Năm nay, Tết của nhà chị Hồng được ví von là "bánh chưng nhân bào ngư" khi chị được thưởng xấp xỉ 5 tháng lương "gross" (lương tổng thu nhập), tức khoảng hơn 200 triệu đồng. Đối với một banker lương tháng không thiếu thốn, dư đủ trang trải gia đình và tích lũy mỗi tháng, thì đây cũng không phải khoản tiền gì quá lớn.
Tuy nhiên, nó vẫn là khoản "ra tấm ra món" mà chị Hồng mong đợi để có thêm phần thu nhập chia sẻ cho những người xung quanh. Với chị, thưởng là một khoản vượt trội ngoài kế hoạch, do đó chị không có kế hoạch gì ngoài sắm Tết vừa đủ và chia cho người thân. "Nếu còn dư, sẽ bỏ vào tài khoản tiết kiệm cho con đi học", chị Hồng nói.
Có thể thấy là tùy mỗi hoàn cảnh, mỗi gia đình, mỗi mức thu nhập mà người lao động có mong đợi, dự tính tiêu khoản thưởng Tết khác nhau (ảnh minh họa)
Phụ trách một khối hành chính của một công ty bất động sản ở phía Nam, anh Hoàng thì lại cho biết năm nay công ty anh không thưởng cao ngoài lương tháng 13. Mọi năm, "dân" bất động sản đều mừng Tết to vì có khoản được chia theo tỷ lệ đạt của doanh số kinh doanh, nhưng năm nay COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh của công ty không đạt chỉ tiêu đề ra, do đó mà "nhân viên ỉu xìu vì thưởng kém, cắt thưởng kinh doanh ", anh Hoàng cho biết.
Tuy nhiên, ở tầm thu nhập của anh Hoàng, thưởng một tháng lương cũng có thể giúp anh làm nhiều điều. Trao đổi với người viết, anh Hoàng "khoe" đã về quê, sắm được mấy chục phần quà chia cho người khó khăn.
"Đợt 1 ở nhà đã trao một lần, nhưng lần này mình về vẫn thấy nhiều người biết thông tin nên đến "xin" thêm. COVID-19 làm mọi người khó khăn hơn mọi năm. Thế nên thưởng Tết mình đều biến thành quỹ chia sẻ", anh Hoàng nói.
Dĩ nhiên bên cạnh những người như chị Hồng, anh Hoàng, rất nhiều người năm nay không được hoan hỷ với tiền thưởng Tết.
"Vẫn biết pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp có nghĩa vụ phải trả tiền thưởng Tết cho nhân viên, nhưng giao kết hợp đồng lao động ngay từ đầu là có lương tháng 13 và có thưởng tùy theo kết quả kinh doanh của công ty, thì nay công ty tuy khó khăn vì dịch nhưng vẫn có doanh thu, vẫn làm rào rào các đơn hàng, phải trả thưởng cho người lao động chứ!", chị Quỳnh Thu, đại diện một nhóm công nhân lao động thủy sản của doanh nghiệp ở khu vực khu công nghiệp Bình Chánh (TP HCM) cho biết.
Chị Thu cũng cho hay thực tế thì công ty cũng cho thưởng hiện vật là các sản phẩm của công ty, nhưng người lao động vẫn mong khoản lương, hoặc ít nhất một phần khoản lương gọi là thưởng, để có thêm tấm áo, thêm bánh chưng, thêm hộp mứt cho gia đình, có thêm chút tiền biếu ông bà nội ngoại hai bên…
Trong khi đó, Minh Khánh, một bạn trẻ thế hệ Gen Z thì cho biết mới đi làm được 2 năm, công ty cũng có một khoản tiền thưởng đối với bạn là "kha khá".
"Bố mẹ mình đều đang còn đi làm, thu nhập không quá cao nhưng cũng chả thiếu thốn gì. Dù vậy mình cũng mua một món quà về biếu bố mẹ cho bố mẹ vui, để một phần tiền dành lì xì cho con cái của anh chị, họ hàng, bạn bè. Mình cũng mua một món quà đầu năm cho "crush" (cách nói chỉ người mình yêu theo kiểu teen code của giới trẻ - BT) và cho chính mình. Còn đâu mình sung vào quỹ dự phòng và quỹ du lịch của bản thân", Minh Khánh nói.
