời, một mình mình sẽ phải nuôi con ra sao? Tình huống này đương nhiên không ai muốn nghĩ tới, nhưng nghĩ cũng không thừa. Chuẩn bị tài chính nuôi con không đơn thuần là việc lo cái bỉm, hộp sữa. Con cần đi học ít nhất là 12 năm, còn nhiều nhất thì thôi khỏi tính, tùy điều kiện từng gia đình. Trong 12 năm ấy, cho con học trường công là một mức phí, cho con học trường tư lại là một mức phí khác. Muốn cho con đi du học còn là chuyện khác nữa.
Thứ hai: Năm nay bố mẹ dư giả nên con được học trường tư, sang năm bố mẹ hết tiền nên chuyển con về trường công? Hoặc năm nay bố mẹ dư giả nên con được đi học thêm cho bằng bạn bằng bè, thậm chí còn được thuê cả gia sư đến nhà dạy. Sang năm bố mẹ tự nhiên "bí", nên con phải tự học, không có "thêm nếm" hay gia sư 1-1 gì nữa. Với những đứa trẻ lười học thì việc này có thể là đáng mừng, nhưng với những đứa trẻ ham học, thử nghĩ xem cú shock kiến thức và đôi khi là shock cả văn hóa này liệu có tốt cho chúng hay không?
Cách duy nhất để hạn chế tình trạng này chính là tính toán, chuẩn bị chi phí nuôi con ăn học càng sớm càng tốt.
Cuối cùng, không phải điều quan trọng nhất nhưng cũng là điều rất đáng lưu tâm: Đừng để bản thân phải chào đón sự xuất hiện của con trong trạng thái hoang mang lo lắng, kiểu như "tiền đâu mà nuôi thêm đứa nữa bây giờ?". Vậy là vừa khổ mình mà cũng vừa khổ con, trong khi các biện pháp tránh thai thời nay chỉ tốn khoảng vài chục nghìn, cùng lắm là vài triệu đồng!