Nhiều bạn trẻ chen chân mua sắm ngày cận Tết tại TTTM Vincom. Ảnh: L.M
Có thể thấy là tùy mỗi hoàn cảnh, mỗi gia đình, mỗi mức thu nhập mà người lao động có mong đợi, dự tính tiêu khoản thưởng Tết khác nhau.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị đã đến lúc người lao động cần suy nghĩ nghiêm túc về sử dụng khoản tiền thưởng Tết. Theo ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia Tài chính, đại dịch COVID-19 đã trở thành phép thử khốc liệt với mọi nền kinh tế lớn, nhỏ trên toàn cầu, với mọi doanh nghiệp và với mỗi gia đình, mỗi người.
Trong phép thử khốc liệt toàn diện ấy, có phép thử về khả năng đáp ứng yêu cầu và tuân thủ y tế phòng chống dịch, có cả phép thử về khả năng quản trị tài chính quốc gia, tài chính doanh nghiệp, tài chính cá nhân. Đặc biệt là vấn đề tài chính cá nhân cho mỗi gia đình, mỗi người.
Vì vậy, việc ứng xử với khoản tiền thưởng Tết với những người có thu nhập khá, vừa đủ, và những người mới bắt đầu tích lũy, cũng đều nên "lập kế hoạch".
Ông Hoàn cho rằng với người thu nhập khá, có dư "của ăn của dành", có thể phân chia tỷ lệ cao cho quỹ từ thiện của bản thân, gọi là "quỹ" nhưng thực ra là khoản chia sẻ với người xung quanh và cộng đồng.
"Nhiều người có thu nhập tốt hiện đã có sự sẻ chia cộng đồng một cách lặng lẽ, quy mô nhỏ, từ tiền túi của mình mà không cần kêu gọi, quyên góp. Đây là hạt mầm đáng quý và cần được lan tỏa rộng hơn, trở thành một phần ưu tiên trong kế hoạch sẻ chia thưởng Tết của người có thu nhập tốt", ông Hoàn nói.
Với người thu nhập trung bình, vừa, thì có thể quan tâm phân bổ khoản thưởng cho kế hoạch cá nhân theo "công thức":
Quỹ dự phòng – Đây là quỹ mà bất kỳ ai cũng cần phải có, phải lập cho bản thân, đặc biệt để dành ứng xử với các giai đoạn khó khăn như COVID-19 vừa qua;
Quỹ đầu tư – học tập: Đầu tư ở đây có thể là đầu tư tài chính, góp vốn, start up.v.v. nếu có khả năng, hoặc cũng có thể là đầu tư cho chính bản thân để trang bị kiến thức, kỹ năng mới… Dạng thức nào cũng đều là "đầu tư".
Quỹ cải thiện: Một phần tiền thưởng dùng để thay đổi, cải thiện gia đình, phòng làm việc, góc học tập như sơn sửa, mua sắm trang thiết bị mới hay mua một món đồ "có giá" thưởng cho chính bản thân… Nếu là người có gia đình thì đây có lẽ lại là phần chiếm tỷ lệ ưu tiên.
Cuối cùng là Quỹ từ thiện: Dành một tỷ lệ nhỏ để "cho đi" với người thân và cộng đồng.
"Không có kế hoạch chi tiêu, sử dụng tiền nào có thể được lập ra để phù hợp với tất cả. Mỗi người sẽ có một kế hoạch song đừng quên rằng, thưởng Tết – chính là phần ghi nhận thành quả, công sức một năm lao động mình đã đóng góp, làm việc, cống hiến tại doanh nghiệp.
Do đó, nó không phải là khoản "trên trời rơi xuống" hay "lộc lá" bỗng dưng nhận được. Hãy sử dụng mỗi đồng tiền trong khoản thưởng một cách có kế hoạch, có động lực để thấy mình cần tiếp túc đóng góp, cống hiến một cách ý nghĩa trong 365 ngày kế tiếp", chuyên gia khuyến nghị.